Bộ Công Thương cho biết tỉ lệ nội địa hóa của một số dòng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện ở mức khá cao do khả năng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nội địa được cải thiện. Tuy nhiên, cả nước mới có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô, trong đó có khoảng hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp và khoảng 250 DN sản xuất khung gầm, thân, thùng xe, linh kiện, phụ tùng ôtô...
Tăng cường tìm đối tác cung ứng
Theo Bộ Công Thương, so với các quốc gia trong khu vực, số lượng DN CNHT của Việt Nam còn khiêm tốn. Thái Lan hiện có gần 700 DN là nhà cung cấp sản phẩm CNHT cấp 1 trong khi Việt Nam chưa đạt con số 100 DN. Đối với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Thái Lan đã có trên 1.700 DN, còn Việt Nam dừng lại ở khoảng 150 DN.
Bộ Công Thương nhận định có nhiều nguyên nhân khiến ngành CNHT ôtô trong nước chưa phát triển như kỳ vọng như cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, dàn trải và thiếu tập trung; hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN. Dẫu vậy, thời gian qua, các DN CNHT trong nước đã từng bước nâng cao trình độ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.
Tại buổi họp báo giới thiệu triển lãm thương mại hàng đầu trong lĩnh vực ôtô - Au-tomechanika TP HCM 2023 - diễn ra vào giữa tháng 6-2023, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết VASI đã hỗ trợ các DN Nhật Bản tìm nhà cung cấp sản phẩm CNHT Việt Nam nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản đang hợp tác với khoảng 300 DN CNHT ôtô của Việt Nam.
Ông Calvin Lau, Giám đốc Công ty TNHH Messe Frankfurt (Hồng Kông - Trung Quốc), bày tỏ mong muốn hỗ trợ DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ôtô để thúc đẩy các nhà sản xuất tăng tỉ lệ nội địa hóa lên 40%, từ đó giúp giảm giá thành ôtô. Mục tiêu của công ty đến từ Hồng Kông là hợp tác với hơn 1.000 nhà cung cấp phụ tùng trong khu vực và sản xuất, lắp ráp khoảng 1 triệu ôtô/năm.
Đầu năm nay, Công ty Ôtô Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đã triển khai chương trình hỗ trợ DN trong lĩnh vực CNHT thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su. Cụ thể, Toyota Việt Nam đồng hành và hỗ trợ 4 DN gồm Công ty CP Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty CP Công nghiệp Kim Sen bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm những vấn đề tồn tại và đưa ra biện pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Kế hoạch chiến lược Công ty Ôtô Toyota Việt Nam, cho hay công ty đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao hiệu suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng. Kết quả bước đầu khá tích cực khi có 6 nhà cung cấp Việt Nam là đối tác của Toyota Việt Nam với trên 720 sản phẩm các loại.
Đại diện Ford Việt Nam cũng xác nhận đang nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều nhà cung ứng trong nước sau khi đã có gần 10 đối tác cung ứng, tập trung vào các linh kiện liên quan hệ thống điện, ắc-quy, các bộ phận nhựa... Tỉ lệ nội địa hóa của Ford Việt Nam hiện đạt khoảng 20% và hãng này vẫn liên tục rà soát để tìm thêm ứng viên cung ứng mới đủ tiêu chuẩn.
Theo đại diện Thaco Auto, các dòng xe của hãng đều đạt tỉ lệ nội địa hóa khá cao, ví dụ: xe buýt trên 60%, xe tải trên 45%, xe du lịch 17%-42%.
Sản xuất, lắp ráp thân vỏ ôtô tại một doanh nghiệp trong nước. Ảnh: GIA HƯNG
Cần chính sách hỗ trợ mạnh hơn
TS Nguyễn Thành Tâm, giảng viên bộ môn kỹ thuật ôtô Trường ĐH Quy Nhơn, nhìn nhận ngành CNHT ôtô đang trên đà phát triển với tỉ lệ nội địa hóa khá cao. Nếu như có chính sách thông thoáng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNHT thì chắc chắn ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ phát triển hơn nữa.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, nhu cầu đối với ngành CNHT đang tăng, DN trong lĩnh vực này cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ trên cơ sở hỗ trợ nhiều hơn từ phía nhà nước. "Chương trình kích cầu của TP HCM đối với ngành CNHT đã có 2 năm qua với 30 DN tham gia, trong đó một nửa là DN cơ khí chế tạo. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai chương trình vẫn chưa như kỳ vọng" - ông Tống phản ánh.
Đánh giá ngành CNHT đang phát triển khá tốt nhưng số lượng nhà cung cấp trong nước hiện còn quá ít trong khi nhu cầu của các hãng xe rất lớn, ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cho rằng cần có sự định hướng rõ ràng và chính sách hỗ trợ tốt hơn về đầu tư, thuế, kích cầu... Các hãng xe nước ngoài luôn tìm kiếm nhà sản xuất kính, lốp, ghế, thân vỏ, sơn, gò hàn, linh kiện điện tử... trong nước nên DN cần nắm bắt cơ hội.
Khắc phục dung lượng thị trường nhỏ
Các chuyên gia trong lĩnh vực CNHT góp ý ngành công nghiệp ôtô cần có cơ chế, chính sách để giải quyết các bài toán như: chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ; chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao để thu hẹp khoảng cách chi phí với các nước... Bên cạnh đó, DN CNHT cũng cần được hỗ trợ thêm về chính sách tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính.
Xem thêm: mth.51512221210703202-oto-ort-oh-peihgn-gnoc-ohc-ar-iol/et-hnik/nv.moc.dln