Nguyễn Khắc Ly cắt tóc cho các thành viên đội tuyển bóng đá quốc gia VN khi các tuyển thủ chuẩn bị lên đường dự vòng loại World Cup 2022 - Ảnh: C.K.
Từ một chàng trai bế tắc trong chọn hướng vào đời, nay Ly được biết đến nhiều với vai trò là giảng viên, kỹ thuật viên của một hãng tôngđơ tóc của Mỹ; được mời đi nhiều nước để trình diễn về nghề tóc nam.
Lên mạng học cắt tóc ngoại
Trên đường vào thôn Trước Đông có một căn biệt thự vườn khá bề thế, nằm nổi bật giữa làng quê trong trẻo gây chú ý cho người đi đường.
Mấy năm trước, dưới nền căn nhà khang trang này là một khu nhà cấp 4 cũ kỹ, đơn sơ. Những người làng ở Trước Đông đều biết câu chuyện chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Ly đi làm thợ tóc rồi tích cóp, có tên tuổi và giúp cha mẹ xây nhà lớn ở quê. Câu chuyện lập nghiệp của Ly cũng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thanh niên thôn quê.
Nguyễn Khắc Ly cho biết những năm 2013 - 2014 khi học hết 12 thì Ly không đủ khả năng để vào đại học. Ở vùng quê nghèo, việc lập nghiệp vào đời là một câu chuyện rất mơ hồ.
Nếu không chọn đi học đại học, học nghề thì lứa thanh niên chỉ có thể ra phố làm thợ đụng, lao động chân tay hoặc tự kinh doanh buôn bán nhỏ. Những ngày đó, Ly kiếm sống bằng cách đi bóc vỏ cây keo, tràm, dò tìm cơ hội để làm ăn.
Mẹ Ly, bà Nguyễn Thị Nga, kể rằng gia đình sốt ruột nên tìm cách hối thúc Ly đi học nghề.
"Lúc đó chỉ có hai nghề phù hợp mà dễ làm, thời gian ngắn để có thu nhập là cắt tóc và đi học chạm khắc mỹ nghệ. Dáng người của Ly cũng mảnh khảnh, gầy nhỏ nên gia đình mong muốn cháu chọn việc không quá nặng nhọc để sớm có thu nhập" - bà Nga nhớ lại.
Cuối năm 2014, Ly chạy xe máy chọn một tiệm tóc ở thành phố rồi học làm thợ. Nhưng chứng kiến trào lưu tóc không đột phá, thu nhập cũng bấp bênh nên Ly bức bí và muốn tìm xu hướng mới cho đường đi của mình.
"Em về lên mạng tìm các xu hướng thời trang tóc trên thế giới và biết đến trào lưu baber (văn hóa tóc phương Tây). Lúc này trong nước gần như chưa có, em nhận thấy cơ hội và dành hết thời gian để học kỹ thuật, tập tành" - Ly kể.
Vì trong nước không có thợ đào tạo trào lưu tóc này, sau giờ học việc ở tiệm, ban đêm Ly về bật điện thoại, mua tóc giả để thực hành. Mẹ Ly bật cười khi nhớ lại câu chuyện con trai mình cứ ngồi xem điện thoại, nói một mình thâu đêm.
"Tui tưởng hắn có bạn gái mà không phải, toàn cứ thấy nằm trong bóng tối xem người ta cắt tóc" - bà Nga nói.
Đi ra để thành công
Chàng thợ tóc Nguyễn Khắc Ly cười vang khi kể những ngày đầu mình tập tễnh thực hành trào lưu tóc học ở Internet. Mấy đám bạn, lũ trẻ ở thôn Trước Đông trở thành "chuột bạch" cho Ly.
Thấy ai tóc dài, đầu "đẹp" Ly cũng vận động cắt miễn phí. Những kiểu tóc lạ lẫm, trẻ trung, sành điệu lần đầu tiên ra khuôn và gây thích thú. Từ đi "xin" được cắt miễn phí, nhà Ly trở thành tiệm tóc nhộn nhịp.
Người làng khuyên Ly mở tiệm để họ ủng hộ, không nên làm miễn phí mãi. Ly mạnh dạn mở một salon tóc ở giữa làng và đó là nơi khởi nghiệp đầu tiên của chàng thợ tóc này.
Dù chỉ cắt tóc ở làng, nhưng mỗi lần làm được một quả đầu đẹp là Ly lại tung lên mạng, gia nhập vào các nhóm trẻ theo xu hướng baber. Tay nghề của Ly được một tiến sĩ về thời trang tóc gốc Việt, sống ở Na Uy chú ý.
Cuối 2015, người này vận động Ly ra Hà Nội học nghề và bảo rằng với lĩnh vực thời trang tóc, muốn phát triển và đi xa hơn thì phải ra những trung tâm lớn - nơi thói quen tiêu dùng đã được chấp nhận trong thời gian dài. Ly khăn gói ra thủ đô để tầm sư học đạo. Hai năm ròng rã theo nghề, đầu năm 2017 Ly mạnh dạn xin thầy cho "ra riêng" để tự lập.
"Lúc đó em cầm trong tay chỉ 5 triệu đồng nhưng quyết định liều lĩnh mở tiệm tóc tới 200 triệu đồng. Em thuê một chung cư, nhận đào tạo nghề tóc nam. Trên các diễn đàn tóc, nhiều người đăng ký và đóng cho em 180 triệu đồng. Số tiền này em ra mở cửa hàng ở đường Nguyễn Khắc Cần, ban ngày thì lo trang trí tiệm, ban đêm về đứng dạy tạo mẫu tóc thâu đêm. Đúng 6 tháng thì khóa học kết thúc, số tiền 180 triệu đồng là của em và đã đầu tư vào tiệm tóc. Vậy là em có cửa hàng đầu tiên" - Ly kể.
Khi mở được cửa hàng đầu tiên, Ly vừa làm vừa dạy nghề cho các học viên. Trên các diễn đàn mạng, tay nghề của chàng thợ Đà Nẵng này được nhiều người biết. Các kênh truyền thông nước ngoài chuyên về trào lưu tóc baber cũng biết và viết bài khiến Ly thêm nổi tiếng.
Ly được mời đi ra nước ngoài tham gia các chương trình nói chuyện về thời trang tóc, truyền cảm hứng về xu hướng baber. Anh còn được một hãng tôngđơ của Mỹ chọn làm một trong ít kỹ thuật viên, giảng viên khu vực châu Á, đưa đi nói chuyện về tóc ở nhiều nước trên thế giới.
Hiện nay ngoài tiệm tóc ở Hà Nội, Ly còn mở thêm chi nhánh tại Đà Nẵng. Trên mạng xã hội, trang Facebook của Ly cũng nhận được lượng theo dõi rất lớn, các chương trình đào tạo thời trang tóc nam do các hãng tổ chức đều có sự hiện diện của Ly.
Tới nay Ly đã trực tiếp đào tạo được thành nghề 350 học viên và hàng ngàn lượt người tham dự các khóa tập huấn, nói chuyện của anh.
Cắt tóc cho người nổi tiếng
Nhiều năm nay tiệm tóc của Ly ở số 7 Đình Ngang (Hà Nội) là một trong các tiệm tóc được giới trẻ Hà Nội yêu thích. Ly cũng nhận nhiều khách hàng VIP là người nổi tiếng trong giới nghệ thuật, người hoạt động trong lĩnh vực thời trang.
Điều đặc biệt, tiệm tóc của Ly còn là nơi làm đẹp thường xuyên cho các thành viên đội tuyển bóng đá quốc gia VN. Mới đây, trước khi lên đường tham dự vòng loại World Cup 2022, vì yêu cầu chống dịch, cách ly không thể ra ngoài nên các tuyển thủ đã mời Ly tới cắt tóc trong khách sạn mà đội tuyển lưu trú.
Vừa qua, do lệnh cách ly và tình hình phức tạp của dịch, Ly đã tổ chức lễ cưới của mình với một cô gái Lạng Sơn chỉ với sự có mặt của 4 người trong gia đình.
Vợ chồng Ly ngồi ở Hà Nội chứng kiến người nhà ở Đà Nẵng làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên qua màn hình điện thoại. Lễ cưới đơn sơ mà gắn kết đôi lứa nên vợ chồng, đan xen trong những cảm xúc mừng tủi giữa mùa dịch.
TTO - Cách đây 4 năm, một tai nạn giao thông đau lòng đã khiến chị Lê Thị Kim Trâm mất đi cánh tay trái. Không chịu khuất phục trước số phận, người phụ nữ 42 tuổi đầy nghị lực này vẫn quyết theo đuổi nghề gia truyền 3 đời: hớt tóc.
Xem thêm: mth.28553140281601202-a-uahc-gneit-ion-cot-oht-hna-ned-gnal-iart-ut/nv.ertiout