Pháo hoa ăn mừng trên bầu trời bang New York, Mỹ tối 15-6 khi bang này đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 liều vắc xin cho 70% người trưởng thành và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế - Ảnh: Reuters
Nước Mỹ vượt cột mốc u ám 600.000 ca tử vong do COVID-19 hôm 15-6, cùng ngày bang California và New York dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành với ít nhất một liều vắc xin COVID-19.
"Cột mốc 600.000 là thứ nhắc nhở nghiêm túc rằng hàng trăm người Mỹ vẫn đang chết mỗi ngày, ngay cả khi nước Mỹ bắt đầu bước vào trạng thái bình thường mới" - Đài ABC News (Mỹ) đánh giá. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ vẫn ghi nhận thêm 111 ca tử vong hôm 13-6 và 203 ca tử vong do COVID-19 hôm 14-6.
"Chúng ta đã đau khổ đủ rồi!
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắn nhủ người Mỹ đi tiêm vắc xin COVID-19, khi đang công du châu Âu.
Ông Biden kêu gọi cảnh giác
California là bang đông dân nhất nước Mỹ và là tiểu bang đầu tiên thực hiện lệnh ở tại nhà do dịch. Tuy nhiên, giờ đây các nhà hàng, quán rượu và nhiều địa điểm khác có thể hoạt động trở lại 100% công suất, cả trong không gian kín và ngoài trời. Những người đã tiêm vắc xin đủ liều không còn phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
"California đã mở cửa lại. California đã sang trang. Chúng ta hãy cùng ăn mừng" - thống đốc Gavin Newsom phát biểu tại cuộc họp báo ngày 15-6.
Cùng ngày, tại bang New York, thống đốc Andrew Cuomo cho biết "chúng tôi đã đạt mục tiêu tiêm chủng 70% (dân số trưởng thành)" và điều đó có nghĩa bang này "giờ đây quay lại cuộc sống mà chúng ta quen thuộc". "Những gì New York đã làm thật phi thường" - ông Cuomo bình luận.
Tuy nhiên, trái với sự hân hoan của lãnh đạo hai bang New York và California, Tổng thống Joe Biden vẫn rất cảnh giác. Gọi con số 600.000 người chết do COVID-19 ở Mỹ là "cột mốc buồn", Tổng thống Biden nhắc nhở: "Chúng ta còn thêm việc cần làm để đánh bại con virus".
Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia y tế cảnh báo rằng do dự tiêm vắc xin trong một bộ phận dân chúng Mỹ sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành trước Quốc khánh Mỹ 4-7.
Các nhà lãnh đạo ở Mỹ đang nỗ lực kêu gọi người dân tiêm vắc xin. Đầu tuần này, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến dự một sự kiện động viên tiêm vắc xin ở bang South Carolina có tỉ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp. Chuyến đi của bà Harris nhằm vạch trần các thông tin sai lệch và xóa bỏ sự hoài nghi về vắc xin COVID-19. "Chúng (vắc xin) an toàn, miễn phí và được xem xét kỹ. Chỉ đơn giản vậy thôi!" - bà Harris chỉ ra.
Nguồn: CDC Mỹ, ĐH Johns Hopkins - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TUẤN ANH
Người Việt nói gì?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Phạm Mỹ Ý, sinh sống ở San Francisco, California, cho biết cô không còn nhớ lần cuối nghe tin một người gần mình bị mắc COVID-19 là lúc nào.
"Người dân ở khu vực vịnh (Bay Area) nhìn chung có ý thức tự giác cao. Dù tỉ lệ tiêm chủng đã đạt trên 70% và tiểu bang California cũng đã mở cửa trở lại nhưng phần đông mọi người ra ngoài đều đeo khẩu trang" - Mỹ Ý nói.
Cô mô tả cuộc sống dù chưa trở lại như bình thường thời trước đại dịch nhưng người đi ngoài phố đã đông hơn, nhà hàng đã cho phép thực khách ngồi ăn tại chỗ. Bản thân cô cũng không còn cảm giác sợ hãi khi đi ra ngoài vì đã được tiêm đủ vắc xin.
Dựa trên các số liệu chính thức đã được công bố, San Francisco hiện là thành phố dẫn đầu trong "cuộc chạy đua" đạt đến miễn dịch cộng đồng ở Mỹ nếu cứ tiếp tục đà tiêm chủng sẵn có, nhất là các mũi nhắc lại, và mang khẩu trang khi ra khỏi nhà. Tuy vậy, theo Mỹ Ý, nước Mỹ vẫn có nhiều người từ chối vắc xin nên việc đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng toàn quốc là một điều khó khăn.
"Nếu số người tử vong vì COVID-19 thấp ở thành phố có tỉ lệ tiêm ngừa cao có nghĩa là chính sách (phòng dịch) ở đó đúng. Không thể đưa ra đánh giá chung cho toàn quốc nếu đơn thuần dựa vào thống kê - nước Mỹ quá rộng và mỗi vùng đều có những khác biệt" - Mỹ Ý nhận xét.
Trong khi đó, Nguyễn Phương Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở New York, cho biết nhịp sống đô thị hiện đại ở thành phố New York đã gần như trở lại hoàn toàn, chỉ thiếu một điều quen thuộc là bóng dáng của khách du lịch.
"Ở quận Manhattan nơi tôi sống, các nhà hàng, quán bar đều mở lại bình thường, mọi người ra đường đông đúc để tận hưởng mùa hè sau quãng thời gian dài kìm tỏa vì dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn không khó để bắt gặp hình ảnh mọi người đeo khẩu trang khi đi ra đường. Phần lớn siêu thị hay hàng quán vẫn yêu cầu khách thực hiện biện pháp này và chỉ được bỏ ra khi ăn uống" - Phương Anh nói, tin tưởng rằng người chết vì dịch cũng sẽ giảm dần nhờ vắc xin phổ biến rộng rãi.
Phương Anh cho biết thành phố New York đã chịu ảnh hưởng kinh tế khá nặng nề từ COVID-19 do mất đi nguồn khách du lịch và giảm thiểu các hoạt động kinh doanh, rất muốn mở cửa càng sớm càng tốt nên đã quyết liệt trong việc tổ chức tiêm vắc xin cho toàn dân.
"Do đó, vấn đề ở đây có lẽ không phải là mất cảnh giác mà là mọi người đều không thể chịu được giãn cách xã hội lâu hơn nữa" - Phương Anh nêu quan điểm.
Tiêm vắc xin càng sớm càng tốt
Thời gian qua, nhiều trường hợp mắc COVID-19 tại Mỹ và châu Âu là những người không tiêm vắc xin. Theo Cơ quan Y tế công của Anh, trong số 33.000 ca nhiễm biến thể Delta được phân tích ở nước này, có 58% là các bệnh nhân chưa tiêm vắc xin. Trong số 383 ca nhập viện, có 2/3 số ca chưa được tiêm vắc xin. Mới đây Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ còn đánh giá các trường hợp đã tiêm vắc xin COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh rất hiếm xảy ra, với tỉ lệ chỉ 0,01% ở Mỹ.
TTO - Theo thống kê mới nhất, Mỹ đã mất đi ít nhất 615.220 người, là bố, mẹ, ông, bà, anh, chị, em, bạn bè trong dịch bệnh COVID-19. Đây là lời nhắc nhở đau lòng với người Mỹ khi quốc gia này bắt đầu trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch.
Xem thêm: mth.66170208071601202-naot-naoh-auc-om-ainrofilac-kroy-wen/nv.ertiout