TP.HCM - một thành phố sôi động, rộn ràng, tràn đầy sức sống - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tôi đã quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam nhiều thập niên qua và cũng có niềm trăn trở đó đối với TP.HCM, nơi rất cần xây dựng thương hiệu một cách chủ động và hiệu quả. Bây giờ có lẽ là một thời điểm phù hợp. Tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ sơ khởi về vấn đề này.
Tại sao thành phố của chúng ta cần xây dựng thương hiệu?
Vì Đông Nam Á và Đông Á là một thế giới cạnh tranh, nơi các quốc gia như Hàn Quốc cách đây không lâu có hẳn ban chuyên trách xây dựng thương hiệu quốc gia tại văn phòng tổng thống, giữ nhiệm vụ đẩy mạnh "Làn sóng Hàn Quốc".
Hay Singapore, đô thị - quốc gia, thể hiện quyết tâm chiến lược trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Ví như New Zealand, đất nước khá tách biệt trong khu vực về mặt địa lý, cũng nỗ lực "tiếp thị" bản thân qua cơ quan Enterprise New Zealand mà tôi từng có dịp đến thăm.
Vì chính bên trong Việt Nam, thành phố của chúng ta cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với các thành phố khác như Hà Nội hay Đà Nẵng, Hội An, Huế trong việc thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách và đối tác quốc tế tiềm năng.
Vì chúng ta phải định vị bản thân rõ nét trong con mắt, tâm trí và trái tim thế giới để có thể nổi bật, khơi gợi ở họ sự tò mò, mong muốn tìm hiểu và khám phá những cơ hội tuyệt vời, qua đó giúp bạn bè và đối tác quốc tế gắn bó với chúng ta hiệu quả và lâu dài.
Chúng ta cần làm gì?
Chúng ta cần xác định những đặc trưng, thế mạnh nổi bật và sự thu hút đặc sắc của mình, xác định chúng ta muốn được nhìn nhận và công nhận như thế nào, đồng thời tìm hiểu cách nhìn của thế giới bên ngoài Việt Nam bao gồm cả 5 triệu thành viên cộng đồng gốc Việt hoặc của cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam.
Có một khoảng cách giữa hai cách nhìn này. Do đó, một mặt chúng ta phải đạt được thế mạnh, ưu điểm gắn với thương hiệu mong muốn của chúng ta, mặt khác phải mang được hình ảnh đó đến đối tượng quốc tế một cách hiệu quả.
Điều này đặc biệt sẽ đòi hỏi việc hé lộ, chỉ ra được những điểm hấp dẫn và khác biệt ít người biết đến bên cạnh những đặc trưng đã được nhận biết rộng rãi.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sẽ không dễ để tìm thấy tiếng nói chung trong việc xác định những yếu tố tạo nên thương hiệu TP.HCM vì nhiều luồng ý kiến khác nhau, ví dụ như chọn ra tính cách nào nổi bật nhất trong danh sách dài các lựa chọn: sôi động, rộn ràng, tràn đầy sức sống, sáng tạo, đa dạng, thú vị, táo bạo, dám nghĩ dám làm, cầu tiến, tương phản...?
Đó là lý do tại sao một diễn đàn mở - nơi các quan điểm, ý tưởng và đề xuất khác nhau được đưa ra thảo luận - là sáng kiến phù hợp nhất vì sản phẩm cuối cùng, một thương hiệu thành phố, không đơn giản chỉ là việc của các nhà chuyên môn; muốn nó sống, mạnh mẽ và bền vững thì nó cần được công nhận, ủng hộ và đóng góp bởi tất cả các bên liên quan từ chính quyền, doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa và truyền thông, đến người dân của thành phố, tức xã hội nói chung.
Nói cách khác, tuy việc xác định và xây dựng thông điệp là tối quan trọng nhưng cần phải chuyển thành hành động nhất quán, phối hợp hiệu quả giữa các bên, tổ chức và cá nhân, Nhà nước và tư nhân.
Tôi xin khép lại những chia sẻ này bằng cách đưa ra một số khơi gợi về khẩu hiệu, chất liệu không thể thiếu khi quảng bá hoặc xây dựng thương hiệu TP.HCM. Cụ thể:
- Đến với nơi hội ngộ Đông và Tây, hãy đến với TP.HCM.
- TP.HCM: Nơi di sản và tương lai hội ngộ/hợp nhất.
- TP.HCM: Thành phố của tương lai ở phương Đông.
- TP.HCM: Bản giao hưởng màu sắc và hương vị.
- Cảm nhận nhịp đập, lắng nghe âm thanh của đất Sài Gòn - TP.HCM.
Cuối cùng, tôi muốn gửi một đề xuất cụ thể: sân bay Incheon đã khéo léo tận dụng hành lang dài của sân bay để chào đón khách nước ngoài bằng apphich quảng bá thương hiệu quốc gia với nội dung Dynamic Korea hoặc Creative Korea.
Tương tự như vậy, tại sao chúng ta không biến những hành lang sân bay Tân Sơn Nhất trở thành không gian quảng bá TP.HCM với khách quốc tế qua những khẩu hiệu như "TP.HCM - không gian sôi động" hay "TP.HCM - thành phố đầy sức sống"?
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - TP.HCM đang giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như hội nhập, giao lưu quốc tế. Theo tôi, thành phố nên chú trọng phát triển đô thị xanh và năng lượng sạch.