Thí sinh tìm hiểu thông tin ngành học trong một chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRUNG TÂN
Năm 2020, nhiều ngành sư phạm tại Trường ĐH An Giang rơi vào cảnh không tuyển được thí sinh nào như sư phạm sinh học, vật lý, tin học. Một số ngành khác cũng "trắng" thí sinh như công nghệ kỹ thuật môi trường, hóa học, phát triển nông thôn.
Sư phạm vắng vẻ
Tại Trường ĐH Hà Tĩnh, nhiều ngành sư phạm rơi vào cảnh vắng vẻ như sư phạm toán, giáo dục chính trị khi mỗi ngành chỉ tuyển được... 1 thí sinh. Trong khi đó, các ngành sư phạm vật lý, hóa học hai năm liên tiếp không có thí sinh nào nhập học.
Tại Trường ĐH Quảng Bình, hàng loạt ngành sư phạm hai năm liên tục "trắng" thí sinh như giáo dục chính trị, sư phạm toán, vật lý, sinh học. Ngành sư phạm ngữ văn năm 2020 không tuyển được thí sinh nào.
Ngay cả ngành sư phạm ở các trường đại học có truyền thống đào tạo sư phạm, trường thành viên đại học vùng cũng rơi vào cảnh không có người học.
Đơn cử như tại Trường ĐH Đà Lạt, 2020 là năm thứ hai liên tiếp ngành sư phạm tin học không có thí sinh nào nhập học. Các ngành sư phạm vật lý, sinh học năm 2019 mỗi ngành tuyển được... 1, 2 thí sinh. Đến năm 2020, lượng thí sinh nhập học là số 0 tròn trĩnh.
Đáng chú ý, khi công bố điểm chuẩn đợt 1 năm 2020, điểm chuẩn các ngành sư phạm tin học, sinh học và vật lý có điểm chuẩn từ 22 - 24, cao nhất của trường này.
Theo lý giải của trường, vì số lượng quá ít nên khi quyết định điểm sàn trường xác định điểm cao để thí sinh chuyển sang các ngành khác.
Nhiều ngành sư phạm tại Trường ĐH Quy Nhơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự như giáo dục chính trị, sư phạm sinh học, sư phạm tin học (ba ngành này hai năm liên tiếp không tuyển được thí sinh nào), quản lý giáo dục.
Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), một số ngành như sư phạm công nghệ, khoa học tự nhiên và một số ngành sư phạm đào tạo bằng tiếng Anh như sư phạm tin học, vật lý, hóa học không có thí sinh nhập học dù chỉ tiêu khá nhiều.
Ngành sư phạm tin học tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng "trắng" thí sinh trong mùa tuyển sinh năm 2020.
Khoa học công nghệ, xã hội đìu hiu
Không chỉ sư phạm, nhiều ngành kỹ thuật, công nghệ và khoa học cơ bản cũng rơi vào cảnh đìu hiu.
Tại Trường ĐH Đà Lạt, nhiều ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, khoa học xã hội cũng không tuyển được thí sinh. Các ngành này gồm văn hóa học (năm 2019 có 4 thí sinh), văn học (năm 2019 có 8 thí sinh), điện tử viễn thông, vật lý học (năm 2019 có 1 thí sinh, năm 2020 không có thí sinh nào).
Ngành toán học, sinh học hai năm liên tiếp không tuyển được thí sinh. Trường ĐH Phạm Văn Đồng cũng có nhiều ngành không tuyển được thí sinh nào trong kỳ tuyển sinh năm 2020 như sư phạm tin học, thương mại điện tử, sinh học ứng dụng, điện tử viễn thông.
Tại Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), hàng loạt ngành không tuyển được thí sinh nào trong năm 2020 như nông học, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, xã hội học, Việt Nam học.
Nhiều ngành tại Trường ĐH Khánh Hòa cũng không tuyển được thí sinh năm 2020 như sinh học ứng dụng, hóa học, hóa phân tích môi trường.
Một số ngành tại Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) cũng rơi vào cảnh "trắng" thí sinh như kỹ thuật sinh học, toán ứng dụng, quy hoạch vùng và đô thị, địa kỹ thuật xây dựng, toán kinh tế.
Một số ngành khác tại Trường ĐH Quy Nhơn như sinh học ứng dụng, khoa học vật liệu, thống kê cũng rơi vào tình cảnh thiếu vắng người học. Tại Trường ĐH Thủ Dầu Một, nhiều ngành vắng thí sinh trong năm 2020 như chính trị học, địa lý học, lịch sử, toán kinh tế.
Nguyên nhân từ đâu?
PGS.TS Lưu Trang, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến ngành sư phạm thiếu người học là việc xã hội thiếu thông tin và chế độ giáo viên thấp so với các ngành khác.
"Nhiều ngành sư phạm mới như công nghệ, khoa học tự nhiên sẽ rất cần nhưng xã hội vẫn quen với tâm lý ngành sư phạm thừa giáo viên nên họ ngại học sư phạm trong khi nhu cầu giáo viên vẫn rất lớn, nhất là các ngành phục vụ chương trình giáo dục mới.
Hơn nữa, thu nhập giáo viên không bằng các ngành khác. Chúng tôi vận động thí sinh ngành CNTT qua học sư phạm nhưng không em nào chuyển qua.
Theo các em, cử nhân CNTT ra trường được trả lương trên 10 triệu/tháng trong khi giáo viên chỉ vài triệu đồng.
Với một số ngành như sư phạm sinh, thí sinh có thế mạnh môn này thường thi vào các ngành y, dược. Cộng với tâm lý giáo viên dư thừa, khó tìm việc, lương thấp khiến nhiều ngành sư phạm khó tuyển sinh" - ông Trang nói.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết các ngành khoa học công nghệ đòi hỏi nhiều về trang thiết bị thực hành, đội ngũ giảng dạy cũng như môi trường học tập và làm việc.
Các trường ở địa phương thường hạn chế hơn các trường tại TP.HCM về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng đào tạo cũng như môi trường học tập.
"Sinh viên kỹ thuật ở TP.HCM được tiếp cận với các trang thiết bị mới, thực hành tại các doanh nghiệp lớn nên có thể làm quen sớm với thực tế. TP.HCM cũng tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy của các tập đoàn lớn nên cơ hội tiếp cận và tìm việc tốt hơn. Trường ở tỉnh hạn chế hơn về điểm này.
Một sinh viên kỹ thuật ở TP.HCM và ở tỉnh sẽ rất khác nhau. Thí sinh giờ không đăng ký xét tuyển đại mà tìm hiểu rất kỹ về trường, ưu tiên cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp. Do đó trường ở tỉnh sẽ khó tuyển sinh hơn" - ông Dũng nói.
Dừng tuyển sinh
Quá ít thí sinh đăng ký nên năm 2020 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quyết định dừng tuyển sinh hai ngành khoa học thủy sản và công nghệ vật liệu. Trong khi đó, vài năm qua Trường ĐH Hoa Sen đã loại ngành toán ứng dụng khỏi danh mục ngành tuyển sinh của trường vì không có người học.
TTO - Hiện nay các trường đại học có rất nhiều ngành mới, nhu cầu tuyển dụng cao trên thị trường lao động nhưng lại ít thí sinh để ý đến.
Xem thêm: mth.8484750281601202-hnis-iht-gnart-coh-hnagn-ueihn/nv.ertiout