Theo các tài liệu công khai về các dự án, việc để Tổng công ty 3-2 xảy ra các vi phạm trong việc góp vốn, chuyển nhượng các khu đất 43ha (dự án khu đô thị Tân Phú) hay 145ha (dự án sân golf) đều có trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương. Tổng công ty Sản xuất và Xuất Nhập Khẩu Bình Dương (trước là DNNN, đã cổ phần hoá 40%), trước đây được giao đầu tư 145ha đất sân golf tại Thành phố mới Bình Dương nhưng đã dùng quyền sử dụng đất để góp 30% vốn tại CTCP Phát triển Tân Thành (công ty Tân Thành).
Tổng công ty 3-2 đã có nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng 30% cổ phần này của TCT tại công ty Tân Thành.
Mới đây, các bên liên quan vừa có văn bản xin trả lại tài sản để khắc phục sai sót, thiệt hại. Cụ thể, hai cổ đông khác tại công ty Tân Thành là công ty CP Hưng Vượng (chiếm 38% cổ phần) và công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32% cổ phần) cũng đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và cơ quan chức năng đề nghị nhượng lại cổ phần tại công ty Tân Thành cho doanh nghiệp nhà nước là công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (“IMPCO”, hiện 100% vốn thuộc Tỉnh ủy).
Việc trả lại này sẽ được thực hiện ra sao theo quy định của pháp luật? Cùng trao đổi về nội dung này, dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết): Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra về sự việc, nên việc này phần nào còn phải phụ thuộc về kết quả điều tra.
Tuy nhiên, theo Luật sư Cường, về nguyên tắc, việc giao đất trái thẩm pháp luật, làm thất thoát tài sản của nhà nước thì ngoài trách nhiệm pháp lý mà người vi phạm phải chịu trước pháp luật thì tổ chức được giao đất cũng sẽ phải hoàn trả lại diện tích đất đó cho nhà nước.
"Về nguyên tắc thì thủ tục giao đất, chuyển quyền sử dụng đất vi phạm pháp luật, không tuân thủ trình tự, thủ tục, không đúng với các điều kiện mà pháp luật đã quy định thì việc giao đất, chuyển quyền sử dụng đất đó được xác định là vô hiệu và nguyên tắc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu là các bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản của nhà nước bị thất thoát, rơi vào tay tổ chức, cá nhân thông qua hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thì tài sản đó sẽ bị thu hồi cho nhà nước và xem xét trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật", ông Cường nhấn mạnh.
Trong số các khu đất xảy ra sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ ra, ngoài khu đất 43ha hiện đã được bộ Công an thụ lý điều tra, việc hoàn trả được đề cập liên quan dự án sân golf 145ha, hiện có trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ xem xét các sai phạm có liên quan đến việc giao khu đất này đồng thời xử lý sai phạm đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
“Việc chuyển quyền sử dụng đất phải hợp pháp phải được pháp luật thừa nhận thì người nhận quyền sử dụng đất mới được phép sử dụng. Bởi vậy trong trường hợp cơ quan chức năng xác định giao dịch về quyền sử dụng đất bị vô hiệu, vi phạm điều cấm hoặc trái pháp luật, đạo đức xã hội thì người đang sử dụng đất phải trả lại quyền sử dụng đất cho bên chuyển quyền. Nếu là đất của nhà nước thì sẽ phải trả lại nhà nước...”, luật sư Cường nói.
Tiếp đến, đối với những vụ việc mà cơ quan điều tra chưa khởi tố, thì việc khắc phục hậu quả, giảm bớt thiệt hại đối với nhà nước hoặc thiệt hại đối với nạn nhân là tình tiết sẽ được xem xét để giảm bớt một phần trách nhiệm pháp lý đối với những người vi phạm. Còn khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì việc bồi thường, khắc phục hậu quả phải có ý kiến của cơ quan tố tụng.
Luật sư nhận định: Trong vụ việc này, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương thì cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành hoạt động điều tra.
Với những tài sản do phạm tội mà có hoặc những tài sản có liên quan đến tội phạm thì sẽ bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn để cấm tẩu tán tài sản, đảm bảo thi hành án, thu hồi tài sản do phạm tội mà có, gây thất thoát cho nhà nước. Trường hợp chưa khởi tố vụ án hình sự, nhưng tài sản có liên quan đến tội phạm, có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra cũng có thể ra văn bản ngăn chặn, cấm chuyển dịch tài sản, khi đó các tổ chức, cá nhân sai phạm không thể tự ý trả lại tài sản hoặc chuyển dịch tài sản cho bên thứ ba.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật TNHH Vietthink nêu quan điểm: Khi hoàn tất thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì công ty Tân Thành là chủ thể có quyền được sử dụng đất đối với khu đất 145 ha, và Tổng công ty 3-2 được ghi nhận là cổ đông sở hữu số cổ phần tương ứng với giá trị góp vốn là quyền sử dụng khu đất được định giá tại công ty Tân Thành (30%).
Do Tổng công ty 3-2 không còn quyền sử dụng đất đối với khu đất trên (kể từ khi hoàn tất thủ tục góp vốn), nên việc xử lý phần vốn góp của Tổng công ty 3-2 tại công ty Tân Thành sẽ thực hiện thông qua việc chuyển nhượng lại cổ phần cho bên thứ ba (mà hiện IMPCO đang được Tổng công ty 3-2 và các cổ đông còn lại đề xuất). Tổng công ty 3-2 không còn quyền chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất của khu đất 145ha cho IMPCO.
Tuy nhiên cần lưu ý, theo Điều 80 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì “trường hợp chấm dứt việc góp vốn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước thu hồi đất đó”. Như vậy, nếu việc góp vốn trước đây của Tổng công ty 3-2 vào công ty Tân Thành thuộc trường hợp trên thì phương án đề xuất của Tổng công ty 3-2 có thể không thực hiện được.
“Nếu việc góp vốn của Tổng công ty 3-2 bằng quyền sử dụng đất toàn bộ khu đất 145 ha vào công ty Tân Trường được công nhận, thì phương án đề xuất của các cổ đông hiện hữu tại công ty Tân Thành về việc chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho IMPCO là có cơ sở, và về bản chất đây là một phương án gián tiếp để trả lại khu đất 145 ha về cho DNNN thuộc Tỉnh Uỷ Bình Dương quản lý nhằm khắc phục hậu quả vi phạm từ việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất trước đây (nếu có)”, ThS. Hà nói.
Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Thanh Hà cho rằng: Do IMPCO là doanh nghiệp 100% vốn Nhà Nước – thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp 2014 (Luật QLSDVNNTDN 2014); và việc nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại vào công ty Tân Trường thuộc một trong các hình thức đầu tư vốn Nhà Nước vào doanh nghiệp theo Điều 6 Luật QLSDVNNTDN 2014 nên sẽ phải đáp ứng được các điều kiện, trình tự, thủ tục tại Mục 4 Chương II, Chương III Luật QLSDVNNTDN 2014, Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về về đầu tư vốn Nhà Nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ).
“Theo đó, nếu IMPCO được chấp thuận mua toàn bộ công ty Tân Trường, phải đảm bảo: (i) không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật QLSDVNNTDN 2014; (ii) thẩm quyền quyết định phù hợp vói khoản 4 Điều 28 Luật QLSDVNNTDN 2014; (iii) phải tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của IMPCO; và các điều kiện khác theo quy định. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của IMPCO theo quy định”, ThS. Nguyễn Thanh Hà cho hay.