Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy 4 tháng đầu năm nay, tiền gửi dân cư vào ngân hàng tăng thêm 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, mức tăng trưởng tiền gửi của người dân những tháng đầu năm nay đã thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2020 và chưa bằng 1/2 so với 4 tháng đầu năm 2019. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng tiền gửi của người dân 4 tháng đầu năm ghi nhận xu hướng chậm lại. Điều này cho thấy người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng nhưng không còn "mặn mà" như trước.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng ghi nhận mức thấp hơn nhiều so với những năm trước có một phần nguyên nhân đến từ việc lãi suất huy động thấp.
Thống kê từ năm 2020 đến nay (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát), mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đã giảm 1-2 điểm %/năm ở hầu hết kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất bình quân tiền gửi bằng VND với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm từ 4,3-5%/năm xuống mức 3,1-3,8%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 5,3-7%/năm xuống 4-5,9%/năm. Tương tự, tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện phổ biến có mức lãi suất ở 5,6-6,7%/năm, trong khi đầu năm 2020 là 6,6-7,5%/năm.
Trong khi gửi tiết kiệm ngân hàng trở nên kém sức hút thì ngược lại, chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440.000 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP.
Không dừng lại ở đó, chỉ 5 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 20% so với số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số. Dòng tiền mới chảy mạnh vào thị trường giúp thanh khoản đạt đến hàng tỷ USD mỗi phiên.
Ngoài chứng khoán, một phần nguồn tiền cũng được đổ vào các kênh đầu tư khác như vàng, bitcoin hay bất động sản. Báo cáo của VNDirect cho biết giá nhà đất đã tăng trên diện rộng từ đầu năm đến nay. Cụ thể, giá đất ở một số khu vực ngoại thành Hà Nội đã tăng đột biến. Trong đó, giá đất khu vực Đông Anh tăng 75,5% so với cùng kỳ; khu vực huyện Thanh Trì tăng 25,6%. Tương tự, tại một số huyện ngoại thành TP.HCM, như Củ Chi và Hóc Môn, giá đất tăng lần lượt 27,7% và 21,1%.
Các chuyên gia nhận định mặt bằng lãi suất huy động sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng. Tuy nhiên, khi cầu tín dụng tăng mạnh trở lại, cùng với áp lực lạm phát, thì lãi suất huy động có thể sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm nay.
Nhật Anh (tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị