Một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương vừa bị kỷ luật do buông lỏng chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản công, gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó thì mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành kết luận số 757, chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến việc cho thuê, giao nhà, đất công sản tại TP.HCM. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý hàng loạt khu “đất vàng” tại TP.HCM được giao về tay tư nhân trái quy định.
Trước đó, cựu lãnh đạo các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa… cũng đã bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Trong đó, nhiều khu nhà, đất công sản đã được hợp thức hóa vào tay tư nhân.
Xung quanh câu chuyện “hô biến” nhà, đất công vào tay tư nhân, gây thất thoát cho Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng, dư luận cho rằng, trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương là rất lớn. Cần rà soát lại các dự án, xử lý nghiêm những vi phạm, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để cán bộ không dám, không thể vi phạm, tránh trường hợp tương tự xảy ra.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật xung quanh vấn đề này, ĐBQH khóa XIV Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận: “Thời gian qua, lãnh đạo một số địa phương đã có những vi phạm trong việc quản lý nhà, đất công sản, trong đó có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sự tín nhiệm để hợp thức hóa hồ sơ, chuyển nhượng những mảnh “đất vàng” cho tư nhân quản lý, nhằm trục lợi cho bản thân hoặc cho một nhóm người. Tôi cho rằng, đây là sai phạm rất nghiêm trọng. Những cán bộ lãnh đạo, quản lý đó đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, đánh mất phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với cán bộ quản lý. Chỉ vì hám lợi, bị cám dỗ của vật chất, thậm chí bị xúi giục… mà đã có những sai phạm, gây thất thoát tài sản của Nhà nước rất nghiêm trọng”.
Vị Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: “Tôi nghĩ rằng, cả tập thể lãnh đạo của một địa phương chẳng lẽ lại không hay, không biết những vi phạm nghiêm trọng đó? Chắc chắn là có sự cả nể lẫn nhau, “mắt nhắm mắt mở” cho qua. Ví dụ như TP.HCM, tại sao khi phân tích đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm thì các cán bộ đó đều hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng khi hết nhiệm kỳ thì lại bị phát hiện ra nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai, bị vướng vòng lao lý?
Cho nên chuyện “dĩ hòa vi quý” cần chấn chỉnh ngay, tránh việc “cho qua”, không phê bình, giám sát lẫn nhau, không đánh giá đúng bản chất, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng. Trong đó, kể cả trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan ở Trung ương cũng chưa được sát sao, dẫn đến có vụ việc vi phạm sau 2 nhiệm kỳ mới bị phát hiện và đưa ra xử lý”.
Bày tỏ quan điểm liên quan đến vấn đề trên, một cán bộ Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Hiện nay, đã có các quy định về quản lý đất đai. Nếu muốn chuyển nhượng nhà, đất công sản thì phải tuân theo nguyên tắc quản lý về đất đai, tài sản Nhà nước. Khi đã được các cấp có thẩm quyền đồng ý thì phải đưa ra đấu giá. Thế nhưng, thời gian qua, lãnh đạo một số địa phương, cơ quan Nhà nước đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý đất đai, biến tướng, cho thuê, chuyển nhượng nhà, đất công “về tay” tư nhân trái quy định”.
Vị cán bộ Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: “Việc để xảy ra sai phạm về quản lý nhà, đất công sản ở một số địa phương và một số cơ quan, đơn vị Nhà nước trong thời gian qua là có phần trách nhiệm lớn của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị đó. Ngoài ra, còn có cả trách nhiệm của các cơ quan giám sát được giao thẩm quyền nhưng không làm hết trách nhiệm hoặc yếu kém trong việc phát hiện các vi phạm. Hoạt động giám sát, kiểm tra không đến nơi đến chốn nên có những vụ vi phạm trong chuyển nhượng nhà, đất công sản thành nhà, đất tư nhân, gây thất thoát tài sản rất lớn của Nhà nước nhưng tại thời điểm người ta “hợp thức hóa” đã không bị phát hiện, xử lý kịp thời”.