Bình luận thể thao không có nhiệm vụ phải tung hô!
Danh Đức
(KTSG Online) - Vừa qua, Đài truyền hình quốc gia có chiếu trực tiếp các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong lượt trận vòng loại giải World Cup 2022. Có thể hiểu được tình cảm cũng như sự cổ vũ dành cho đội banh nước nhà của người dân, trong đó có cả các bình luận viên nhà đài. Tuy nhiên, có lẽ khi làm nhiệm vụ tường thuật thể thao, cần nhận ra rằng ngôn ngữ bình luận đòi hỏi những chuẩn mực, ngôn phong của nó.
Tôi không có ý muốn “nổ” rằng đã từng sống nước ngoài và ở đó đã coi đá banh và nghe bình luận như thế nào trên sóng truyền hình, mà chỉ muốn nói rằng khi bình luận trên các đài nước ngoài đó, chẳng hạn qua ba kênh FOX Sports, các bình luận viên biết mình nên nói những gì, không nên nói những gì.
Thường thì họ “bắt cặp”, gồm một người chuyên thuật lại các diễn biến trên sân (commentateur), còn người kia thường là một tiếng nói tham vấn (consultant) về môn thể thao đang đấu. Tường thuật truyền hình không đòi hỏi từng chi tiết như trực tiếp truyền thanh với tốc độ và mô tả chính xác, song chủ yếu để khán giả hiểu đường banh đó diễn ra như thế nào, công phu hơn nữa là pha bóng đó đã được dàn xếp ra sao, bàn thắng đó đến từ mưu lược nào… Ví dụ như, ban đầu cầu thủ đội B ít di chuyển xuống bên cánh phải của đội A, dễ tạo khoảng trống bên cánh đó, rồi rình rình tạt banh tới cánh đó để ra đòn. Và với những pha bóng, những tình huống đó, sẽ đến lượt người tham vấn xen vào để bình luận. Cứ thế, tường thuật và giải thích là điều mà người xem cần.
Thường thì các bình luận viên không tự gán cho mình cái nhiệm vụ tung hô hay bảo vệ đội banh này, cầu thủ kia bằng mọi giá, cho dù là đội nhà. Tình cảm dành cho đội nhà tất nhiên là có, song không để nó biến thành một sự tán tụng, ca ngợi vượt xa thực tế, mà thường dẫn đến tính “chauvin” (“ái quốc” không chừng mực, thậm chí có khi trở nên mù quáng).
Cũng không có nhiệm vụ tung hô ai cả. Ống kính có thể ghi hình một khán đài nào đó, song thường thì khung hình đó là để thấy chớ không để nêu danh trọng vọng, trừ phi sự có mặt đó là cần thiết, để trao giải. Tất cả để người xem, người nghe vốn đang dồn hết tâm trí vào trận đấu, đừng bị chia trí.
Người xem muốn nghe giải thích đường banh của mỗi bên chớ không muốn nghe “dạy dỗ” đội banh phải như thế này, phải như thế kia; nghe dự đoán chớ không muốn nghe chỉ đạo các cầu thủ trên sân; muốn hiểu tình huống, cục diện chớ không phải để biết hết lý lịch trích ngang của đội banh nọ hay cầu thủ này, cầu thủ kia… Nếu có nhắc lại một vài chi tiết trong quá khứ là để “thêm mắm, thêm muối” cho việc giải thích hiện tại, chớ không phải bật ti vi lên để nghe các bản tiểu sử mà không được nghe bình luận những gì đang diễn ra. Hãy thử ngồi lại coi lại trận đấu, bấm đồng hồ coi phần nói về các đường banh, kiến tạo như thế nào, chống trả ra sao… được bao nhiêu thời lượng so với “chuyện bên lề” cùng những giáo huấn, tâng bốc.
Và cái gì đang diễn ra thì đó là một cuộc thi đấu. Đã thi đấu thì có đối kháng, mà đối kháng thì có ăn, có thua, có đội nhà, đối thủ, hay đội khách, chớ không có “đội bạn” gì hết trong lúc tranh chấp trái banh hay bàn thắng. Có thể danh từ “đội bạn” rơi rớt từ những thập niên nào đó khi mà đá banh là nhiệm vụ chính trị chớ không đơn thuần là thể thao, và không phải cứ đá giao hữu thì hữu nghị là trên hết!
Xem thêm: lmth.oh-gnut-iahp-uv-meihn-oc-gnohk-oaht-eht-naul-hnib/084713/nv.semitnogiaseht.www