Chiều 19/6, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo để thông tin về tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Cuộc họp chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, trước đó vào trưa cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã tổ chức họp khẩn để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp.
Sau cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường. Con số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng con số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Cuộc họp báo thông tin về diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM
Tại cuộc họp báo chiều tối nay, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết hiện nay tình hình dịch tại TP đang rất phức tạp, riêng ổ dịch tại Nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát với hơn 500 ca nhiễm.
Tuy nhiên, trước những ổ dịch mới, TP.HCM tiếp tục tổ chức họp khẩn, Ban Chỉ đạo quyết định đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn, đặc biệt là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường việc giãn cách cũng như tốc độ xử lý các ổ dịch, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh, TP thực hiện các biện pháp như sau:
+ Tăng cường bổ sung thêm một số quy định về giãn cách, thực hiện các biện pháp mạnh ở 1 số trọng điểm (sẽ có văn bản chính thức) như phong tỏa 3 khu phố ở phường An Lạc, quận Bình Tân trong vòng 14 ngày. Đồng thời thiết lập phong tỏa tại ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và 1 phần ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn từ 0h ngày 20/6.
Ông Từ Lương - chủ trì cuộc họp báo tại TTBC
Quy định phong tỏa là người dân ở đâu thì ở yên ở đó, không được đi ra ngoài.
+ TP.HCM áp dụng những biện pháp cụ thể chứ không căn cứ theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16, áp dụng dựa trên các quy định của Bộ Y tế. Nơi nào có nguy cơ cao sẽ áp dụng phong tỏa.
So với tháng 3/2020 khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15, 16..., TP cân nhắc để đưa ra quy định phù hợp nhất.
Theo ông Đức, cho đến nay, những công việc liên quan đến công tác phòng chống dịch tại TP do TP xử lý và các cơ quan Trung ương đóng tại địa bàn thành phố xử lý, chưa cần các địa phương khác vào hỗ trợ.
Văn Tiên
Doanh nghiệp & Tiếp thị