vĐồng tin tức tài chính 365

EURO 2020: Thể thức lạ, tác động kinh tế là câu chuyện mới

2021-06-20 09:47

EURO 2020: Thể thức lạ, tác động kinh tế là câu chuyện mới

Song Thanh

(KTSG) - Sau một năm tạm hoãn vì đại dịch Covid-19, giải Vô địch Bóng đá châu Âu 2020 (UEFA EURO 2020) đã chính thức khai mạc với một hình thức tổ chức hoàn toàn mới. Trong khi các trận bóng đá vẫn sẽ diễn ra như thường lệ, bài toán kinh tế của giải đấu sẽ là câu chuyện rất khác.

Những khác biệt từ hình thức tổ chức mới

Khác với các kỳ EURO trước khi chỉ có một hoặc hai nước chủ nhà đăng cai toàn bộ vòng chung kết, giải đấu năm nay được tổ chức tại 11 thành phố khác nhau trên toàn châu Âu.

DW nhận định, hình thức tổ chức mới lạ này sẽ khiến tác động kinh tế từ EURO 2020 sẽ rất khác so với các giải đấu trước đó hay World Cup.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Luật Thể thao và Kinh tế (CDES) có trụ sở tại Limoges (Pháp), và công ty marketing trong lĩnh vực thể thao KENEO, EURO 2016 tổ chức tại Pháp đã mang lại khoảng 1,2 tỉ euro (tương đương 1,48 tỉ đô la Mỹ) cho nền kinh tế nước này. Hơn 600.000 du khách đã tới Pháp và ở đây trong khoảng thời gian trung bình là tám ngày, với mức chi tiêu bình quân 154 euro/người/ngày.

Trong khi đó, một giải đấu trải rộng trên 11 thành phố ở các quốc gia khác nhau, cũng đồng nghĩa với việc lợi ích kinh tế mang lại sẽ bị dàn mỏng hơn. Tuy nhiên, về khía cạnh đầu tư, các quốc gia và thành phố đăng cai cũng sẽ không phải chi ra những khoản tiền khổng lồ như khi tổ chức toàn bộ giải đấu. Trên thực tế, khi cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini trình bày ý tưởng tổ chức EURO 2020 cách đây chín năm, ông cũng đã lưu ý về việc Ba Lan và Ukraine đã phải bỏ ra những khoản chi phí lớn như thế nào khi đăng cai giải đấu hồi năm 2012.

Về mặt kinh tế, EURO 2020 vẫn có thể mang lại lợi ích trong dài hạn cho các địa điểm đăng cai. Nếu như EURO 2016 đã mang lại những lợi ích rõ ràng cho nền kinh tế Pháp, thì EURO 2012 cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Ba Lan và Ukraine, dù là ở mức độ khác nhau. Hai nước chủ nhà đã chi ra tổng cộng 31 tỉ euro cho giải đấu đó, phần lớn là dành cho các tuyến đường bộ, sân bay, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác.

Dịch bệnh đe dọa triển vọng của ngành dịch vụ

Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý nhất của giải đấu năm nay, không phải là thể thức tổ chức, mà là dịch Covid-19. Theo DW, ngay cả khi bỏ qua những khác biệt về mặt thể thức, giải đấu lẽ ra vẫn có thể là một công cụ kiếm tiền hữu hiệu cho nhiều thành phố đăng cai nếu không diễn ra đại dịch.

Thủ đô của Ireland, Dublin, từng được quyền tổ chức bốn trận đấu tại EURO 2020, trước khi bị UEFA tước quyền hồi tháng bốn năm nay, do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Chính phủ Ireland. Một nghiên cứu hồi năm 2019 của Công ty tư vấn EY-DKM cho thấy, nếu được tổ chức, các trận đấu sẽ thu hút khoảng 90.000 khách du lịch tới thành phố, mang lại nguồn doanh thu lên tới 106 triệu euro. Các thành phố tham gia đăng cai EURO khác cũng có thể kỳ vọng vào những cú hích tương tự, đặc biệt là London, nơi sẽ tổ chức cả trận bán kết và chung kết.

Tuy nhiên, thực tế mà các thành phố đang đối mặt hiện nay rõ ràng là rất khác. Hầu hết các sân vận động chỉ có thể đón lượng khán giả không vượt quá 50% sức chứa. Do đó, chỉ một số ít người hâm mộ có thể di chuyển khắp châu Âu để tận hưởng kỳ EURO trong những tuần tới.

Ngay cả với những người hâm mộ có thể tới tận nơi để thưởng thức các trận bóng đá, việc sử dụng các dịch vụ tại quán bar, khách sạn, khu vực dành cho người hâm mộ (fanzone) hay tập trung tại quảng trường trung tâm thành phố cũng sẽ bị hạn chế đáng kể bởi các quy định phòng dịch.

Các nhà tài trợ buộc phải thay đổi

Những thay đổi tại EURO 2020 đã buộc các nhà tài trợ chính cho giải đấu phải thay đổi chiến lược của mình để phù hợp với tình hình mới. Những thách thức trong năm qua đã khiến việc chuẩn bị cho sự kiện này trở nên khó khăn hơn bình thường. Điều này đã được phản ánh rõ nét trong tổng giá trị các hợp đồng tài trợ thể thao nói chung. Các số liệu thống kê do Nielson Sports và Hiệp hội Tài trợ châu Âu (ESA) tổng hợp cho thấy, trong năm 2019, hoạt động tài trợ thể thao tại châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục 30,69 tỉ euro, tuy nhiên con số đó đã giảm mạnh trong năm 2020, xuống còn 18,42 tỉ euro.

Theo ông Andy Westlake, Chủ tịch ESA, sau một năm sụt giảm, các nhà tài trợ đang tìm kiếm những cơ hội lớn trong năm nay, và EURO 2020 là một sự kiện như vậy. “Các thương hiệu ngày càng hào hứng với việc quay trở lại và muốn trở thành một phần quan trọng của quá trình bình thường hóa”.

Với thời gian trì hoãn kéo dài một năm và các thỏa thuận thường xuyên phải thay đổi, sự liên lạc giữa UEFA và các nhà tài trợ là rất quan trọng. Ông Ricardo Fort, người đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch đối tác thể thao và giải trí toàn cầu của Coca Cola cho tới đầu năm nay, cho biết: “EUFA đã rất chủ động trong việc liên lạc giữa các bên và điều đó vô cùng hữu ích. Nó đã cho chúng tôi có đủ thời gian để suy nghĩ lại về kế hoạch của mình”.

Volkswagen - một đối tác chính thức lớn khác của EURO 2020 cũng buộc phải điều chỉnh các kế hoạch tiếp thị của mình do đại dịch.

Người phát ngôn của Volkswagen cho biết: “Ban đầu, chúng tôi đã lên kế hoạch cho nhiều hoạt động tại tất cả các địa điểm thi đấu, để khiến người hâm mộ hào hứng với sản phẩm của chúng tôi. Tuy nhiên, sức khỏe của tất cả những người tham gia, có thể là vận động viên, tình nguyện viên, người hâm mộ hoặc nhân viên là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

Nhà sản xuất xe hơi của Đức hiện có kế hoạch giao lưu với người hâm mộ bên ngoài một số địa điểm hạn chế, bao gồm khu fanzone tại quảng trường Trafalgar ở London và sân vận động Wembley. Các hoạt động quảng bá mang tính trải nghiệm của hãng sẽ bao gồm việc phát áo phông miễn phí và phiếu mua hàng cho thuê xe đạp điện.

Đẩy mạnh xu hướng kỹ thuật số trong hoạt động quảng bá

Trong bối cảnh cơ hội giao lưu với người hâm mộ bóng đá bị hạn chế, các chiến lược kỹ thuật số ngày càng quan trọng đối với các nhà tài trợ EURO 2020. Ông Conrad Wiacek, Trưởng bộ phận phân tích thể thao của GlobalData cho biết: “Thực tế là các nhà tài trợ không thể chỉ làm những điều họ đã làm tại vòng chung kết năm 2016 mà cần phải sáng tạo hơn một chút. Điều này có thể báo trước một xu hướng mới trong các hoạt động tài trợ, khi bạn không cần phải có mặt tại chỗ để tiếp cận người hâm mộ”.

Ông Alex Burmaster, nhà đồng sáng lập của nền tảng tiếp thị thể thao Caytoo cũng tin rằng kỹ thuật số là “vị cứu tinh của ngành tài trợ” trong thời kỳ đại dịch vì nhiều lý do. “Việc nhiều người hâm mộ xem EURO trên truyền hình thay vì trực tiếp đến sân vận động làm giảm khả năng trải nghiệm, vì vậy bạn sẽ cần yếu tố kỹ thuật số để lấp đầy khoảng trống và tạo nội dung tạo ra sự phấn khích cũng như các hoạt động tương tác”.

Nhu cầu về nội dung trực tuyến xung quanh giải đấu châu Âu này đã mở ra cơ hội mới cho các thương hiệu kỹ thuật số. Việc giải đấu bị lùi lại đã cho phép công ty truyền thông xã hội TikTok trở thành nền tảng giải trí kỹ thuật số đầu tiên hợp tác với UEFA. Ông Burmaster nhận xét: “Trong lịch sử, các hoạt động tài trợ thể thao đã được một nhóm công ty đậm chất truyền thống nắm giữ. Giờ đây, khi việc xem các môn thể thao chính chủ yếu được thực hiện trực tuyến do đại dịch, các thương hiệu kỹ thuật số đã có nhiều cơ hội tài trợ hơn”.

Nguồn: DW, Raconteur, CNN, Business Insider

https://www.dw.com/en/zany-euro-2020-kicks-off-but-economic-impact-will-be-limited/a-57849929

https://www.raconteur.net/marketing/b2c-marketing/how-euro-2020-sponsors-are-preparing-for-kick-off/

https://edition.cnn.com/2011/12/02/sport/football/football-euro-2012-explainer/index.html#:~:text=The%20final%20was%20broadcast%20to,the%20region%20of%20%2430%20billion.

https://www.businessinsider.com/what-euro-2012-means-for-the-polish-and-ukrainian-economies-2012-6

Xem thêm: lmth.iom-neyuhc-uac-al-et-hnik-gnod-cat-al-cuht-eht-0202-orue/664713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“EURO 2020: Thể thức lạ, tác động kinh tế là câu chuyện mới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools