vĐồng tin tức tài chính 365

Cách mạng xanh xây trên ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất

2021-06-19 03:06

Cách mạng xanh xây trên ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất

Andy Huỳnh Vũ

(KTSG Online) - Trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây có vẻ như đang bắt đầu khống chế được đại dịch Covid-19 để trở lại đời sống bình thường, họ cũng chú ý đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Ý tưởng này đã được khẳng định trong bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) diễn ra hôm 31-5 tại Seoul. Theo ông, “hơn lúc nào hết, chúng ta cần đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phục hồi kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững hơn thời kỳ hậu Covid-19”(1).

 

Theo tổ chức BNEF, cho đến năm 2050, hơn một nửa lượng thép toàn cầu vẫn phải được sản xuất bằng phương pháp làm chảy quặng sắt hiện đang phổ biến.

Một kế hoạch hành động liên quan đến “thép”

Thông tin từ hãng tin Bloomberg cho thấy cuộc chiến nói trên hiện nay lại phải dựa trên chính ngành công nghiệp xây dựng đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp cách đây hơn một thế kỹ rưỡi - công nghiệp chế tạo thép.

Thép, Bloomberg viết, kim loại đã làm thay đổi mọi thứ kể từ cuối thế kỷ thứ 19, từ súng đạn, cầu đường cho đến các thành phố và tàu bè, cũng là thành phần thiết yếu trong việc chế tạo tuabin gió, tấm pin điện mặt trời và các trụ điện hình tháp, những sản phẩm cần thiết để thay chỗ các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tuy thế, bản thân thép lại dựa trên việc đốt cháy hàng tỉ tấn than đá thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn tất cả các phương tiện giạo thông - gồm xe hơi, xe buýt và xe gắn máy - cộng lại.

Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào than và hướng đến các công nghệ sản xuất xanh đắt tiền, ngành công nghiệp sản xuất thép vốn có tỷ lệ lợi nhuận thấp phải được các chính phủ ủng hộ nhiệt tình và có sự phối hợp nhịp nhàng của các nhà sản xuất thép.

Theo một dự thảo thông báo gần đây của nhóm G7, nhóm này sẽ đưa ra kế hoạch hành động cho ngành thép và các ngành công nghiệp khác không thải ra khí cacbonic. Đây là thời điểm quan trọng cho quyết tâm chính trị liên quan đến vấn đề này vì công nghệ dùng trong năng lượng tái tạo cần đến lượng thép trên mỗi đơn vị nhiều hơn các ngành sử dụng năng lượng hóa thạch.

Trong vòng một năm qua, năm trong số sáu hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới đã ủng hộ Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, cam kết sẽ thực hiện được mục tiêu không khí thải vào năm 2050. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu giảm khí nhà kính. Trong khi đó, Liên minh châu Âu lên kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu lên các quốc gia sản xuất thép có tiêu chuẩn môi trường thấp. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất thép ít chất thải.

Ông Doug Parr, người đứng đầu công tác nghiên cứu khoa học của tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) tại Anh, cho biết: “Trong khoảng một năm qua, ngành công nghiệp thép đã cùng nhau đạt được thỏa thuận này. Sau khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, các chính sách về khí hậu sẽ chạm đến mọi ngành nghề. Nếu một hoặc hai công ty đầu tiên cắt giảm lượng khí thải, các công ty khác sẽ theo gót họ”.

Trung Quốc sẽ phải đóng vai trò then chốt trong việc dọn dẹp để làm ngành công nghiệp này sạch hơn, đơn giản là vì họ sản xuất đến hơn một nửa lượng thép trên thế giới.

Lượng khí cacbonic thải ra ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trước năm 2025 và nước này đang kỳ vọng sẽ cắt giảm 30% lượng khí cacbonic vào năm 2030. Tuy nhiên, đây sẽ là một việc đầy khó khăn vì ngành công nghiệp thép Trung Quốc chủ yếu sử dụng kỹ thuật lò cao đốt than không thể chuyển đổi dễ dàng trong khi nhiều nhà máy thép dạng này còn thời gian sử dụng rất dài.

Công ty thép Baowu, nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc và thế giới, cam kết sẽ đạt được mục tiêu sản xuất không thải khí cacbonic vào năm 2050, một thập niên trước khi cả nước về đích theo mục tiêu do Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra. Công ty thép này đã dẫn đầu Trung Quốc về việc chuyển đổi công nghệ sản xuất trong nhiều thập niên và đây có thể là mấu chốt thúc đẩy tham vọng môi trường xanh của nước này.

Benedikt Zeumer, một nhà tư vấn thuộc công ty McKinsey & Co, cho biết: “Ngành công nghiệp thép thế giới rất quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Trung Quốc bởi vì quy mô lớn của nó. Công nghiệp của Trung Quốc có khuynh hướng tập trung, do đó một mệnh lệnh có thể biến thành hành động chung”.

Hướng tới “thép xanh”

Đối với một số công ty sản xuất thép ở châu Âu và Bắc Mỹ, chẳng hạn như Nucor Corp. sử dụng thép tái tạo từ lò điện hồ quang, khó khăn của họ nhỏ hơn: họ phải tìm nguồn năng lượng tốt hơn cho việc cung cấp điện. Theo tổ chức BNEF, cho đến năm 2050, hơn một nửa lượng thép toàn cầu vẫn phải được sản xuất bằng phương pháp làm chảy quặng sắt hiện đang phổ biến.

Điều này khiến một số công ty thép, như ArcelorMittal SA, POSCO và Nippon Steel, tìm cách thay thế lò cao truyền thống, nơi cacbon dưới dạng than đá hay oxit cacbon được bơm vào cùng với quặng tạo ra chất lỏng sắt nguyên chất ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Khi đó, cacbon liên kết với oxy của quặng trở thành khí CO2 khiến toàn cầu nóng lên.

Điều này cũng làm ngành công nghiệp thép chú trọng đến việc tái tạo hydro nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, mục tiêu tạo ra hydro xanh bằng điện phân nước sử dụng nguồn điện sạch sẽ tốn nhiều tiền và cần nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ. Theo BNEF, sản lượng khí hydro hiện nay chỉ đáp ứng được 1,8% lượng khí cần thiết để đạt mục tiêu không còn khí thải vào năm 2050.

Một trong những lựa chọn là thay than đá bằng sinh khối, như gỗ hay chất thải nông nghiệp. Đối với các nhà sản xuất thép, đây là cơ hội tốt vì nó giúp giảm chi phí chuyển đổi các nhà máy. Tuy nhiên, ông William Gale, giáo sư thuộc Đại học Leeds, cho biết xác định tỷ lệ sinh khối dùng vào việc này là một thử thách lớn. Ví dụ, trồng rừng để thu hoạch gỗ có thể sẽ khiến đất cho trồng cây lương thực ít hơn, vị giáo sư cho biết.

Tuy vậy, vẫn đang có tiến bộ. Tận dụng lượng điện dư thừa ở Thụy Điển, công ty thép SSAB AB đang dùng hydro để tiến đến loại bỏ hoàn toàn việc thải khí cacbonic trong hoạt động của mình.

Ông Martin Pei, người chịu trách nhiệm kỹ thuật của SSAB AB, cho biết: “Chúng ta cần chấp nhận một tương lai phải sử dụng rất nhiều điện [trong sản xuất thép]”.

Nhưng ngay cả khi con người sản xuất đủ lượng điện cho việc chuyển đổi công nghệ thép, Viện nghiên cứu Rocky Mountain cho rằng loại thép thân thiện với môi trường hay “thép xanh” sẽ đắt tiền hơn. Ví dụ, tại khu vực Bắc Âu, giá điện có thể cao hơn từ 20-30% so với giá hiện nay.

Công ty Volvo và SSAB AB đang hợp tác với nhau để sản xuất xe cộ bằng nguyên liệu thép thân thiện với môi trường. Họ nằm trong số các công ty chấp nhận giá cao hơn. Công ty tái tạo năng lượng Orsted AS đã dùng “thép xanh” trong tuabin gió nhằm loại bỏ khí cacbonic vào năm 2040.

Ông Matthew Watkins, nhà phân tích chính của nhóm CRU, một công ty tư nhân chuyên cung cấp thông tin kinh doanh, cho biết: “Đang có nhu cầu thép ít khí CO2. Một số nơi trong thị trường đang cần, nhưng vẫn chưa biết họ có sẵn lòng trả tiền hay không”.

Vì thế, các sáng kiến như Green Deal của châu Âu đang trở nên quan trọng hơn trong việc tạo ra thị trường và biến việc loại bỏ khí cacbonic trở thành một nhu cầu thương mại cho các nhà sản xuất thép. Ông Geert Van Peolvoorde, giám đốc chịu trách nhiệm khu vực châu Âu của ArcelorMittal, cho biết điều này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho các ngành công nghiệp tiên phong thân thiện với môi trường.

Ông Peolvoorde cho biết thêm: “Khi chúng ta đang loại bỏ khí cacbonic trên bình diện toàn cầu, sẽ là điên rồ nếu tạo ra năng lượng xanh mà lại tiếp tục sử dụng thép được sản xuất từ than. Và khi nhu cầu sử dụng thép từ than tăng lên mà lại không loại bỏ khí thải, mọi nỗ lực khác thực hiện ở khắp nơi đều bị triệt tiêu”.

Dù đi sau trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa, Việt Nam đang nỗ lực để có những bước tiến mới theo hướng sản xuất xanh, giảm bớt tác hại của biến đổi khí hậu. Điều này đã được khẳng định qua phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tại Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) diễn ra hôm 31-5 tại Seoul(2). Theo ông, “… phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu…” Thủ tướng cho biết: “Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu”(3).

Việt Nam đi sau nhưng không hẳn chỉ có bất lợi. Đó là chúng ta có thể học được bài học quý giá từ những người đi trước. Vấn đề nêu lên ở phần trên có thể là một nguồn tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp thép nước nhà.
-------------
(1), (3)https://baomoi.com/toan-van-phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-hoi-nghi-p4g/c/39031559.epi

(2) Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 17-6-2021, trang 38

Nguồn tham khảo: https://www.bloomberg.com/graphics/2021-green-steel/?srnd=premium-asia

Xem thêm: lmth.tahn-meihn-o-yag-peihgn-gnoc-hnagn-nert-yax-hnax-gnam-hcac/055713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cách mạng xanh xây trên ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools