“Nhóm đủ điều kiện tiêm chủng vaccine COVID-19 là những người nằm trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn cảm với các hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược được liệt kê trong thành phần vaccine” - TS-BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị tiêm chủng BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết.
Có tiền sử dị ứng thành phần của vaccine thì không nên tiêm
Theo ông Luân, quy định tiêm chủng vaccine COVID-19 còn được phân loại ba nhóm cụ thể: Nhóm trì hoãn tiêm chủng, nhóm thận trọng tiêm chủng và nhóm chống chỉ định tiêm chủng.
“Nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm những người đang mắc các bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù. Ngoài ra còn có những người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ bảy ngày) hoặc điều trị hóa trị, xạ trị, đã mắc COVID-19 trong vòng sáu tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ” - ông Luân nói.
Đối với nhóm thận trọng tiêm chủng, bao gồm những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; mất tri giác, mất năng lực hành vi; trên 65 tuổi; có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
“Chưa hết, người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như M 100 l/phút, HA tối thiểu 90 mmHg, HA tối đa 140 mmHg. nhịp thở >25 lần/phút và/hoặc SpO2
“Liên quan tới nhóm chống chỉ định tiêm chủng, bao gồm những người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất; có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước; có tiền sử dị ứng bất cứ thành phần nào của vaccine” - ông Luân khuyến cáo.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người làm trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Lưu ý các phản ứng sau tiêm lần trước Cần thông báo cho nhân viên y tế các phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 lần trước đó; tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc mắc COVID-19 (nếu có); các vaccine đã tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; đang mang thai hoặc nuôi con bú (nếu là nữ). ThS-BS ĐINH THỊ HẢI YẾN, Trưởng Khoa truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM |
Phản ứng nghiêm trọng rất hiếm xảy ra
“Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, điều đầu tiên người đi tiêm vaccine phòng COVID-19 cần nhớ đó là đeo khẩu trang và ăn uống đầy đủ” - ThS-BS Đinh Thị Hải Yến, Trưởng Khoa truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, lưu ý.
Kế đến, chủ động thông báo cho nhân viên y tế các thông tin sức khỏe cá nhân. Cụ thể: Tình trạng sức khỏe hiện tại (đang bị sốt, mắc bệnh cấp tính…); các bệnh mạn tính mắc phải hoặc đang điều trị; các thuốc, liệu trình điều trị đang hoặc đã sử dụng gần đây; tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào.
Theo dõi sức khỏe bản thân sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng rất quan trọng. “Sau khi tiêm, phải ở lại tại điểm tiêm 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm. Bên cạnh đó, chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng ba tuần sau tiêm tại nhà hoặc nơi làm việc” - bà Yến nói thêm.
“Có vài điều người tiêm vaccine ngừa COVID-19 cần nhớ, một số dấu hiệu thông thường sau tiêm sẽ xảy ra như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Những dấu hiệu nói trên là các phản ứng thông thường, cho thấy cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh COVID-19” - bà Yến cho biết.
Sau tiêm vaccine phòng COVID-19, các phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp. Các dấu hiệu nghiêm trọng bao gồm tê quanh môi và/hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp.
“Dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm. Rơi vào tình trạng trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí” - bà Yến khuyên.
“Thêm một điều cũng đáng quan tâm, không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm. Ngoài ra, không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19” - bà Yến nói.
Bác sĩ và điều dưỡng có mặt tại mỗi điểm tiêm để xử lý tình huống TP.HCM đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Đối với 800.000 liều vaccine được phân bổ lần này,TP.HCM sẽ ưu tiên cho các nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, làm việc tại cơ quan và đơn vị hành chính, giáo viên, trên 65 tuổi, làm việc tại khu công nghiệp và khu chế xuất… TP.HCM dự kiến tổ chức 1.000 điểm tiêm trong cộng đồng và mỗi điểm có thể tiêm cho 200 người trong ngày. Do vậy, số người được tiêm vaccine phòng COVID-19 mỗi ngày có thể lên tới 200.000. Mỗi điểm tiêm được bố trí một bác sĩ, một điều dưỡng cùng cơ số thuốc và trang thiết bị để xử lý trường hợp phản ứng sau tiêm. Mỗi điểm tiêm cũng có đội cấp cứu lưu động để kịp thời chuyển người tiêm vaccine phòng COVID-19 tới bệnh viện khi xảy ra sự cố bất thường. BS-CK2 NGUYỄN HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM |