Tham dự cuộc họp còn có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Theo báo cáo tại cuộc họp, công tác triển khai kết nối, chia sẻ CSDLQGDC với các bộ, ngành và địa phương đang được thực hiện theo đúng tiến độ đặt ra và đạt được nhiều kết quả tích cực, đường truyền đảm bảo ổn định và an toàn.
Hiện nay, hệ thống CSDLQGDC đã kết nối thử nghiệm thành công và ổn định với Cục Cảnh sát giao thông qua trục liên thông (VDXP) do Văn phòng Chính phủ quản lý để giải quyết các thủ tục đăng ký xe, xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Việc kết nối hai hệ thống với nhau giúp cán bộ, chiến sỹ không cần nhập lại các thông tin cơ bản của công dân và người dân khi đã có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng như không cần nhập lại thông tin của chính mình khi thực hiện các thủ tục hành chính. Chỉ trong thời gian gần một tháng chạy thử nghiệm, Cục Cảnh sát giao thông đã thực hiện thành công trên 1.000 lượt tra cứu thông tin xử lý vi phạm.
Ngày 21/5/2021, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện thí điểm kết nối, xác thực thông tin công dân trong CSDLQGDC. Trong quá trình thí điểm, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã tiến hành vận hành, theo dõi sát sao hoạt động của hệ thống. Kết quả cho thấy đường truyền kết nối ổn định trong suốt quá trình triển khai thí điểm. Tính đến ngày 16/6/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện thành công trên 2 triệu lượt tra cứu yêu cầu xác thực thông tin.
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cũng đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp tổ chức cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh từ ngày 01/01/2016. Hiện nay, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành thử nghiệm thành công nghiệp vụ cấp, hủy số định danh qua trục tích hợp quốc gia (NGSP), dự kiến đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 07/7/2021.
Đối với việc kết nối với 27 địa phương sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, ngày 16/6/2021, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối thử nghiệm thành công với 8/27 địa phương (Hậu Giang, Lạng Sơn, Nam Định, Phú Thọ, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Thái Nguyên) sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết 236 dịch vụ công trực tuyến và thủ tục hành chính.
Tương tự với các đơn vị khác, việc kết nối thử nghiệm cho thấy kết quả tích cực, đường truyền ổn định và đảm bảo an ninh, an toàn. Hiện nay, Bộ Công an đang tập trung rà soát và nghiên cứu các giải pháp tối ưu để điều chỉnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu do hệ thống dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành được đầu tư theo các nền tảng công nghệ không đồng nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng khẩn trương nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý điều chỉnh việc chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài Ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện kế hoạch triển khai kết nối, chia sẻ CSDLQGDC với các bộ, ngành và địa phương theo đúng tiến độ đề ra.
Bộ trưởng nhấn mạnh, CSDLQGDC được coi là tài nguyên quốc gia phục vụ tiến trình xây dựng Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân cư. Vì vậy, cần phải nhanh chóng đưa hệ thống CSDLQGDC hoạt động hiệu quả và chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương nhằm phục vụ đời sống, mang lại sự thuận tiện cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ CSDLQGDC với các đơn vị trong và ngoài Ngành được bảo mật, an toàn và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.