vĐồng tin tức tài chính 365

Khi 'cả thế giới' nằm trong chiếc… smartphone

2021-06-20 09:47

Khi 'cả thế giới' nằm trong chiếc… smartphone

TS. Thái Thị Tuyết Dung (*)

(KTSG) - Các vấn đề như thẩm quyền, thủ tục khám xét điện thoại thông minh - smartphone, yêu cầu cung cấp mật khẩu điện thoại đã và đang dấy lên mối lo ngại về sự xâm phạm quyền riêng tư nhưng dường như các quy định pháp luật hiện hành chỉ xem việc khám xét smartphone như là đồ vật bình thường, mà chưa tính đến các vấn đề pháp lý khác.

Tình huống

Thời đại công nghệ thông tin hiện nay, đời sống chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào điện thoại thông minh. Cả thế giới dường như nằm trong chiếc điện thoại với tên gọi “smartphone”.

Thiết bị này ngoài những tính năng cơ bản của một chiếc điện thoại di động như nghe, gọi, nhắn tin…, thì còn tích hợp những ứng dụng vô cùng hiện đại với nhiều chức năng khác hỗ trợ đắc lực cho sinh hoạt, học hành và công việc như đọc tin tức, học trực tuyến, soạn thảo văn bản, chuyển khoản thanh toán ngân hàng, đặt xe di chuyển, mua bán hàng, đầu tư chứng khoán… Ngoài ra, nó còn như nhật ký (lưu trữ thông tin, hình ảnh...).

Vì vậy, smartphone không như một đồ vật bình thường, mà chứa đựng cả đời sống tinh thần của chủ sở hữu, có thể bao gồm nhật ký, kế hoạch công việc, hình ảnh cá nhân, dữ liệu về sức khỏe, quá trình chi tiêu…

Về luật thì chưa có quy định bắt buộc chủ sở hữu điện thoại phải cung cấp mật khẩu.

Vì những lý do bảo mật riêng tư cá nhân nói trên, nên hãng điện thoại Apple đã dự liệu, khi điện thoại Iphone của hãng bị mất, nếu người dùng nhập sai mật khẩu quá nhiều lần hoặc bị bẻ khóa thì tất cả dữ liệu trong đó sẽ bị vô hiệu hóa.

Lúc này, kẻ đánh cắp điện thoại chỉ là lấy được “cái xác vật chất”, còn “linh hồn” - sự riêng tư phía trong điện thoại vẫn thuộc về chủ sở hữu. Đây chính là việc bảo vệ nghiêm ngặt sự riêng tư mà hãng Apple theo đuổi.

Đến độ, đầu năm 2020, khi cảnh sát Mỹ thu giữ hai điện thoại Iphone của nghi phạm nhưng đều đã bị khóa bằng mật khẩu, đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu hãng Apple mở khóa iPhone để lấy thông tin và dữ liệu trợ giúp điều tra tội phạm nhưng Apple vẫn một mực từ chối và cho rằng làm điều đó chẳng khác gì họ phản bội lại khách hàng.

Gần đây có hai tình huống dấy lên sự lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư. Tình huống thứ nhất là Bộ Y tế vừa đề nghị xử phạt người có smartphone nhưng không cài đặt phần mềm Bluezone và bật chế độ bluetooth. Và tình huống thứ hai là, một người ở Hà Nội bị lập biên bản về hành vi vi phạm liên quan an ninh trật tự.

Báo chí đưa tin người này xác nhận rằng, khi bị công an mời về phường, nhóm người được cho là vi phạm này bị thu giữ smartphone và buộc phải cung cấp mật khẩu, sau đó xảy ra tình huống lộ clip video nhạy cảm được lưu giữ trong điện thoại của một người trong nhóm trên mạng.

Ngay lập tức hai tình huống này tạo sự tranh luận về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, thủ tục khám xét điện thoại, vì không ai dễ chịu nếu cơ quan/nhân viên công quyền nào đó mở hoặc buộc bạn mở điện thoại để kiểm tra xem điện thoại có cài Bluezone không hay xem trong đó có gì.

Quy định pháp luật về khám xét điện thoại cá nhân

Mỗi quốc gia có quy định khác nhau về thẩm quyền, thủ tục kiểm tra tài sản cá nhân. Như ở nước Mỹ, cơ quan điều tra có quyền thu giữ và kiểm tra điện thoại của nghi phạm, nếu điện thoại được bảo mật cao, họ nhờ đến bên thứ ba để mở khóa các thiết bị để lấy dữ liệu(1).

Ở Việt Nam, thực tiễn hoạt động xử lý vi phạm hành chính, hình sự cho thấy, khám xét tài sản, đồ vật là một biện pháp phổ biến và mang lại hiệu quả cao. Bởi vì, trong quá trình khám xét, cơ quan chức năng có nhiều khả năng phát hiện, thu thập tài liệu, chứng cứ... để giải quyết vụ án. Pháp luật cho phép chỉ một số chủ thể có quyền kiểm tra điện thoại cá nhân và họ phải tuân thủ theo một thủ tục chặt chẽ, vì đây là biện pháp có thể xâm phạm các quyền công dân.

Về cơ bản, cơ quan công an có quyền kiểm tra điện thoại của công dân khi có căn cứ cho rằng chiếc điện thoại (hoặc nội dung trong điện thoại) này là bằng chứng hoặc có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính hoặc có liên quan, hay là phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự.

Trình tự, thủ tục để khám xét theo thủ tục tố tụng hình sự được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự (điều 192-200) như lệnh khám xét theo thủ tục tố tụng hình sự phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành hoặc trong trường hợp khẩn cấp thì phải báo cáo sau cho viện kiểm sát.

Việc kiểm tra điện thoại theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (điều 128…), theo đó chỉ một số chủ thể có thẩm quyền như trưởng công an phường, trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng cảnh sát trật tự, trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ… mới được ra quyết định khám xét điện thoại.

Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, thì chiến sĩ cảnh sát nhân dân (và một số chủ thể khác) đang thi hành công vụ được quyền khám điện thoại theo thủ tục hành chính và phải báo cáo ngay cho thủ trưởng trực tiếp của mình. Việc khám đồ vật phải lập biên bản, có mặt chủ đồ vật và một người chứng kiến, trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có (ít nhất) một người chứng kiến.

Bình luận

Quay trở lại hai tình huống trên, về việc đề xuất sẽ phạt người không cài ứng dụng Bluezone trong smartphone, điều này thật sự không phù hợp dù mục đích chính là tăng cường hiệu quả chống dịch bệnh. Việc chỉ xử phạt những người có smartphone, còn người không có điện thoại, hoặc điện thoại không có chức năng cài phần mềm này thì không phạt ngay lập tức thể hiện rõ sự không công bằng.

Hơn nữa, quy trình để kiểm tra điện thoại cũng rất phức tạp, không dễ gì thực hiện khi chủ sở hữu điện thoại từ chối mở điện thoại của mình vì lo ngại lộ các thông tin cá nhân. Việc quy định hành vi sử dụng hoặc không sử dụng một dịch vụ tư nhân (Bluezone của BKAV) làm căn cứ xử phạt sẽ dấy lên lo ngại về sự lạm quyền.

Đối với việc cơ quan có thẩm quyền thu giữ điện thoại, và yêu cầu cung cấp mật khẩu, với những dữ liệu thông tin tiếp nhận từ báo chí, thì việc thu giữ và khám điện thoại trên cần được làm rõ là có căn cứ cho rằng trong điện thoại có chứa đựng tang vật vi phạm hành chính hay không? Nếu không, việc khám xét điện thoại là trái pháp luật.

Tiếp tục kiểm tra có biên bản tạm khám điện thoại có mặt của người chủ sở hữu và một người chứng kiến không để có căn cứ xác định mức độ trách nhiệm. Còn việc có buộc cung cấp mật khẩu không, việc này tùy quan điểm của mỗi cá nhân, nhưng về luật thì chưa có quy định bắt buộc chủ sở hữu điện thoại phải cung cấp mật khẩu.

Vấn đề pháp lý cần hoàn thiện

Khảo sát các quy định ở Việt Nam, không có sự khác biệt nào trong việc khám xét smartphone với các đồ vật bình thường khác như túi xách, tài liệu… Việc cùng chung một thủ tục khám xét thì e rằng chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi chức năng của smartphone ngày càng gắn bó mật thiết với từng cá nhân.

Trong khi đó, pháp luật quy định rất khác biệt giữa khám xét nơi cất giấu tang vật đồng thời là nhà ở với khám xét nơi cất giấu tang vật là cửa hàng, nhà kho. Nếu là nhà ở, việc khám nhà phải do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Xuất phát từ tính chất quan trọng của nhà ở, đó là không gian riêng tư của mọi thành viên trong gia đình, cần được tôn trọng và bảo vệ. Còn nếu là nhà kho, cửa hàng, thì thẩm quyền quyết định khám xét thuộc nhiều chủ thể, có thể là trưởng công an phường, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã…

Từ những phân tích trên, đã đến lúc cần khung pháp lý riêng cho việc khám xét điện thoại cá nhân, không nên chung một thẩm quyền, thủ tục như những đồ vật bình thường, nhằm bảo vệ quyền riêng tư. Cần thiết nhất, là chỉ nên khám xét điện thoại trong các vụ án hình sự, còn các vi phạm hành chính thì chỉ nên khám xét khi có sự đồng ý của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, áp dụng tương tự như khám nơi ở. Nếu được, sẽ nâng mức bảo vệ quyền riêng tư và tránh hao tốn thêm nguồn lực xã hội khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc bảo vệ quyền này.

Quan niệm tôn trọng quyền riêng tư đã và đang dần thay đổi, khi điện thoại có chức năng quay phim, chụp hình, ghi âm, phát sóng trên nền tảng mạng xã hội. Vì vậy, các quy định pháp luật cũng cần phải tiệm cận với các tiêu chuẩn bảo vệ quyền riêng tư mà các nước đang áp dụng.

Tối 12-6 vừa rồi, trong khuôn khổ giải Euro 2020, khi xảy ra tình huống cầu thủ bóng đá đội tuyển Đan Mạch Eriksen bị đột quỵ trên sân, việc ngay lập tức, các đồng đội vây thành vòng tròn để bảo vệ hình ảnh riêng tư của cầu thủ trước ống kính máy quay, sau đó cổ động viên đưa lá cờ để che chắn nhằm bảo đảm cho các bác sĩ có không gian riêng tư để cấp cứu, trên khán đài cũng không thấy các cổ động viên lấy điện thoại chụp hình… đã gây xúc động mạnh trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn về bảo vệ quyền riêng tư. Để có được điều này, đó là kết quả của một quá trình tôn trọng quyền riêng tư của mọi thành viên trong xã hội với hệ thống pháp luật luôn bảo đảm sự tôn trọng quyền này.

(*) Trường đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

(1) https://nhandan.vn/thong-tin-so/fbi-mo-khoa-thanh-cong-iphone-va-ket-thuc-vu-tranh-chap-phap-ly-voi-apple-258831

Xem thêm: lmth.enohptrams-ceihc-gnort-man-ioig-eht-ac-ihk/014713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khi 'cả thế giới' nằm trong chiếc… smartphone”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools