“Tự phụ”, “ngạo mạn”, “ngông cuồng”, “xúc phạm, làm tổn thương những thí sinh còn lại”…, đấy chỉ là một tập hợp những từ ngữ cực đoan mà cô gái này phải đón nhận.
1. Hẳn nhiên, những cuộc ném đá trên mạng đến nhanh rồi qua nhanh và đến thời điểm này có thể cũng đã rơi vào quên lãng. Nhưng, cần nhìn lại câu chuyện mang tính điển hình này để trả lời câu hỏi, rốt cuộc những người không ngớt lời chỉ trích Thu Hằng muốn điều gì ở em?
Cảm xúc phấn khích sau mỗi lần trả lời đúng của Thu Hằng là diễn biến đến từ những dao động sinh hóa bên trong con người em và nó là điều đã diễn ra, không thể thay đổi được, ít nhất là ở thời điểm ấy. Nhưng, có lẽ điều mà những người này mong muốn là Thu Hằng phải biết cách giấu nhẹm những cảm xúc cá nhân ấy. Với họ, nếu không thể tạo nên một gương mặt bình thản, lạnh lùng để “đỡ làm tổn thương những thí sinh còn lại” thì Thu Hằng ít nhất cũng không được thể hiện một cấp độ phấn khích theo đúng những gì đã diễn ra bên trong con người em.
Ảnh: L.G |
Giả dụ như em làm điều đó để có thể làm vừa lòng một bộ phận cộng đồng mạng nào đó luôn có thói quen ngồi trước màn hình soi mói rồi chỉ trích người khác thì chắc chắn em đã không còn là mình nữa. Nói thẳng ra: Lúc đó, em buộc phải diễn!
Diễn để làm vừa lòng đám đông, diễn để thể hiện một “con người bên ngoài” khác hẳn so với “con người bên trong” của mình, đấy là điều mà công nghệ đào tạo những ngôi sao giải trí luôn nhắm tới. Nhưng, một cô gái lớp 12 chỉ biết vùi đầu vào học hành dĩ nhiên không phải là một ngôi sao giải trí. Vậy thì tại sao lại “ép” cô gái ấy cũng phải thể hiện ra ngoài giống như những màn thể hiện bài bản, lớp lang, được học hành, chuẩn bị của những ngôi sao giải trí?
Tôi rất thích những khoảnh khắc ăn mừng của Thu Hằng. Bởi nó là những khoảnh khắc thật, những hành động thật, những cảm xúc thật. Khi chúng ta ép Thu Hằng phải tròn trịa để vừa lòng những người xung quanh và vừa lòng số đông thì đấy chính là lúc chúng ta đã dạy em dối trá. Hẳn nhiên, cái thật nào cũng có giới hạn của nó. Thật tới mức bản năng, thật tới mức sẵn sàng vi phạm luật pháp, thật tới mức sẵn sàng chà đạp tới chuẩn mực văn hóa của một cộng đồng thì không thể chấp nhận. Nhưng, thật trong khuôn khổ con người cá nhân, không vi phạm pháp luật và chuẩn mực văn hóa thì tại sao phải tiết chế? Tại sao phải cấm đoán? Tại sao phải chỉ trích?
Văn hóa nhìn nhận đề cao con người số đông - con người tập thể - con người làng xã của chúng ta xưa nay có vẻ chưa quen với trạng thái này. Chúng ta thích những con người biết gọt giũa mình theo đúng kiểu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; chúng ta khuyến khích tâm lý “xấu đều còn hơn tốt lỏi”. Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc thù, khi từng cá nhân bắt buộc phải liên kết và từng cộng đồng bắt buộc phải siêu liên kết để dồn lực cùng nhau chống thiên tai, giặc giã, tức là liên kết để tồn tại thì những xác tín tâm lý này là dễ hiểu. Nhưng, khi thời đại thay đổi, những bài toán của thời đại thay đổi, việc bảo lưu tâm lý này một cách cực đoan rất có thể lại trở thành lực cản của phát triển.
Và, sự cản trở rõ nhất là trong rất nhiều trường hợp, chúng ta không dám sống thật, sống đúng, sống chuẩn với con người bên trong của mình.
2. Những năm cuối đại học, tôi và cậu bạn thân có một buổi tối tâm sự dữ dội và sau buổi tối đó chúng tôi không còn thường xuyên gặp gỡ nhau. Hôm ấy chúng tôi nói về tương lai và những hành trang bắt buộc phải có để bước vào tương lai. Bạn tôi bảo sắp tốt nghiệp rồi, bạn phải tranh thủ mua ngay những cuốn sách kỹ năng như “phải làm gì để vừa lòng sếp?”, “phải làm gì để không mất lòng đồng nghiệp?”. Mà đấy không phải là suy nghĩ của cá nhân bạn, đấy là những dặn dò của mẹ bạn, vì theo bà: “Bắt buộc phải có những kỹ năng đó mới có thể làm được việc trong xã hội này”.
Tôi lại nghĩ, bản tính bên trong mỗi người như thế nào hãy cứ thể hiện ra bên ngoài đúng như vậy. Cố gò mình hoặc gồng mình để tạo lấy lòng những người xung quanh là một biểu hiện giả dối. Bây giờ nhìn lại mới thấy cũng chính vì cách nghĩ và cách sống này mà tôi đã chuyển hết cơ quan này tới cơ quan kia. Tất nhiên, những va chạm đã giúp tôi lớn lên, ít nhất là để hiểu không thể cứ sống thật một cách trần trụi giống như hồi mới ra trường ngày xưa nữa. Nhưng, cơ bản tôi vẫn cố duy trì những giá trị cốt lõi mà mình đã và đang hướng đến. Mới đây, gặp lại người bạn ngày xưa, tôi nghe bạn mình vừa cười khanh khách, vừa nhận xét: “Cứ mãi thế nên cậu mãi là anh ký giả. Ráo mồ hôi là hết tiền đúng không?”.
Ảnh: L.G |
Bạn tôi hiện đã có một sự nghiệp khá thành công trong guồng máy, thậm chí được cơ quan xem như một “hạt giống đỏ”, có thể còn tiến xa. Thôi thì mỗi người theo đuổi một con đường, một sự nghiệp, một cái đích hạnh phúc khác nhau. Tôi tuyệt đối không dám so bì hay phán xét. Chỉ có một chút băn khoăn nhỏ, không chỉ của riêng tôi, mà của rất nhiều người tôi từng gặp gỡ: nếu cứ sống thật, một người có thể thực sự thành công trong một guồng máy được không?
Không thể trả lời chính xác câu hỏi này, vì để chính xác phải có một khảo sát xã hội hoặc một cuộc điều tra duy lý. Nhưng, không ai khảo sát và điều tra như thế cả. Cho nên chỉ có thể trả lời bằng cảm tính của mỗi người. Với thứ cảm tính ấy, hãy thử nhìn vào những nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội nào đó xung quanh chúng ta và tự trả lời những câu hỏi: Có bao nhiêu người trong số ấy đang sống thật với tiền lương của mình? Có bao nhiêu người trong số ấy đang làm việc thật với năng lực của mình? Có bao nhiêu người trong số ấy đang nói thật với những suy nghĩ bên trong đầu mình? Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quốc Vương có lần chia sẻ: “Một xã hội thật là một xã hội mà khi tôi theo đuổi những giá trị cốt lõi và tử tế thì nhất định tôi phải được tôn trọng và khả năng cao là sẽ thành công”. Có thể bổ sung thêm một vế: đấy cũng phải là xã hội mà những yếu tố như “hậu duệ”, “quan hệ” hay “tiền tệ” không thể là những yếu tố quyết định hoặc những bảo vật chống lưng cho sự thành công của một sự nghiệp, một đời người.
3. Trở lại với câu chuyện của quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 Nguyễn Thị Thu Hằng, không biết bài học về một khoảnh khắc sống thật đã và đang được níu giữ trong suy nghĩ của em theo cách nào.
Sau những khoảnh khắc rất “thật” và bị “ném đá” ấy, em sẽ tiếp tục thật, hay sẽ “tự rút kinh nghiệm”, tự “điều chỉnh bản thân” để trong những ứng biến xã hội sau này sẽ khéo léo hơn, tròn trịa hơn, được lòng mọi người hơn? Đấy cũng chính là câu hỏi của mỗi người chúng ta khi nhìn lại những cú sốc tương tự thuở đầu đời. Và, đấy cũng là câu hỏi chúng ta bắt buộc phải đặt ra trong quá trình nuôi dạy con cái mình.
Để kiến tạo một xã hội thật với những hệ giá trị thật và những con người “dám thật”, có lẽ phải thực hiện những thay đổi đồng loạt, nhiều chiều: từ tập quán văn hóa truyền thống, tư tưởng giáo dục trong mỗi gia đình đến những trục trặc, phiền toái nào đó trong lòng bộ máy. Nếu thực sự tạo được một môi trường như vậy thì con đường “học thật, thi thật, nhân tài thật” mà ngành giáo dục hướng đến chắc chắn không phải là một con đường gian nan.
Phan Mỹ ChíXem thêm: /214546-taht-mad-iougn-noc-gnuhn-oc-eD/mad-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna