VNPT thu lãi ngàn tỉ nhờ hoạt động tài chính. Trong ảnh: nhân viên của VNPT đang làm việc - Ảnh: CAO HƯNG
Tại Công ty cổ phần (CTCP) viễn thông FPT (mã chứng khoán FOX), đến cuối quý 1-2021, tổng tài sản đạt gần 16.032 tỉ đồng, riêng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cộng tiền - tương đương tiền đã chiếm hơn 45%, khoảng 7.247 tỉ đồng.
Tổng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong quý 1 này đạt 461 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính đóng góp gần 108 tỉ đồng (+36%) vào kết quả trên.
Là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel), đến cuối quý 1-2021, tổng tài sản của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, VTP) đạt hơn 4.522 tỉ đồng, trong đó khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tiền mặt và tương đương tiền đạt gần 1.758 tỉ đồng, tăng hơn 102 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Khép lại quý đầu năm, Viettel Post lãi ròng sau thuế hơn 108,5 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mảng tài chính góp hơn 23 tỉ đồng doanh thu.
Tại đại hội cổ đông 2021, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu 21.000 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế 496 tỉ đồng, đều tăng hơn 29% so với năm trước. Doanh nghiệp cũng lên kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE.
Cũng thuộc họ Viettel, Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction, CTR) ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1 với doanh thu thuần 1.750 tỉ đồng, lãi sau thuế 71,6 tỉ đồng, tăng lần lượt 27% và 41% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính góp trên 2 tỉ đồng.
Viettel Construction lên kế hoạch doanh thu 6.600 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 275,8 tỉ đồng năm nay.
Năm 2020 Tập đoàn Viettel ước tính tổng doanh thu hơn 264.100 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 39.800 tỉ đồng.
Không chỉ kiếm tiền từ mảng thuê bao điện thoại, Internet, truyền hình, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) còn thu lãi lớn nhờ các khoản đầu tư tài chính.
Tại báo cáo tài chính năm 2020, tập đoàn cho biết có tổng tài sản đạt hơn 99.238 tỉ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Riêng danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn, khoản tiền và tương đương tiền đạt tới 43.943 tỉ đồng, chiếm trên 44% tổng tài sản.
Cả năm 2020, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VPNT đạt hơn 50.515 tỉ đồng. Với giá vốn cao, nên lợi nhuận gộp còn 14.856 tỉ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, doanh thu dịch vụ tài chính của VNPT tăng lên 2.687 tỉ đồng. Sau khi trừ hết chi phí, tập đoàn lãi ròng sau thuế hơn 5.717 tỉ đồng.
Nhìn dòng tiền, khoản tiền cho hoạt động đầu tư đã giảm, song tiền sử dụng vào hoạt động tài chính lại tăng đến 79% khi đạt gần 2.143 tỉ đồng.
Năm nay VNPT đặt kế hoạch doanh thu 45.165 tỉ đồng, lãi sau thuế hơn 4.285 tỉ đồng.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong năm nay sẽ thực hiện cổ phần hóa, hoàn thành IPO (phát hành công khai lần đầu) công ty mẹ Tập đoàn VNPT, dự kiến thu 30.759 tỉ đồng nếu Nhà nước giữ 51% vốn điều lệ.
Dù doanh thu hoạt động tài chính có góp công vào kết quả kinh doanh, nhưng không phải doanh nghiệp viễn thông nào cũng có lợi nhuận dương.
Hiện CTCP Dịch vụ kỹ thuật Viễn thông (TST) là một trong những đơn vị trực thuộc VNPT đã được cổ phần hóa và niêm yết.
Trong dòng tiền của TST, quý 1-2021 doanh nghiệp có hơn 6,6 tỉ đồng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
Do giá vốn cao hơn cả doanh thu, nên tổng kết quý đầu năm nay TST lỗ sau thuế hơn 3,3 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước cũng âm hơn 2,5 tỉ đồng. Theo kế hoạch, doanh nghiệp kỳ vọng lãi sau thuế hơn 4,5 tỉ đồng trong năm nay.
TTO - Việc hàng trăm doanh nghiệp niêm yết lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, tăng huy động vốn tới 102.600 tỉ đồng cho cả năm 2021, cao kỷ lục từ trước đến nay, khiến áp lực pha loãng, tăng nguy cơ giảm lãi cơ bản trên cổ phiếu.
Xem thêm: mth.31790919181601202-gnah-nagn-iug-neit-ohn-it-nagn-gnah-ial-gnoht-neiv-peihgn-hnaod/nv.ertiout