Công ty đó chính là Alibaba, doanh nghiệp cách mạng hóa hoạt động mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc. Sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất thế giới của Alibaba, Tam thu về khoản lợi nhuận khổng lồ cho mình và các đối tác.
Trái ngược với lần đặt cược nhiều năm trước, Tam đã dành phân nửa thập kỷ qua để nghiên cứu và lập kế hoạch về những gì ông tin là xu hướng biến đổi của thế kỷ mới. Giờ đây, Venturous Group của ông đang chuẩn bị bước vào một cuộc chơi mới. Họ huy động được 131 triệu USD để tài trợ cho cái gọi là Kế hoạch Cơ sở Hạ tầng mới của Trung Quốc, một tầm nhìn trị giá hàng nghìn tỷ USD để đặt nền tảng cho tương lai của đất nước thông qua xây dựng các thành phố thông minh.
Đó sẽ là cuộc chơi dài hạn hơn rất nhiều so với chuyến đi trên "chiếc tên lửa" Alibaba. Tuy nhiên, Tam tin tưởng phần thưởng cho mình và những người cùng chí hướng sẽ chẳng ít hơn so với thương vụ đặt cược vào Alibaba nhiều năm trước.
"Hãy suy nghĩ trước khi hành động, ngắm kỹ vào mục tiêu trước khi bắn", người đàn ông 57 tuổi chia sẻ về phương pháp đầu tư của mình. Tam cho biết thêm ông đã đọc 400 cuốn sách và thử nghiệm nhiều với một số khoản đầu tư cá nhân trong 7 năm trước khi khởi động dự án kinh doanh mới của mình.
Trong suốt 3 thập kỷ qua, Venturous Group của Tam đã đầu tư cho những gã khổng lồ Internet đời đầu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong những năm cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, sự bùng nổ IPO tại châu Á đã đưa Tam rời bỏ vị trí lãnh đạo một ngân hàng đầu tư ở S.G. Warburg, London, Anh để trở về Hồng Kông.
Thương vụ đặt cược thành công vào Alibaba đã đưa ông đến với việc đồng sáng lập Fidelity Growth Partners Asia vào năm 2002. Chỉ trong một thập kỷ, tài sản của họ đã tăng 200 lần lên 4 tỷ USD. Ngoài Alibaba, các khoản đầu tư đặc biệt khác của Tam còn gao gồm AsiaInfo Holdings, công ty xây dựng mạng lưới băng thông rộng quốc gia đầu tiên của Trung Quốc và trở thành một trong những công ty công nghệ Trung Quốc đầu tiên chào sàn Nasdaq.
Ở thời điểm hiện tại, Venturous Group của Tam đang muốn đầu tư 131 triệu USD mà họ huy động được từ các tổ chức tài chính cũng như gia đình các tỷ phú vào cơ sở hạ tầng thông minh của Trung Quốc. Từ nay tới cuối năm, công ty này muốn gọi vốn thêm 100 triệu USD để đáp ứng nhu cầu số hóa các tòa nhà, phương tiện giao thông và các cơ sở đô thị khác ở Trung Quốc, một sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ.
Theo kế hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, Trung Quốc ước tính đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ USD trong 6 năm đến năm 2025 để thiết lập mạng không dây thế hệ thứ 5, lắp đặt camera và cảm biến đồng thời triển khai trí tuệ nhân tạo, cho phép các giải pháp tiên tiến như xe tự lái và kết nối những ngôi nhà thông minh.
Những người từng làm việc chung với Tam dành nhiều lời khen ngợi cho vị doanh nhân này và bày tỏ tin tưởng Tam sẽ nắm bắt tốt đợt bùng phát công nghệ tiếp theo ở Trung Quốc. Đầu tư vào các thành phố thông minh dường như là hành trình để đi đến đích đó.