Làm gì để doanh nghiệp không ‘đuối sức’ sau làn sóng Covid-19 thứ 4?
Hoàng Thắng
(KTSG Online) – Các chuyên gia đề xuất cơ quan thuế kéo dài thời thời gian hoãn nộp thuế và tiền thuê đất thêm 6 tháng để Nghị định 52/2021 phát huy hiệu quả tối đa. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ về chuyên môn để giúp doanh nghiệp xác định mình có thuộc đối tượng được giãn, hoãn hay không nhằm giảm thiểu các rủi ro pháp lý sau này.
Tổng cục Thuế cho biết 21.000 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất đã được cơ quan thuế gia hạn nộp tính tới hết tháng 5-2021, theo quy định tại Nghị định 52/2021 của Chính phủ. Dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách này là 115.000 tỉ đồng.
Số tiền này – theo cơ quan thuế – là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước với doanh nghiệp và cá nhân để có nguồn tài chính cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia tham dự tọa đàm trực tuyến "Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đều cho rằng Nghị định 52/2021 cần có một số thay đổi thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng chính sách này tồn tại 3 điểm vướng mắc.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ được đưa ra một cách rõ ràng để có thể thực hiện chiến lược kinh doanh dài hạn 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm thay vì chỉ trong vài tháng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thứ nhất, việc hoãn nộp thuế không phải là miễn thuế. Vì vậy doanh nghiệp cần tính toán để cân đối tài chính, phương án kinh doanh và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khi khôi phục sản xuất, theo ông Hiếu.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp hiện cần một lượng tiền để cầm cự hoặc hỗ trợ việc sản xuất - kinh doanh, nhưng thời điểm giãn nộp thuế kết thúc và thời điểm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế là cuối năm 2021. Điều này – theo ông Hiếu – khiến gánh nặng tài chính của doanh nghiệp bị cộng dồn.
“Nếu kịch bản xấu nhất là dịch bệnh vẫn phức tạp thì doanh nghiệp lại tiếp tục chịu khó khăn này, vì thế không ít doanh nghiệp ngần ngại việc có nên thụ hưởng chính sách này hay không”, ông Hiếu nói.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp sẽ không thụ hưởng sự hỗ trợ theo Nghị định 52/2021 như mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất một lần nên số lượng doanh nghiệp thụ hưởng chính sách chính sách hoãn nộp tiền thuê đất sẽ thấp hơn mục tiêu ban đầu.
Tương tự, doanh nghiệp sẽ không thụ hưởng được chính sách hoãn nộp thuế GTGT và thuế TNCN khi hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ do dịch bệnh.
Thứ ba, điều doanh nghiệp lo ngại nhất khi thực hiện công tác thuế là thủ tục hành chính. Theo đó, nguyên tắc khi kê khai và nộp thuế là doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực của đối tượng kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế. Nhưng khi phát sinh sai sót về đối tượng thì sau nàydoanh nghiệp sẽ bị thanh tra và truy thu thuế.
“Có thể nói, Nghị định 52/2021 vẫn chưa rõ ràng về các thủ tục pháp lý”, ông Hiếu nói.
Đề xuất giải pháp, ông Hiếu cho rằng cơ quan thuế phải tính toán việc có nên tiếp tục gia hạn nộp thuế hay không, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, với nhiều diễn biến phức tạp.
“Doanh nghiệp cần các chính sách được đưa ra một cách rõ ràng để có thể thực hiện chiến lược kinh doanh dài hạn 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm thay vì chỉ trong vài tháng”, ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo ông Hiếu, doanh nghiệp cần suy nghĩ rất thận trọng, kĩ lưỡng về các biện pháp giãn, hoãn thuế để xác định sắc thuế gia hạn, thời gian gia hạn. Đồng thời coi đây là một phần chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Tọa đàm trực tuyến "Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất". Ảnh: baochinhphu.vn |
Với các hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan thuế, ông Hiếu cho rằng các bộ phận phụ trách tuyên truyền, hỗ trợ về thuế tại các đơn vị này cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn để giúp doanh nghiệp xác định mình có thuộc đối tượng được giãn, hoãn hay không nhằm giảm thiểu các rủi ro pháp lý sau này.
Tương tự, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, sự hỗ trợ thiết thực với doanh nghiệp không chỉ là tiền và kinh phí mà đó còn là giá trị về thời gian, sự thuận tiện, nhanh gọn và phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp.
“Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh rất đa dạng, họ có những nguồn thu khác nhau nên chính sách giãn thuế không phải là chính sách ưu tiên hàng đầu mà khối doanh nghiệp, hộ cá nhân này mong muốn”, ông Nam cho biết.
Theo đó, ông Nam đề xuất Chính phủ áp dụng các chính sách đột phá lâu dài và phù hợp. Cụ thể, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu 3 tỉ đồng một năm có thể lựa chọn hình thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 2-3% tính trên doanh thu cả năm. Ngoài ra, ông Nam cũng đề xuất miễn giảm một số thủ tục mở sổ sách, kế toán cho khu vực này.
Với Nghị định 52/2021, ông Nam đề xuất kéo dài thời hạn nộp thuế thêm 6 tháng và tương ứng như vậy, thời gian nộp thuế đợt mới sẽ tiếp tục kéo dài để chính sách có thể phát huy hiệu quả tối đa.
Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, ông Nam cho rằng các cơ quan quản lý liên quan cần nhanh chóng hướng dẫn cho doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính và hạn chế thanh kiểm tra, trừ những trường hợp có vụ việc nổi cộm.
Điều này – theo ông Nam – sẽ giúp doanh nghiệp ổn định tâm lý để dồn toàn bộ thời gian, công sức cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Phản hồi, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế thuộc Tổng cục Thuế – cho biết việc gia hạn nộp thuế sẽ tiền hành theo từng khoản, thay vì dồn, gộp.
Cụ thể, với tiền thuê đất, hạn nộp tiền đợt thứ nhất của doanh nghiệp là 31-5 sẽ được gia hạn tới 31-11, còn hạn nộp tiền đợt thứ hai là 31-10 sẽ tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng.
“Điều đó có nghĩa là tiền nộp thuế sẽ được gia hạn theo từng giai đoạn, từng thời điểm để người nộp thuế có thể chủ động về dòng tiền”, bà Hà nói.
Với tính pháp lý của giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, bà Hà cho biết tính chất pháp lý là có và một nguyên tắc là người nộp thuế phải tự khai, tự chịu trách nhiệm.
“Nghị định 52/2021 cũng thiết kế danh mục ngành hàng mà người nộp thuế có thể tự đối chiếu vào đó để xem họ có được thụ hưởng hay không, vì chỉ người nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế mới biết họ kinh doanh như thế nào, họ có thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hay không”, bà Hà nói.
Xem thêm: lmth.4-uht-91-divoc-gnos-nal-uas-cus-ioud-gnohk-peihgn-hnaod-ed-ig-mal/415713/nv.semitnogiaseht.www