TP.HCM bắt đầu đợt tiêm chủng vắc xin COVID-19 quy mô lớn - Video: LÊ PHAN
Buổi lễ có sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và các bộ ngành. Phía TP.HCM có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.
Nhận định về đợt dịch vừa qua, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết đợt dịch bùng lên nhanh chóng nhưng trong 3 tuần, các lực lượng tuyến đầu của TP.HCM đã tham gia chống dịch không mệt mỏi. Mỗi cá nhân đều quên mọi vất vả, hiểm nguy, tận dụng từng giây từng phút khoanh vùng, truy vết, dập dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ông Bình cũng cảm ơn người dân TP.HCM đã đồng hành thực hiện nghiêm các biện pháp mà thành phố đưa ra để việc chống dịch được diễn ra nhanh chóng. Cũng chính sự đồng lòng này đã giúp thành phố chiến thắng dịch trong năm 2020 khi các ca bệnh không có thuốc để trị, không có vắc xin nhưng thành phố đã tự hào chữa khỏi cho nhiều ca nặng.
"Hiện tại chúng ta đang thực hiện 5K nhưng chưa đủ mà phải có biện pháp căn bản là vắc xin. Từ tháng 3 đã triển khai tiêm 3 đợt cho hơn 1 triệu người, trong đó có 30.000 người đã tiêm 2 mũi. Việc tiêm đảm bảo an toàn không có tai biến.
Nhà nước đã nỗ lực tối đa để huy động, vận động nguồn vắc xin cho nhân dân. Chúng tôi cũng xin cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã kịp thời viện trợ cho Việt Nam trong đợt này. TP.HCM là điểm quan trọng về kinh tế, chính trị, đợt này lại là điểm nóng về dịch bệnh, do đó lô vắc xin này rất quan trọng", ông Bình nói.
Ông Bình cũng nhấn mạnh thêm dù tiêm vắc xin nhưng người dân không được chủ quan, thực nghiêm 5K. Vắc xin kết hợp 5K mới hiệu quả. Có vắc xin vẫn nhiễm nhưng nhẹ, không có triệu chứng. Cả nước phải đồng lòng chống dịch như chống giặc mới sớm dập được đợt dịch này.
Là người đầu tiên được tiêm vắc xin vào sáng 19-6, ông Nguyễn Văn Khoa (thuộc Tập đoàn FPT) cho biết ông cảm thấy rất may mắn. Việc tiêm diễn ra thuận lợi, sau tiêm ông vẫn tỉnh táo và không có dấu hiệu lạ. Ông Khoa hy vọng Chính phủ sẽ có nguồn vắc xin nhiều để người dân được tiêm phòng.
Ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - đo thân nhiệt trước khi vào khu vực tiêm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo Sở Y tế TP.HCM, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của thành phố với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày. Thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm tiêm/ngày, bao gồm điểm tiêm tại trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm tiêm lưu động.
Để đảm bảo việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng, mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ thì trong một ngày sẽ có 200.000 người được tiêm chủng và sẽ hoàn thành trước ngày 27-6.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (phải) trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vắc xin đợt này là loại AstraZeneca do Nhật Bản hỗ trợ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Anh Tuấn Anh, 35 tuổi, làm thủ tục chuẩn bị vào tiêm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một nhân viên Tập đoàn FPT được tiêm trong sáng 19-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm tiêm/ngày trong đợt này - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhân viên được thực hiện giãn cách theo quy định 5K - Ảnh: DUYÊN PHAN
TTO - Có khoảng 500 công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM (TP Thủ Đức) sẽ mở đầu cho chiến dịch tiêm vắc xin 836.000 liều mà TP.HCM vừa được Chính phủ phân bố.
Xem thêm: mth.42001639091601202-nol-om-yuq-91-divoc-nix-cav-gnuhc-meit-tod-uad-tab-mchpt/nv.ertiout