Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết tính đến ngày 31-8, có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vốn vay lại năm 2023 với tổng số tiền đề nghị giảm là hơn 5.565 tỉ đồng.
27 địa phương xin giảm vốn vay gồm An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TP.HCM, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang.
Nguyên nhân đề nghị giảm kế hoạch vốn vay lại là do nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư như chưa ký hiệp định vay, hiệp định chưa có hiệu lực hoặc đang điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, các dự án gặp vướng mắc như giải phóng mặt bằng, đấu thầu... nên không giải ngân được hết kế hoạch vốn cũng được nhiều địa phương đề nghị giảm vốn vay lại.
Trong đó, các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư là chủ yếu với số tiền được đề nghị giảm vốn cao nhất.
Trái lại, sáu địa phương gồm Bình Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ đề nghị tăng dự toán vay lại với tổng số tiền đề xuất là hơn 349 tỉ đồng. Lý do các tỉnh xin bổ sung kế hoạch vốn để phù hợp với tiến độ triển khai trong năm 2023 của các dự án.
Về kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, quyết định 458 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 nêu rõ là vay khoảng 27.198 tỉ đồng; trả nợ là 4.993 tỉ đồng, gồm chi trả gốc 2.804 tỉ đồng và chi trả lãi 2.189 tỉ đồng.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung, Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-10 là hơn 401.863 tỉ đồng, chỉ đạt hơn một nửa kế hoạch vốn được giao.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên liệu đá, cát phục vụ dự án, khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo vừa được Chính phủ gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, trong năm 2022, chính quyền địa phương vay 19.184 tỉ đồng, giảm 9.453 tỉ đồng so với mức Quốc hội phê duyệt, trong đó vay trong nước 6.363 tỉ đồng, còn lại hơn 12.820 tỉ đồng là vốn vay nước ngoài. Tổng trả nợ năm 2022 là 5.127 tỉ đồng, trong đó 3.309 là nợ gốc.
Dư nợ của Chính quyền địa phương đến cuối năm 2022 là 67.381 tì đồng.
Còn đối với các khoản vay lại từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ trong năm nay, tính trong sáu tháng đầu năm, các địa phương đã rút vốn vay là 18.395 tỉ đồng.
Cùng với 7 địa phương xin tăng vốn, cũng có 7 địa phương xin trả lại vốn vay nước ngoài với tổng số vốn lên tới gần 1.548 tỉ đồng.