Thống tướng Min Aung Hlaing trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu năm 2018 - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA
Đài truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV) cho biết ông Min Aung Hlaing đến Nga "theo lời mời của Bộ Quốc phòng Nga" để tham dự Hội nghị Matxcơva về an ninh quốc tế (từ ngày 22 đến 24-6).
"Tổng tư lệnh đã tới Matxcơva", một phát ngôn viên của Đại sứ quán Myanmar tại Nga xác nhận với Hãng thông tấn RIA Novosti. Hiện vẫn chưa rõ ông Min Aung Hlaing sẽ ở Nga trong thời gian bao lâu.
Tướng Min Aung Hlaing là người đứng sau cuộc binh biến ngày 1-2 và hiện đứng đầu Hội đồng hành chính nhà nước Myanmar. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ sau đảo chính.
Chuyến thăm diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thành viên "ngăn chặn dòng chảy vũ khí đến Myanmar". Nghị quyết, với 119 nước ủng hộ, cũng kêu gọi quân đội Myanmar ngừng ngay lập tức các hành động vũ lực với người biểu tình ôn hòa.
Nga và Trung Quốc nằm trong số hơn 30 nước bỏ phiếu trắng nghị quyết trên, theo Hãng tin Reuters. Matxcơva và Bắc Kinh trước đó đã ngăn cản Hội đồng Bảo an LHQ thông qua các tuyên bố chung lên án mạnh mẽ chính quyền quân sự Myanmar sau đảo chính.
Theo AFP, Nga hiện tại được xem như một đồng minh chính trị và là nhà cung cấp vũ khí lớn cho quân đội Myanmar. Thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy Myanmar là nước mua vũ khí Nga nhiều thứ hai ở Đông Nam Á, với 1,5 tỉ USD khí tài các loại giai đoạn 1999-2018.
Hồi cuối tháng 5 rồi, truyền thông Myanmar loan tin tướng Min Aung Hlaing đã đến Nga dự một cuộc triển lãm trực thăng vũ trang khiến một số người lo lắng về vai trò của Matxcơva tại Myanmar.
Quốc gia Đông Nam Á này đang trong tình trạng bất ổn sau cuộc đảo chính của quân đội. Các cuộc biểu tình đã bùng phát gần như "mỗi ngày" trên khắp Myanmar, theo Reuters.
Một số tổ chức nhân quyền và LHQ ước tính hơn 870 người Myanmar đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh sử dụng vũ lực để giải tán đám đông. Chính quyền quân sự khẳng định số người thiệt mạng chỉ khoảng 300 người, bao gồm các binh sĩ và cảnh sát bị đám đông sát hại.
TTO - Quân đội Myanmar chỉ trích các cáo buộc của Liên Hiệp Quốc là 'một chiều và bất công', phủ nhận việc giết hại trẻ em trong các cuộc biểu tình. Theo quân đội Myanmar, lực lượng này trấn áp biểu tình theo luật.