Chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam: nhìn từ nước ngoài
Ths. Trần Thanh Ngân(*)
(KTSG) - Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được bảo hộ ở Việt Nam không đồng nghĩa với việc được bảo hộ ở nước ngoài. Khung pháp lý về quy trình đăng ký CDĐL ở Việt Nam là khá đầy đủ, nhưng còn thiếu các quy định có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng các CDĐL sau khi bảo hộ. Những rào cản này khiến nông sản Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi khi xuất ngoại.
Thông tin 40 tấn vải tươi bắt đầu xuất khẩu sang Úc của vụ mùa đầu tiên năm 2021 là tín hiệu mừng cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, các mặt hàng này khi bán ở Úc thường chỉ ghi sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam và gắn nhãn công ty nhập khẩu, dù các sản phẩm này - vải và thanh long - đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ở Việt Nam.
Điều này cho thấy việc bảo hộ CDĐL không có ý nghĩa nhiều ở thị trường nước ngoài, nếu những CDĐL này chưa được bảo hộ ở nước nhập khẩu hoặc bên xuất khẩu chưa thể hiện được vị thế của mình. Bởi tương tự nhãn hiệu, CDĐL cũng được bảo hộ theo nguyên tắc lãnh thổ (territoriality principle); tức được bảo hộ ở Việt Nam, không đồng nghĩa với việc được bảo hộ ở Úc, mà cần tiến hành đăng ký hoặc thông qua các hiệp ước công nhận giữa các nước.
Thương hiệu gắn tên địa danh
Có ba đối tượng sở hữu trí tuệ thường sử dụng để bảo hộ các đặc sản gắn liền với tên địa danh ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới gồm (1) nhãn hiệu tập thể, (2) nhãn hiệu chứng nhận, và (3) CDĐL.
Nhãn hiệu tập thể là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tập thể này với các thành viên không thuộc tập thể. Ví dụ như vải thiều Thanh Hà.
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa... của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ như nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn hay nhãn hiệu chứng nhận An toàn sinh học.
CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia. Cụ thể, sản phẩm mang CDĐL có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL đó quyết định.
Đặc biệt, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang CDĐL phải được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng bởi các chuyên gia trong ngành và lưu ý chất lượng và đặc tính này phải có tính liên tục và ổn định. Ví dụ các CDĐL đã được bảo hộ ở Việt Nam như thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn hay nước mắm Phú Quốc.
Như vậy tính chất đặc trưng vùng miền thể hiện ở hai yếu tố trong CDĐL. Yếu tố về tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác), hay yếu tố về con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương). Đây là những đặc điểm khá tương đồng với điều kiện sản xuất, nuôi trồng các mặt hàng nông sản hay các đặc sản địa phương hiện nay tại Việt Nam.
Thiếu quy định về quản lý và sử dụng sau bảo hộ
Tại Việt Nam, số lượng bảo hộ CDĐL ngày càng gia tăng. Tính đến đầu năm 2021, có 94 CDĐL được bảo hộ, trong đó có 88 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVPTA) tạo tiền đề cho 39 CDĐL của Việt Nam chính thức bảo hộ ở Liên minh châu Âu (EU) và ngược lại 169 CDĐL của EU được bảo hộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, rất ít nông sản Việt Nam được gắn nhãn CDĐL khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Thực tế, khung pháp lý về quy trình đăng ký CDĐL ở Việt Nam là khá đầy đủ, tuy nhiên thiếu các quy định có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng các CDĐL sau khi bảo hộ. Nên không khai thác hiệu quả trong hoạt động thương mại hoặc được khai thác nhưng không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của CDĐL.
Ngoài ra, cũng còn thiếu các quy định cụ thể trong việc kiểm tra sự ổn định của chất lượng sản phẩm; các nghiên cứu chuyên sâu để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính sản phẩm với điều kiện địa lý bằng các chỉ tiêu định lượng có sự ổn định và liên tục. Đây là một trong các cản trở chính của các CDĐL ở Việt Nam, mà vải thiều Lục Ngạn là ví dụ điển hình đã đối mặt trong quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL này ở Nhật Bản.
Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của EU
EU đã xây dựng một hệ thống quản lý bài bản các dấu hiệu về chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm mà danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm gắn liền với khu vực địa lý cụ thể. Tập dấu hiệu này gồm: (1) dấu hiệu tên gọi xuất xứ, (2) dấu hiệu CDĐL và (3) dấu hiệu tri thức truyền thống như ở Hình 1.
Ngoài ra, đối với các sản phẩm được sản xuất theo quy trình truyền thống của địa phương hoặc ở những khu vực địa lý đặc biệt như vùng núi hay biển đảo cũng được chứng nhận với dấu hiệu riêng (Hình 2a) nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng giúp phân biệt các sản phẩm này với những sản phẩm được sản xuất trong điều kiện bình thường.
Bên cạnh đó, EU còn có chương trình Chứng nhận tự nguyện (voluntary certification schemes) được sử dụng ở cấp độ quốc gia mỗi nước hay bởi các tổ chức tư nhân nếu có nhu cầu để giúp người tiêu dùng tự tin lựa chọn và phân biệt các sản phẩm được gắn dấu hiệu này với các sản phẩm cùng loại.
Đặc biệt, những sản phẩm đang được xét duyệt hay đã được gắn dấu hiệu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ EU hay ngoài EU đều được ghi nhận trên trang chất lượng sản phẩm (Quality Product Registers). Do đó, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những thông tin liên quan đến sản phẩm, tức bên cạnh thương hiệu của nhà sản xuất, các dấu hiệu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đính kèm giúp tăng thêm giá trị và sự phân biệt các sản phẩm cùng loại trong mắt khách hàng. Đây còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp quảng bá và chào bán các sản phẩm này.
Mận Pinggu của Trung Quốc
Một ví dụ điển hình cho giá trị tăng thêm mà CDĐL mang lại khi được bảo hộ về mặt pháp lý và được triển khai thương mại hiệu quả là mận Pinggu của Trung Quốc. Dù là nước trồng được nhiều loại mận, tuy nhiên mận Pinggu nổi bật hơn cả về màu sắc, lượng đường, hương vị đặc trưng và kích cỡ, mà những đặc điểm này có được nhờ vị trí địa lý, khí hậu của vùng Pinggu.
Đây là điều khiến loại mận này trở thành ứng cử viên cho việc đăng ký và là sản phẩm được công nhận CDĐL đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2002 (Hình 2b, mẫu chứng nhận CDĐL ở Trung Quốc). Năm 2007, mận Pinggu cùng 8 sản phẩm khác cũng chính thức được bảo hộ ở EU sau khi Trung Quốc và EU ký thỏa ước ghi nhận hai bên.
Nhờ vào sự quảng bá hiệu quả của Chính phủ Trung Quốc ở trong và ngoài nước bằng các chính sách hỗ trợ và các chiến dịch tiếp thị, giá mận Pinggu đã tăng hơn 30% so với các loại mận cùng loại. Đặc biệt, hơn 40% mận Pinggu được xuất khẩu, và năm 2005 đem về doanh thu tăng 80% so với năm 2004.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều ví dụ về CDĐL của nước ngoài cũng đã khẳng định được chất lượng và tên tuổi của mình trong việc nâng giá trị các đặc sản địa phương, vùng miền, khu vực như tiêu Kampot của Campuchia, trà Ceylon của Sri Lanka, đồng hồ Switzerland/Swiss của Thụy Sỹ hay cà phê - “Café de Colombia” của Colombia.
Như vậy, giá trị tăng thêm của sản phẩm mang CDĐL là rất tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh nhà nước (người chuyên quản lý các vấn đề chính sách), chiến lược phát triển thương hiệu gắn tên địa danh cần sự đồng lòng và hợp tác cực kỳ chặt chẽ với các bên còn lại như nhà nông đối với việc nâng cao năng lực sản xuất, nhà khoa học trong việc nghiên cứu và ứng dụng các nghiên cứu và cuối cùng là phía các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường. Làm được điều này, CDĐL có thể là quân bài chủ lực quảng bá các nông sản và đặc sản địa phương của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
(*) Công ty Maygust Trademark Attorneys, Canberra, Úc.
Xem thêm: lmth.iaogn-coun-ut-nihn-man-teiv-nas-gnon-yl-aid-nad-ihc/354713/nv.semitnogiaseht.www