vĐồng tin tức tài chính 365

Những tên tội phạm ẩn mình sau những phi vụ chiếm đoạt tiền tỉ

2021-06-20 15:56

Không khi nào ra mặt, những tên tội phạm trong các đường dây lừa đảo bằng thủ đoạn gọi điện thoại mạo danh cơ quan tố tụng, thường thông qua đối tượng trung gian để làm cầu nối, làm mắt xích để hoàn thiện hành vi chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Những kẻ “tay sai” trong đường dây lừa đảo qua điện thoại

Mới đầu tháng 2 vừa qua, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử hai bị cáo Nguyễn Đình Vân (26 tuổi, ở tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Hiền (25 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguyễn Đình Vân và Nguyễn Mạnh Hiền vốn là bạn học với nhau. Hai bị cáo là một trong những mắt xích của đường dây dây gọi điện thoại, giả danh công an, viện kiểm sát đe doạ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị Công an Hà Nội triệt phá hồi cuối năm 2019.

Vân khai, qua người em họ giới thiệu, bị cáo biết người đàn ông tên Xoài, song không rõ lai lịch, địa chỉ. Xoài sau đó nói với Vân muốn mở tài khoản ngân hàng và nhờ bị cáo đứng ra giúp, trả công 2,7 triệu đồng cho mỗi tài khoản.

Vân nói không biết tài khoản ngân hàng Xoài nhờ mở để làm gì. Vậy nên, bị cáo đã vì 2,7 triệu đồng - số tiền thu nhập không nhỏ cho một sinh viên, đến các ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản.

Lúc đó, Vân nhớ đến bạn học - Hiền và muốn người này có thêm thu nhập trang trải nên đã rủ tham gia mở các tài khoản ngân hàng cho Xoài. Trong khi đó, đối với Xoài, Vân hay ai đó mở càng nhiều tài khoản càng tốt.

Hai bên thoả thuận, sau khi mở xong tài khoản, Vân sẽ gửi thông tin tài khoản, mật khẩu mobile banking và Internet banking qua tin nhắn cho Xoài. Các sim điện thoại chuyển cho những người được Xoài phái đến.

Từ tháng 5-9.2019, Vân dùng thông tin cá nhân của mình, đồng thời thuê Hiền và nhiều người khác, mở được 73 tài khoản, được trả công gần 200 triệu đồng. Sau khi trả công cho những người mở tài khoản và trả môi giới cho em họ, Vân hưởng lợi 66 triệu đồng.

Từ các tài khoản do Vân và Hiền mở, Xoài - đối tượng “ẩn mình” trong đường dây lừa đảo đã dùng để thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, các tài khoản này được chúng đổ tiền chiếm đoạt của bị hại vào đó.

Vân nói không biết tài khoản này làm gì, song khi nghe Xoài báo ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền 3,8 tỉ đồng, bị cáo đã cùng với Hiền răm rắp thực hiện theo. Cả Hiền cũng khai, cũng chỉ biết nhận tiền công, rồi mở tài khoản. Sau hôm đi cùng với Vân rút 3,8 tỉ đồng, Vân được Xoài trả công 51,5 triệu đồng, còn Hiền nhận 8 triệu đồng.

Sau thời gian ngắn rút số tiền lớn trên, Vân và Hiền bị Công an Hà Nội bắt giữ và điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến lúc này, vụ án dần hé lộ. Số tiền 3,8 tỉ đồng được xác định là của một phụ nữ trung niên, trú trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội).

Theo hồ sơ, cuối tháng 8.2019, bà H nhận được cú điện thoại lạ và một kẻ tự xưng là công an, cán bộ viện kiểm sát, nói rằng, bà là nghi can trong vụ án buôn bán ma tuý. Chúng đe dọa, ép bà H. gửi tiền vào các tài khoản được cung cấp. Bị hại đã chuyển 3,8 tỉ đồng đến số tài khoản mang tên bị cáo Hiền.

Với vai trò giúp sức cho đối tượng lừa đảo, Vân bị tuyên phạt 10 năm tù, Hiền 9 năm tù vì “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong khi đó, nhân thân của đối tượng Xoài vẫn nằm trong vùng “bí mật”, chưa làm rõ.

Còn nhớ giữa tháng 12.2020, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cũng mở phiên toà sơ thẩm xét xử 3 bị cáo Nguyễn Văn Nhật (25 tuổi, ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa), Trần Ngọc Lâm (27 tuổi, ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và Ngô Anh Tuấn (25 tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhật, Lâm và Tuấn cũng chỉ là một mắt xích, giúp sức cho nhóm lừa đảo thông qua việc giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để chiếm đoạt tiền. Ba bị cáo này ở mỗi vai trò khác nhau, đã giúp sức cho nhóm đối tượng giả danh cơ quan tố tụng, gọi điện thoại đe doạ nạn nhân khiến họ chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Theo hồ sơ vụ án, Nhật được một người Đài Loan (Trung Quốc) tên Anh thuê mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng ở Việt Nam với giá 2 triệu đồng/tài khoản. Nhật đồng ý và trực tiếp mở 2 tài khoản, đồng thời rủ thêm Tuấn, Lâm mở tài khoản.

Đầu tuần tháng 7.2019, Anh gọi điện thông báo, Nhật, Lâm và Tuấn đến ngân hàng rút hơn 700 triệu đồng cho anh ta. Trong lúc Tuấn làm thủ tục thì Nhật và Lâm đứng ngoài cảnh giới. Khi đang đợi nhận tiền, Tuấn và Lâm bị công an bắt giữ cùng toàn bộ tang vật. Nhật cũng bị bắt giữ sau đó.

Do vụ việc được phát hiện kịp thời nên nạn nhân đã nhận lại toàn bộ số tiền trên. Quá trình điều tra còn xác định, Nhật còn tham gia giúp sức cho các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của 3 người khác tổng cộng là hơn 1,7 tỉ đồng, cũng bằng thủ đoạn gọi điện thoại, giả danh cơ quan tố tụng để đe doạ nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản.

Với hành vi trên, Nhật bị tuyên phạt 13 năm tù, Lâm và Tuấn mỗi bị cáo 7 năm tù.

Những tên tội phạm “ẩn mình”

Ngoài 2 vụ án trên, Công an Hà Nội và Công an một số tỉnh thành đã triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng. Tuy nhiên, những người này chỉ là “tay sai”, mắt xích trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua thủ đoạn giả danh cơ quan tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát, Toà án...) đe dọa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp. Những kẻ chủ mưu thì cầm tiền “cao chạy, xa bay” với số tiền khổng lồ chiếm đoạt được.

Như Bộ Công an thông tin hồi năm 2020, rằng chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Đặc biệt, nổi lên là phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỉ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện thoại cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...;

Yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn luật sư Hà Nội) nhìn nhận, đây là thủ đoạn không mới, tuy nhiên rất nhiều người vẫn mắc bẫy vì sự thiếu hiểu biết cũng như tính chuyên nghiệp ngày càng cao của tội phạm.

Theo luật sư Long, có rất nhiều trường hợp người dân bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại. thủ đoạn chung là sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình).

Cụ thể, chúng giả số điện thoại công khai của các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và giả danh nhân viên các cơ quan tư pháp để gọi vào điện thoại bàn, điện thoại di động của người dân. Chúng hù dọa làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.

Sau đó, các đối tượng tội phạm yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra; đồng thời, yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.

Tuy nhiên, khi vụ án bị triệt phá, đa số chỉ xử lý được các đối tượng giúp sức; còn các đối tượng cầm đầu, tổ chức thường khó bị bắt bởi thủ đoạn tinh vi của các đối tượng này. Nhóm lừa đảo "chính" thường sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng hệ điều hành Android hoặc Windows để tạo ra số điện thoại giả mạo cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, các tài khoản ngân hàng mà tội phạm sử dụng cũng đều thuê người mở hoặc mua lại từ người khác. Khi công an làm việc, người bán tài khoản không biết thông tin gì về người mua tài khoản. Ngay cả số điện thoại được dùng để đăng ký nhận tin nhắn giao dịch cũng là số SIM rác. Như vậy việc xác minh chủ mưu rất khó.

Để hạn chế tình trạng trên, theo luật sư Long, ngoài việc nâng cao nghiệp vụ đấu tranh, khai thác của cơ quan điều tra thì cần có chế tài phạt nặng hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, qua đó sẽ hạn chế được hành vi lừa đảo qua tài khoản. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ để ngăn chặn SIM rác.

Xem thêm: odl.022129-it-neit-taod-meihc-uv-ihp-gnuhn-uas-hnim-na-mahp-iot-net-gnuhn/naut-iouc-gnod-oal/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những tên tội phạm ẩn mình sau những phi vụ chiếm đoạt tiền tỉ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools