Bước sang quý II/2021, khi dịch COVID-19 không quá căng thẳng như trước đó, Châu Âu (EU) dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn. Nền kinh tế các quốc gia thuộc EU khởi sắc là một trong những nhân tố hỗ trợ hàng hóa Việt Nam (đặc biệt là nông, thủy sản) xuất khẩu (XK) sang thị trường này bật tăng trở lại.
EU nới lỏng biện pháp phòng dịch, kinh tế khởi sắc lạc quan
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tại EU, vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai rộng rãi và nhiều chính phủ quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát, kinh tế EU đã phát đi những dấu hiệu khởi sắc.
Hoạt động sản xuất liên tục tăng trưởng trong những tháng gần đây, cho thấy nền kinh tế EU đang hồi phục mạnh mẽ. Những dấu hiệu phục hồi kinh tế thể hiện rõ khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã dần thích ứng với tình hình dịch bệnh, vừa sản xuất, vừa chống dịch, thay cho việc giãn cách, "đóng băng" thương mại của hồi đầu dịch bệnh.
Hiện tại, Hiệp hội công nghiệp Đức đã thúc đẩy kế hoạch nới lỏng biện pháp phòng dịch bắt buộc trong các ngành sản xuất, đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Trong đó, cùng với việc đệ trình kế hoạch 10 điểm lên Chính phủ liên bang, đề xuất các bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, Hiệp hội công nghiệp Đức đã đồng thời đề xuất mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế theo từng bước, phù hợp với việc dỡ bỏ dần các quy định phòng dịch trên cơ sở tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19.
Để khôi phục kinh tế, Italia và Tây Ban Nha đã quyết định mở cửa nền kinh tế sớm hơn ngay khi đại dịch COVID-19 dịu lại ở EU. Hoạt động dịch vụ, kinh doanh khởi sắc trở lại. Bên cạnh đó, nền kinh tế của nhiều nước thuộc EU cũng “đang liền sẹo”, hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào quỹ đạo, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dần tăng lên. EU đang bước qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19.
EU là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam
Từ trước đến nay, EU là thị trường tiềm năng mà các DN Việt luôn tìm hướng chinh phục. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được ký kết, đây chính là cơ hội để Việt Nam gia nhập thị trường cao cấp này. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiều đứt gãy. Khi dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát tại EU, các DN Việt Nam đã đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng tại khối kinh tế này, đặc biệt là lĩnh vực XK nông sản, thủy sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), bước sang quý II/2021, XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, trong đó XK thủy sản Việt Nam sang EU tháng 5.2021 ước đạt 23.000 tấn với trị giá 105 triệu USD, tăng 48,48% về lượng và tăng 44,77% về trị giá so với tháng 5.2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, XK thủy sản của Việt Nam tới EU đạt 59,07 nghìn tấn với trị giá 390,4 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; XK sang EU trong 5 tháng đầu năm 2021 chiếm 10,6% về lượng và chiếm 12,05% về trị giá XK thủy sản của cả nước.
“Dự báo, XK thủy sản của Việt Nam tới EU trong quý III/2021 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 bởi nhiều nước của EU đang mở cửa trở lại, hoạt động kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ. Kết quả XK thủy sản tới EU tăng mạnh trong tháng 5.2021 thể hiện sự chủ động cố gắng của các DN XK thủy sản Việt Nam tới EU trong việc đáp ứng các yêu cầu về nguồn cung và tận dụng tốt các lợi thế từ EVFTA” - ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) - cho biết.
Trong 5 tháng đầu năm, bên cạnh thị trường Mỹ, thì Đức và Italia là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 7,6%.
Theo Bộ Công Thương, trong tuần qua, giá cà phê thế giới tăng là nhờ thông tin kinh tế khu vực EU đang tăng trưởng tích cực và sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cà phê. Đồng thời, việc Colombia bị nghẽn mạch vận tải do việc phong tỏa các đường cao tốc vận chuyển cà phê ra các cảng XK cùng với dự báo về tình trạng hạn hán trong giai đoạn tháng 6 - tháng 8.2021 của vụ mùa tới.
“Thời tiết khô hạn và sương giá tại các vùng sản xuất chính của Brazil sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng càphê của Brazil năm sau và những năm sau nữa. Theo Reuters, XK càphê trong tháng 5.2021 của Brazil giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 198.118 tấn, đây có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá trong thời gian sắp tới” - nguồn tin từ Bộ Công Thương cho hay.
Bộ NNPTNT cũng đưa ra dự báo sản lượng cà phê Brazil sụt giảm khoảng 30% vì khô hạn ngay từ đầu vụ và cây cà phê vào chu kỳ cho năng suất thấp cũng khiến giá cà phê tăng. Đây chính là cơ hội cho XK cà phê Việt Nam.
“Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế hiện hành, góp phần hỗ trợ rất đáng kể cho sức tiêu thụ hàng hóa nói chung và sự hồi phục giá cà phê Robusta sàn London” - đây là tin vui cho các DN XK cà phê Việt Nam” - TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh .
EU cũng là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, XK hạt điều sang EU đạt 33.885 tấn, tương đương 173,17 triệu USD, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 18,3% trong tổng kim ngạch XK hạt điều của cả nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, XK vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang vẫn diễn ra thuận lợi. Theo Cục XNK Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Gần 1 tuần sau lô vải thiều đầu tiên XK sang Cộng hoà Czech (thuộc EU), ngày 12.6, 1 tấn vải thiều tiếp tục được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
Điều đáng nói, đây là lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển. Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà XK, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà XK, đồng thời, người tiêu dùng tại Pháp có thể “tra cứu” toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói.
Đại dịch COVID-19 nhìn chung có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, với 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ hoặc các DN tại vùng duyên hải miền Trung.
Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. DN tư nhân trong một số ngành có tỉ lệ chịu tác động tiêu cực cao bởi dịch là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%) và sản xuất thiết bị điện (94%). DN FDI trong một số ngành có tỉ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%). Theo VCCI
Xem thêm: odl.036129-man-teiv-nas-gnon-ohc-ioh-oc-auc-om-ua-uahc/gnourt-iht/nv.gnodoal