Tiếp tục đà rơi của thế giới, vàng mất gần 1 triệu đồng trong tuần qua
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – Giá vàng nội địa ngày hôm nay tiếp tục xu hướng giảm, rời xa hơn mốc 57 triệu đồng mỗi lượng và giảm gần 1 triệu đồng trong tuần qua, trong bối cảnh giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh sau thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vàng miếng SJC giảm gần 1 triệu đồng trong vòng một tuần qua. Nguồn: Doji |
Cụ thể, cuối giờ sáng ngày 18-6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết biểu giá vàng miếng giao dịch với chiều bán ra ở mức 56,75 triệu đồng/lượng, còn giá mua vào là 56,15 triệu đồng/lượng. Biểu giá niêm yết của Doji cũng đưa ra mức giá thấp hơn một chút, ở mức 56,65 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 56,1 triệu đồng ở chiều mua vào.
Như vậy, giá vàng đã tiếp tục giảm khoảng 300.000 đồng mỗi lượng so với phiên ngày hôm qua và giảm khoảng 800-900.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Biên độ chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cũng không có nhiều thay đổi, vẫn duy trì ổn định quanh mức 600.000 đồng môi lượng.
Dù vậy, có thể thấy giá vàng nội địa trong phiên hôm nay và hôm qua dù giảm nhưng không giảm sâu như đà lao dốc của vàng thế giới.
Sau đợt bán tháo vào ngày 17-6 sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến, thị trường vào tối hôm qua (theo giờ Việt Nam) còn chứng kiến đà giảm mạnh hơn của vàng.
Cụ thể, theo Kitco News, giá giao dịch hợp đồng vàng tương lai tháng 8 quanh mức 1.770,9 đô la, giảm 90,5 đô la sau khi đã sụt giảm 43,8 đô la vào ngày hôm qua. Còn theo số liệu của Bloomberg, vàng giao ngay có thời điểm giảm về mức 1.773,5 đô la Mỹ/oz, nhưng hiện đang phục hồi về mức 1.783,01 đô la/oz. Quy đổi ra giá vàng nội địa thì mức giá hiện nay tương đương khoảng gần 49,7 triệu đồng mỗi lượng, tức vẫn duy trì mức chênh lệch cao gần 7 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng trong nước.
Tờ Bloomberg dẫn lại ý kiến của Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Corp., cho rằng sự căng thẳng trong các giao dịch vàng đang lên đỉnh điểm và có thể kéo dài thêm vài phiên nữa. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của vàng vẫn thu hút lực cầu phục hồi.
Vàng giảm trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá mạnh. Theo Kitco News, sức mạnh của đồng đô la là một yếu tố góp phần khiến vàng bán tháo mạnh trong hai ngày qua.
Cụ thể, trong hai ngày vàng giảm mạnh mẽ thì đồng đô la Mỹ cũng tăng 1,96%, gần như chiếm trọn mức tăng từ đầu năm đến nay của chỉ số này. Còn theo Bloomberg, giá vàng giảm 4,9% trong tuần này, là mức giảm cao nhất kể từ tháng 3-2020, trong khi chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index tuần này đã tăng 1,6%.
Tương lai tăng giá của đồng đô la Mỹ mới đây cũng được nhiều chuyên gia tỏ quan ngại về khả năng dòng tiền dịch chuyển ra khỏi các thị trường mới nổi. Theo đó, đồng tiền của các nhóm nước mới nổi cũng chịu áp lực giảm giá, trong bối cảnh các quốc gia hiện vẫn đang duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có diễn tiến phức tạp.