Chỉ số chứng khoán VN-Index kết thúc tuần giao dịch đã tiến lên ngưỡng 1.377,77 điểm. Như vậy, VN-Index lại tiếp tục vượt đỉnh cũ ở mức 1.374,04 điểm được xác lập tại phiên giao dịch ngày 4.6.
Lấy lại hơn những gì đã mất
Như vậy, sau ít nhất 2 lần thử thách đỉnh cũ 1.374 điểm, phiên ngày 18.6 VN-Index đã vượt qua mốc này với cách biệt hơn 3 điểm.
Cách biệt này chưa đủ chắc chắn nhưng trong bối cảnh thị trường đầu tháng 6 vẫn “trũng” những thông tin hỗ trợ, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc vượt đỉnh được đánh giá là tích cực trong ngắn hạn.
Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng, áp lực điều chỉnh cho thấy đã được rũ bỏ, thị trường khả năng bắt đầu bước vào nhịp tăng mới.
Khác với tuần giao dịch trước (7-11.6) chỉ có 2 phiên tăng điểm, tuần giao dịch vừa kết thúc (14-18.6) có tới 4 phiên tăng, mang về cho chỉ số hơn 26 điểm. Không chỉ giúp lấy lại những gì đã mất ở tuần giao dịch trước (mất hơn 20 điểm), chỉ số VN-Index còn được đẩy lên mức cao mới, cũng là đỉnh mốc mới của lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhưng đáng nói hơn, với phiên tăng mạnh gần 18 điểm vào phiên cuối tuần 18.6 đưa VN-Index đạt đỉnh cao mới, tâm lí thị trường đã được giải tỏa bớt đi sự lo lắng, căng thẳng cho rằng có thể nhịp điều chỉnh của thị trường chưa dứt.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán SHS trước đó, chỉ số cần đóng cửa tuần quanh ngưỡng 1.340 điểm hoặc trên ngưỡng 1.375 điểm thì mới cho thấy rõ xu hướng.
Dòng tiền cần quay trở lại
Ngược với khí thế vượt đỉnh cũ của VN-Index, dòng tiền vào sàn HoSE trong 3 tuần giao dịch trở lại đây lại có sự sa sút rõ nét.
Ở tuần từ 31.5-4.6, thanh khoản trên HoSE đạt bình quân 26.796 tỉ đồng/phiên. Sang tuần tiếp sau đó từ ngày 7-11.6, thanh khoản tăng nhẹ lên 26.841 tỉ đồng/phiên. Tuy nhiên tới tuần giao dịch vừa kết thúc từ ngày 14-18.6, thanh khoản trên HoSE sụt giảm xuống mức 23.889 tỉ đồng/phiên.
Như vậy, thanh khoản trên sàn HoSE đã giảm so với tuần trước 11%, và giảm so với tuần trước đó nữa 10,85%.
Lí giải về việc dòng tiền bất ngờ “hụt hơi”, bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – cho rằng, lí do thứ nhất một phần là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp cho nên nhà đầu tư cũng cân nhắc trong việc xuống tiền.
Lí do thứ hai là tuần giao dịch vừa kết thúc có phiên đáo hạn tháng 6 chứng khoán phái sinh VN30 và một số quĩ ETF cơ cấu danh mục nên nhà đầu tư cũng thận trọng trước khả năng xảy ra biến động mạnh. Lí do thứ ba là nhịp giảm điểm của thị trường tuần trước cũng ảnh hưởng một phần đến tâm lí e ngại nhịp điều chỉnh còn tiếp tục.
Trên thực tế, VN-Index chỉ còn cách ngưỡng 1.400 điểm khoảng chưa đầy 23 điểm. Tuy nhiên theo bà Kim, việc chỉ số VN-Index từ nay đến cuối tháng 6 có vượt lên tới được ngưỡng 1.400 điểm hay không còn phục thuộc vào dòng tiền.
“Dòng tiền phải quay trở lại và đủ mạnh để lan tỏa rộng ra nhiều nhóm cổ phiếu giúp chỉ số tăng điểm đến mốc 1.400 điểm”, bà Kim nhận định.
Phiên giao dịch cuối tuần 18.6 có khối lượng giao dịch cao nhất tuần trên sàn HoSE nhưng về giá trị thanh khoản thì chỉ xếp thứ 3 trong số 5 phiên. Xét cả về 2 yếu tố, theo bà Kim, có thể chưa tạo đủ xung lực thúc đẩy một nhịp tăng mạnh vượt qua ngưỡng 1.400 điểm của VN-Index.
Xem thêm: odl.040229-ial-ort-yauq-nac-ioh-tuh-ogn-tab-neit-gnod-hnid-touv-naut-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal