Nhiều chuyên gia cho rằng giá phân urê trong nước cũng “ăn theo” giá thế giới, gây khó cho nông dân, là bất hợp lý - Ảnh: B.ĐẤU
Theo các đại lý bán lẻ phân bón, không chỉ giá tăng cao liên tiếp, các nhà máy và đại lý cấp 1 còn thông báo khan hiếm hàng, nhiều thời điểm không có hàng giao.
Mỗi giờ một giá, đại lý hủy hợp đồng
Ngày 15-6, các đại lý phân bón nhận được thông báo giá bán phân bón urê tại chợ đầu mối TP.HCM lên mức 10.200 - 10.400 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, một đại lý vật tư nông nghiệp tại Bắc Giang, cho hay giá phân bón các loại đã tăng liên tục trong vòng 2 tháng qua sau khi tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, chỉ chững lại một thời gian ngắn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Vào đầu tháng 4, giá bán ra tại nhà máy của đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau lần lượt là 8,4 - 8,5 triệu đồng/tấn nhưng đến cuối tháng 5-2021 lên 9,4 - 9,5 triệu đồng/tấn và đầu tháng 6 là 9,8 - 9,9 triệu đồng/tấn.
Với mức giá này tại nhà máy, giá bán buôn ở chợ đầu mối TP.HCM đã lên tới 10,6 - 10,8 triệu đồng/tấn đối với urê hạt đục và urê hạt trong là 10,2 - 10,4 triệu đồng/tấn.
"Không chỉ tăng giá theo ngày, đại lý cấp trên tại miền Bắc còn thông báo sẽ hủy các đơn hàng đã thỏa thuận trước ngày 11-6 với lý do bị nhà phân phối chính tại miền Bắc cắt hàng. Tình hình cung cấp và giá cả của phân đạm khá đáng lo" - ông Thắng cho biết.
Theo các công ty kinh doanh phân bón, việc hủy hợp đồng hoặc hạn chế cung cấp từ các nhà sản xuất phân urê của VN là có thật, dù chưa đến mức thiếu hàng nhưng nguồn cung nhỏ giọt và theo đó giá cả liên tục được các nhà sản xuất tăng lên trong thời gian qua.
Một loại phân bón khác có mức giá tăng mạnh hơn urê là DAP vì phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Ngày 10-6 chạm mức 16 triệu đồng/tấn với DAP Trung Quốc xanh 64%, 16,5 triệu đồng/tấn DAP Hàn Quốc và 12,6 triệu đồng/tấn DAP Đình Vũ.
Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vinacam, cho rằng từ tháng 4-2021 đến nay dù các doanh nghiệp đã nhập khẩu khẩn gần 200.000 tấn urê các loại, cao hơn cả khối lượng cùng kỳ năm trước nhưng giá thị trường trong nước vẫn không hề có dấu hiệu dừng lại. Từ đầu tháng 6-2021, phân urê không còn "mỗi ngày mỗi giá" mà là "mỗi giờ... mỗi giá".
Nông sản lại giảm giá
Giá phân bón tiếp tục tăng mạnh, chưa kể nhiều dịch vụ khác cũng tăng theo khiến nông dân "méo mặt", nhất là trong bối cảnh giá lúa và nhiều nông sản khác đang có xu hướng giảm.
Ngày 16-6, ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân xã Phú An (huyện Phú Tân, An Giang), cho biết đang canh tác 14ha nếp được 50 ngày tuổi nhưng đang ăn ngủ không yên khi giá lúa liên tục sụt giảm, còn giá phân bón liên tục tăng thời gian gần đây.
"Giá phân bón tăng mạnh, có loại cao hơn 250.000 đồng/bao, nhưng đại lý bảo do nhập khẩu tăng nên phải bán tăng theo. Giá phân tăng đã làm chi phí sản xuất lúa, nếp của bà con nông dân tăng theo nhưng điều oái oăm là giá lúa đang có xu hướng giảm.
Giá nếp chỉ dao động hơn 5.200 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với cuối tháng trước. Nếu cứ giá này chắc chắn chúng tôi cầm huề chứ không thể nào có lợi nhuận cao" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, không chỉ giá phân bón tăng mà giá thuốc, dịch vụ phun xịt hay thu hoạch lúa cũng tăng theo. Với giá lúa nếp như hiện nay, chắc chắn thu hoạch nếp đợt tới đây nông dân sẽ không có lợi nhuận.
Ông Trần Quốc Bửu - nông dân xã An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp - cho biết 8ha nếp của gia đình ông đã được 60 ngày tuổi, hiện đã trổ bông khá đều nhưng ông đang rất lo khi giá phân bón hiện nay cao hơn mọi năm rất nhiều và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng giá.
"Mấy mùa trước tôi mua hơn 300.000 đồng/bao phân lạnh, còn bây giờ tôi ra đại lý mua giá 550.000 đồng/bao rồi. Việc tăng giá như vậy đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con, chúng tôi chỉ mong muốn giá cả ổn định. Nếu giá phân tăng thì giá lúa cũng phải tăng theo mới hy vọng, còn như hiện nay không ổn cho nông dân" - ông Bửu nói.
Theo ông Trần Thanh Hiệp - chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, qua khảo sát một số doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cho thấy giá cả có tăng. "Chúng tôi đã thử kiểm tra một vài doanh nghiệp, rõ ràng việc tăng này do nhập khẩu.
Vì họ mua đầu vào có tăng và có đầy đủ hóa đơn. Do tình hình dịch bệnh nên nhập khẩu gặp khó, dẫn đến tăng giá. Nếu người dân nghi ngờ doanh nghiệp nào bán phân, thuốc tăng giá có thể gọi về đường dây nóng của chúng tôi để phản ảnh" - ông Hiệp nói thêm.
Trong khi phân bón và nhiều vật tư nông nghiệp khác đều tăng giá chóng mặt, giá lúa lại có xu hướng giảm càng đẩy nông dân vào cảnh khó khăn - Ảnh: B.ĐẤU
* Ông Vũ Duy Hải (tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vinacam):
Giá DAP tăng nóng do cung không đủ cầu
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các ban ngành cuối tháng 2-2021, Vinacam kiến nghị cấp quản lý nhà nước xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu để tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu tăng cường nhập bổ sung cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp tại VN.
Không thể phủ nhận việc tăng giá phân DAP trong nước là do cung không đủ cầu. Tuy nhiên, việc Bộ Công thương tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu và thuế tự vệ trong khi giá thế giới tăng liên tục khiến các doanh nghiệp nhập khẩu chùn tay. Lỗ hổng cung - cầu hàng nhập khẩu là nguyên nhân chính đẩy giá DAP trong nước tiếp tục tăng vọt.
* Ông Nguyễn Đức An Sơn (giám đốc Công ty SSG International, TP.HCM):
Urê trong nước cũng tăng giá bất hợp lý
Dù đã được nhiều doanh nghiệp cảnh báo và đề xuất các biện pháp nhằm tăng nguồn cung và hạn chế đà tăng giá nhưng các bộ ngành vẫn khẳng định không thiếu phân bón và sẽ bình ổn được giá. Với giá bán sỉ như thế này, giá đến tay người nông dân sẽ phải cộng thêm ít nhất 1.000 đồng/kg. Với mức giá gần 12.000 đồng/kg, phân urê đã lên mức giá cao nhất trong lịch sử.
Giá phân bón tăng quá nhanh là một gánh nặng cho nông dân trong bối cảnh giá nhiều loại nông sản giảm. Nếu như các loại phân bón phụ thuộc nhập khẩu như DAP, MAP tăng theo giá thế giới, urê là loại phân bón mà VN đã sản xuất vượt nhu cầu nội địa vẫn tăng theo giá thế giới là bất hợp lý.
Nhà nước đã tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất phân bón của VN tham gia đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá, nhưng trong giai đoạn vừa qua các nhà máy này đã không thực hiện được nhiệm vụ này.
TTO - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn ngày 13-3 với các đơn vị sản xuất liên quan để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp quản lý trước thông tin các loại phân bón DAP và MAP khan hàng, sốt giá.
Xem thêm: mth.43245700091601202-nob-nahp-aig-iov-gnor-cohk-nad-gnon/nv.ertiout