Nguy cơ biến thể Delta thống trị Mỹ
Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhiều lần so với đợt đỉnh điểm vào mùa đông, tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ đã khiến số ca bệnh tăng gần gấp đôi mỗi 2 tuần.
Các nhà khoa học ở Mỹ lo ngại rằng, biến thể Delta sẽ đe dọa những người dân chưa được tiêm chủng và một nền kinh tế đang nhanh chóng mở cửa trở lại.
Các bang trên khắp nước Mỹ đang dần dỡ bỏ các yêu cầu về giãn cách xã hội. Ảnh: Getty Images
Biến thể Delta (B.1.617.2) , lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2 cũng như biến thể Alpha, lần đầu tiên được xác định ở Anh.
“Chúng tôi đã chuyển biến thể Delta lên đầu danh sách các biến thể cần nghiên cứu. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy biến thế này đã lan truyền rất nhanh chóng”, Giáo sư Andrew Pekosz thuộc Khoa Vi sinh học phân tử và Miễn dịch học của Đại học Johns Hopkins nói.
Biến thể Delta đang lan truyền vào một thời điểm “không chắc chắn” ở Mỹ. Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã giảm xuống rất nhiều so với mức đỉnh điểm vào mùa đông, từ mức trung bình hơn 250.000 ca/ngày trong tháng 1 xuống còn khoảng 14.000/ca vào tháng 6. Đồng thời, số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 cũng giảm đáng kể.
Điều này đã khiến nhiều tiểu bang dỡ bỏ tất cả các yêu cầu giãn cách xã hội. Bang California đã cho phép tổ chức các sự kiện thể thao tập trung đông người trong nhà.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 dần được dỡ bỏ, biến thể Delta đã khiến số ca nhiễm virus ở Mỹ tăng gần gấp đôi mỗi 2 tuần. Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 này đã từng xảy ra khi biến thể Alpha lây truyền nhanh chóng ở Mỹ. Trước đó, biến thể Alpha đã làm trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại của Anh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, vào cuối tháng 5, biến thể Alpha chiếm 70% số ca mắc Covid-19 ở Mỹ. Vào giữa tháng 5, 2,5% số ca mắc bệnh ở Mỹ nhiễm biến thể Alpha, trong khi con số này vào 2 tuần trước đó chỉ là 1,3% và hồi tháng 4 là 0,6%.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), dự đoán rằng biến thể Delta có thể chiếm tới 10% số ca mắc Covid-19 ở Mỹ vào giữa tháng 6.
Mối đe dọa đối với những người chưa tiêm chủng
Các nhà khoa học lo ngại rằng, biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh có thể khiến các biện pháp giãn cách xã hội kém hiệu quả hơn. Ngoài ra, biến thể Delta làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều. Theo CDC, Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 43,9% dân số và 52,6% người dân đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở các tiểu bang là khác nhau.
Các khu vực rộng lớn ở miền Nam nước Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ cho gần 35% dân số, chẳng hạn như ở bang Alabama, Louisiana và Tennessee. Trong khi đó, phần lớn khu vực Đông Bắc đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 50% dân số, bao gồm cả các tiểu bang như Vermont, Maine, Massachusetts, Rhode Island và New Hampshire.
Tỷ lệ tiêm chủng tại các tiểu bang ở Mỹ cũng thay đổi đáng kể theo độ tuổi. Tiến sĩ Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y khoa Baylor cho biết, ở khu vực phía Nam, chỉ gần 10% thanh thiếu niên đã tiêm vaccine Covid-19 .
Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 43,9% dân số. Ảnh: Getty Images
“Tôi đã nói rằng biến thể Delta có thể lây lan tới khu vực phía Nam vào mùa hè này, trong trường hợp đó, biến thể sẽ gây ảnh hưởng khá nặng nề đến những người trẻ tuổi chưa được tiêm chủng”, ông Hotez nói.
Theo The Guardian, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số bang có thể do cơ sở hạ tầng y tế công cộng vẫn còn yếu. Tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation cho biết, những người trì hoãn việc tiêm chủng nói rằng họ sẽ sẵn sàng tiêm vaccine nếu có thời gian di chuyển, được nghỉ làm hoặc được hỗ trợ tài chính.
Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Delta có gây ra tình trạng mắc bệnh nghiêm trọng hơn hay không. Một nghiên cứu gần đây của tạp chí y khoa Lancet ở Scotland cho thấy, bệnh nhân nhiễm biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi so với những người nhiễm biến thể Alpha.
Tuy nhiên, CDC chưa khẳng định biến thể Delta có gây ra những tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn hay không và Giáo sư Pekosz cho rằng, còn quá sớm để nói rằng biến thể Delta dẫn đến nhiều ca nhập viện hơn.
Theo nghiên cứu của tạp chí Lancet, các loại vaccine Covid-19 hiện tại vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta. Nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine mRNA của Pfizer cung cấp khả năng bảo vệ “rất tốt” trước biến thể Delta và vaccine của AstraZeneca có hiệu quả “đáng kể” đối với biến thể này.
Tiến sĩ Cyrus Shahpar, nhà dịch tễ học và Giám đốc dữ liệu Covid-19 tại Nhà Trắng, cho biết, trong thời gian cần nhiều người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ hơn, khoảng 5 đến 6 tuần, biến thể Delta “sẽ chiếm đa số các ca mắc bệnh ở Mỹ”.
Tình trạng tiêm chủng không đồng đều tại Mỹ cho thấy một vấn đề lâu dài khác, đó là những người chưa được tiêm vaccine sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.
“Virus có thể lây lan giữa cộng đồng những người đã tiêm chủng và những người chưa tiêm chủng. Đổi lại, khi virus SARS-CoV-2 tiến triển có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng”, ông Pekosz nói./.
Mai Trang
VOV