- Các tỉnh thành hợp sức dập dịch, tránh để xảy ra kỳ thị
- Hà Nội “dồn sức” đảm bảo tuyệt đối an toàn kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Mặc dù chúng ta đã có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trong điều kiện dịch bệnh từ năm trước, tuy nhiên năm nay, do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp hơn, dịch đang xảy ra tại hơn 40 tỉnh, thành, vậy công tác chuẩn bị cho kỳ thi này sẽ được thực hiện ra sao? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. |
PV: Thưa PGS.TS Mai Văn Trinh, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã và đang được triển khai như thế nào?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các địa phương đã tích cực chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo kế hoạch. Cho đến nay, công tác chuẩn bị rất nghiêm túc và bảo đảm đúng tiến độ để kỳ thi diễn ra vào ngày 7 và 8/7. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ GD&ĐT quyết định sẽ tổ chức kỳ thi thành 2 đợt. Đợt 1 diễn ra vào ngày 7 và 8/7 và đợt 2 cho đối tượng thí sinh không thể tham dự kỳ thi vào các ngày 7 và 8/7 do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Để thực hiện tốt kế hoạch này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan của địa phương tăng cường tuyên truyền chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để tạo sự đồng thuận của xã hội. Quán triệt thí sinh, người tham gia tổ chức thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế; nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh để triển khai tổ chức kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi. Lưu ý thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và ưu tiên xét nghiệm, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho những người tham gia tổ chức thi; bố trí điểm thi dự phòng và các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để sử dụng khi cần thiết.
PV: Phương án thi cho đợt 2 sẽ được Bộ GD&ĐT xây dựng như thế nào để đảm bảo an toàn cho các thí sinh, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Thời gian thi cụ thể như thế nào thì Bộ GD&ĐT sẽ cùng các địa phương tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo an toàn về phòng dịch, vừa giải quyết tốt các vấn đề liên quan tới tuyển sinh và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Trước mắt, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương cập nhật đầy đủ tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thể dự thi vào các ngày 7 và 8/7 sẽ tham dự đợt thi thứ 2; gửi báo cáo số lượng thí sinh dự thi đợt thi thứ 2 về Bộ GD&ĐT trước 5/7.
Việc tổ chức đợt thi thứ 2 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã nằm trong kịch bản tính toán của Bộ GD&ĐT, đặc biệt kế thừa kinh nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nên chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm là phương án thi sẽ được xây dựng phù hợp, đảm bảo an toàn và công bằng cho tất cả các thí sinh.
PV: Vấn đề khiến dư luận băn khoăn là Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề thi như thế nào để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh tham gia 2 đợt thi?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề thi của hai đợt thi có độ khó tương đồng để đảm bảo công bằng với thí sinh dự thi ở các đợt thi khác nhau. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng điều chỉnh phương thức, thời gian và chỉ tiêu tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi của thí sinh khi xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với nhiều môn thi khác nhau. Do vậy, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm. Thời điểm này, các em cần tập trung giữ gìn sức khỏe, nỗ lực ôn tập để có được kết quả cao nhất trong kỳ thi tới đây.
PV: Để đảm bảo an toàn cho tất cả các khâu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, công tác phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã và đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các tỉnh phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi.
Trong đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Công an phối hợp bố trí lực lượng Cảnh sát bảo vệ vòng ngoài khu vực cách ly được sử dụng để triển khai công tác ra đề thi; cử cán bộ an ninh phối hợp với cán bộ bảo vệ của Bộ GD&ĐT trực tiếp bảo vệ vòng trong khu vực ra đề thi; đồng thời bố trí lực lượng và phương tiện kỹ thuật để kiểm tra an ninh khu vực ra đề thi, trang thiết bị phục vụ công tác ra đề. Có biện pháp bảo mật thông tin trong quá trình ra đề thi, in sao đề thi; bố trí lực lượng giám sát công tác vận chuyển đề thi từ địa điểm nhận đề thi về cơ sở in sao và từ địa điểm in sao đến các điểm thi.
Trong công tác coi thi và chấm thi, Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và đề nghị của các hội đồng thi, bố trí đủ lực lượng để tổ chức công tác bảo vệ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn cho các điểm thi và các địa điểm chấm thi, phúc khảo; bố trí đủ lực lượng để giữ gìn trật tự an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa các ùn tắc giao thông tại các thành phố, thị xã, các địa phương có tổ chức thi.
Đặc biệt, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành vi tiêu cực, gian lận trong quá trình tổ chức thi hoặc tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, góp phần bảo đảm kỷ cương và công bằng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh năm 2021.
PV: Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là kỳ thi sẽ diễn ra, ông có lưu ý gì đối với các địa phương cũng như giáo viên, cán bộ coi thi, thí sinh tham dự khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Tại thời điểm này, các địa phương cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt là sàng lọc các thí sinh sẽ dự thi kỳ thi tới đây, để phân thành các diện F0, F1, F2 và chủ động đưa ra giải pháp phù hợp. Cùng với đó, tích cực chuẩn bị tổ chức kỳ thi theo đúng kế hoạch. Trong đó, lưu ý các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các giải pháp theo thông điệp 5K và các giải pháp khác mà ngành Y tế khuyến cáo.
Ở các điểm thi, phải bố trí các phòng thi dự phòng để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khác nhau. Đối với các thầy cô giáo, cán bộ, học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tại thời điểm này, hãy hạn chế đi lại những nơi không thực sự cần thiết. Thí sinh cần bình tĩnh, tập trung ôn tập để đạt kết quả thi tốt. Bộ GD&ĐT cùng các địa phương sẽ có những giải pháp để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em.
Về việc phòng, chống gian lận, trong đó có gian lận có tổ chức, gian lận sử dụng thiết bị công nghệ cao, trong nhiều năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an luôn phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt ở các địa phương và năm nay cũng như vậy. Tuy nhiên, việc phát hiện thiết bị công nghệ cao trên thực tế khá khó khăn nên quan trọng nhất là các cán bộ coi thi tại phòng thi phải quan sát được những diễn biến tâm lý, những tình huống cụ thể, những hành động bất thường của thí sinh, để từ đó có thể phát hiện được hành vi gian lận.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để học sinh nhận thức rằng, dù trong dịch bệnh thách thức như vậy, Bộ GD&ĐT, các địa phương, các thầy cô giáo, sở, ban, ngành liên quan đều cố gắng, quyết tâm để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng. Mọi gian lận nếu bị phát hiện thì thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Xem thêm: /415646-hnis-iht-ohc-tahn-tot-iol-neyuq-oab-mad-eS/cud-oaig/nv.moc.dnac