Thực trạng của ngành năng lượng gió
Với bờ biển dài gần 3.000km cùng đồng bằng sông Hồng phía Bắc và sông Mekong phía Nam, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các cơn bão thất thường, lũ quét, nước biển dâng và xói mòn bờ biển. Trong 3 thập kỷ qua, số lượng thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng ở đất nước này. Hậu quả là mỗi năm có trung bình khoảng 500 người bị chết đồng thời gây thiệt hại kinh tế khoảng 1,5% GDP cho Việt Nam.
Những ảnh hưởng xấu nói trên, dự báo sẽ ngày càng tăng về tần suất và cường độ khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ toàn mặt xấu, ví dụ: nước này có khí hậu tự nhiên tạo ra nhiều lợi thế. Khí hậu nhiệt đới và và địa hình đa dạng của Việt Nam mang lại tiềm năng bất tận cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là mảng điện gió.
Gió trên đất liền là một trong những nguồn năng lượng thay thế nhanh nhất cho sự phát triển của đất nước và là nguồn năng lượng sạch chiến lược mới ở một quốc gia ‘đói’ điện, đang phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện cũng như nhiệt điện than trong hơn hai thập kỷ qua như Việt Nam.
Ngoài ra, tiềm năng của gió ngoài khơi thậm chí còn lớn hơn, một nghiên cứu gần đây của World Bank – IFC cho thấy: theo lý thuyết, Việt Nam đang sở hữu 160GW điện gió trong vùng từ 5km đến 100km tính từ bờ biển; tức là gấp khoảng 2,5 lần tổng công suất điện đang lắp đặt tại Việt Nam!
Bản đồ các nhà máy nhiệt điện than Việt Nam cập nhật đầu năm 2020. Ảnh: Vietcleanair
Ở khía cạnh khác, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh thế Việt Nam trong 2 thập kỷ qua đã thúc đẩy sự mở rộng mạnh mẽ của ngành điện than, do nhu cầu điện tăng thêm 13% hằng năm. Hiện tại, các nhà máy nhiệt điện than cung cấp khoảng 50% điện năng cho cả nước – bắt đầu từ năm 2010 đã tăng 17%. Theo đó, hiện ngành năng lượng của Việt Nam đang chiếm 65% tổng lượng khí thải nhà kính (GHG) tại đây.
Nếu phát triển tốt, các trang trại điện gió sẽ giúp Việt Nam bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hỗ trợ quá trình khử carbon trong ngành điện một cách suôn sẻ.
Ví dụ: 2 nhà máy điện gió trên bờ ở Bình Thuận – Ninh Thuận của công ty Điện gió Thuận Bình (TBW) – công ty con của REE, sau khi bắt đầu hoạt động vào cuối 2021, mỗi năm sẽ tạo ra khoảng 170 triệu KW giờ năng lượng sạch. Mỗi năm, chúng sẽ đủ cung cấp điện cho khoảng 100.000 ngôi nhà, giúp tránh được khoảng 123.000 tấn khí KNK thải ra môi trường, tương đương với việc loại bỏ được khoảng 27.000 phương tiện chở khách trên đường.
"Việc tăng cường các nguồn năng lượng sạch là điều cần thiết đối với Việt Nam khi xét đến mức độ dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Trước đây, chúng ta đã đầu tư vào nhiệt điện than, tuy nhiên, rõ ràng năng lượng tái tạo mới là tương lai.
Điều kiện ở Bình Thuận và Ninh Thuận rất lý tưởng cho việc phát triển điện gió và chúng tôi mong muốn sẽ hoàn tất giai đoạn đầu có tổng công suất khoảng 54,2MW vào tháng 10/2021", ông Nguyễn Ngọc Thái Bình – Phó Tổng Giám đốc REE chia sẻ.
Về vấn đề nguồn vốn
Bất chấp tiềm năm to lớn của Việt Nam, đến cuối năm 2020, điện gió chỉ chiếm chưa đến 1% (tương đương 670MW) tổng công suất lắp đặt cả nước. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo – chủ yếu là điện gió và điện mặt trời (bao gồm cả năng lượng mặt trời trên mái nhà – từ 19GW lên hơn 36GW vào năm 2030).
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam cần khoản đầu tư ước tính tầm 20 tỷ USD, chưa bao gồm các chi phí phát triển cơ sở hạ tầng truyền dẫn cần thiết. Với những hạn chế về nguồn lực công cũng như những thách thức về kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, sự tham gia của khu vực tư nhân là điều cần thiết, nhằm cung cấp nguồn vốn phát triển ngành này.
Mặc dù, trong khoảng thời gian vừa qua, các Ngân hàng tại Việt Nam đã tài trợ một nguồn vốn đáng kể cho việc mở rộng quy mô ngành năng lượng tái tạo; nhưng các vấn đề về sự cân đối thu chi, thời hạn thu hồi vốn từ dự án và những giới hạn tiếp cận lĩnh vực đã khiến nguồn cung vốn từ kênh này hữu hạn. Thế nên, các tổ chức cho vay quốc tế cần hỗ trợ thêm nguồn vốn, để lĩnh vực tái tạo ở Việt Nam đi nhanh và đi xa hơn.
Nhưng, thực tiễn là: hầu hết các bên cho vay quốc tế đã không thể cấp vốn cho lĩnh vực này bằng nguồn vốn dành cho các dự án thông thường (không truy đòi – non recourse), bởi thỏa thuận mua bán điện có rủi ro cao (PPA) giữa các dự án và Chính phủ - thông qua nhà thầu EVN.
Công trường của nhà máy điện gió Phú Lạc 2 ở Bình Thuận. Ảnh: TBW
IFC đã tham gia để trợ cấp cho TBW gói tài chính trị giá 57 triệu USD trong 12 năm, với sự hỗ trợ của chủ đầu tư REE. Kỳ hạn dài là điều không bình thường với các khoản vay cho dự án như vậy, việc này lần nữa cho thấy thiện chí của IFC. Cả hai nhà máy sẽ bán năng lượng điện gió cho EVN thông qua các hợp đồng mua bán điện bằng đồng USD, phù hợp với tiền tệ của khoản nợ.
"Nguồn vốn tài trợ dài hạn từ IFC chính là chìa khóa cho tính bền vững của 2 dự án. Nó thể hiện tiềm năng lớn và khả năng phát triển lâu dài của lĩnh vực điện gió non trẻ tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các bên cho vay khác tham gia, cùng thúc đẩy các giải pháp năng lượng tái tạo ở Việt Nam", ông Thái Bình chia sẻ tiếp.
IFC đã làm được những gì?
Không chỉ TBW – REE, trước đây IFC từng nhiều lần hỗ trợ các nhà phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam và khu vực khác. Năm 2016, khoản đầu tư cổ phần của IFC và Công ty Điện lực Gia Lai (GEC) đã giúp doanh nghiệp này có được dự án điện mặt trời tư nhân kết nối lưới điện quốc gia đầu tiên trên cả nước (nhà máy điện mặt trời Phong Điền – Thừa Thiên Huế).
IFC cũng tham gia việc phát hành trái phiếu xanh của AC Energy – một công ty năng lượng của Philippines có tầm ảnh hưởng khắp châu Á, cụ thể: IFC đã dành ra khoản đầu tư 75 triệu USD để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Chưa hết, 2 dự án của TBW sẽ là những dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam tuân theo các tiêu chuẩn hiệu suất quốc tế của IFC. IFC đã hướng dẫn – hỗ trợ nhà phát triển trong quá trình này, cho phép TBW áp dụng các tiêu chuẩn – kỹ thuật tốt nhất trong ngành cho các dự án của mình ở thời điểm hiện tại và cả tương lai.
Năng lượng sạch góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khả năng phục hồi. Khi các nhà phát triển trong nước như TBW – REE mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn đến thành công trong quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách đạt được mục tiêu giảm 9% khí thải KNK vào năm 2030, giảm mức đóng góp của nhiệt điện than vào tổng công suất, có nền kinh tế phát triển bền vững.
"Những dự án điện gió này đánh dấu sự tham gia đầu tiên của IFC vào lĩnh vực này và là một phần trong nỗ lực không ngừng của chúng tôi tại Việt Nam, nhằm giúp quốc gia này chuyển đổi từ sử dụng nhiệt điện than chủ đạo sang năng lượng tái tạo chủ đạo, với nhiệt điện khí là ‘xương sống’ và giúp tích hợp năng lượng tái tạo không liên tục.
Chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa trong vấn đề này", ông Oliver Behrend – Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng của IFC tại Việt Nam khẳng định.
Quỳnh Như (Theo IFC)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị