Không còn taxi, xe buýt, không còn những xe ba gác đẩy bán trái cây rộ mùa, không còn những đoạn đường tấp nập chỉ dừng xe một phút là mua được rau, được thịt... Đường đi thông thoáng nhưng ít xe chạy nhanh.
Ai như cũng giảm ga lướt nhìn bên đường. Những tấm bảng "Bán mang về" im lìm, những tờ giấy "Nhà cho thuê" hiu hắt. Một vòng quanh thành phố, những điểm đang có khá đông người đến là những bếp ăn tự phát nấu cơm từ thiện.
Sài Gòn đành tạm nghỉ, như ai đó nói. Không có cách khác, như lãnh đạo TP nhận định. Chỉ sau hai ngày vượt mốc 1.000 bệnh nhân thì số ca bệnh ở TP.HCM đã lại sắp lập thêm mốc mới. Ngành y tế căng mình chuẩn bị cho tình huống 5.000 ca và rất nhiều người đang trông chờ vào chiến dịch tiêm vắc xin.
Thế thì trong lúc chờ đợi những liều vắc xin phủ hết ngành y tế, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhân viên khu công nghệ, công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp..., những người phía sau chẳng còn cách nào khác, phải tự thu xếp cuộc sống của mình.
"Biết làm sao giờ, mong đợt dịch này qua nhanh. Mình mà cố đi bán, lỡ nhiễm bệnh, thiệt mình mà còn hại người, hại xã hội" - dì Năm thở dài dắt chiếc xe đạp có gắn chiếc tủ bán bánh mì cất vào phòng trọ trong khu cầu Xáng (quận 7, TP.HCM).
Trên xe còn bọc bánh mì chưa bán hết, trong phòng còn chục vỉ trứng gà đã mua không trả lại được. Trong khu nhà trọ này và nhiều khu trọ khác khắp nơi trong TP, còn hàng trăm ngàn người như dì Năm.
Những tiểu thương, tài xế, người lao động nghèo đang thắt ruột lo sắp cuối tháng phải đóng tiền nhà, hũ gạo không biết có còn cho hai tuần nữa, con nhỏ thiếu sữa thiếu bánh... Nhưng không ai kêu than hay phản đối. Ai cũng hiểu: khó khăn này là phải chịu đựng, vì an toàn và lợi ích cộng đồng.
Mấy tuần trước cũng đã khó khăn lắm vì đường phố, công sở đều đã vắng, nhưng dì Năm vẫn còn ra đầu đường bán được hai ba chục ổ bánh mỗi sáng. "Từ nay đành ở nhà thôi - dì lại thở dài rồi nói tiếp - nhưng mà tôi chỉ có một mình thì dễ, mấy đứa nhỏ xóm giềng còn gia đình phải lo...".
"Mấy đứa nhỏ" mà dì nói, sau một buổi xao xác bàn tán đã lại theo nhau đi đâu đó không rõ để tìm cho mình một kế mưu sinh. Trong chỉ thị số 10 "siết chặt, tăng cường phòng chống dịch" của UBND TP có một dòng nhắc đến họ:
"Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời quan tâm chăm lo cho các đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội".
Ngày thường, đó là những người rất mạnh mẽ, đã từ quê nghèo lên TP, lao động kiếm sống, xây dựng tương lai, góp phần mình vào sức sống cuồn cuộn của Sài Gòn.
Hôm nay, giữa cơn dịch bùng phát, họ bỗng buộc phải trở thành người yếu thế không việc làm, không thu nhập. Cộng đồng không quên họ, hàng ngàn suất cơm đang được nấu mỗi ngày giữa TP.
Các tình nguyện viên tỏa đi tìm kiếm họ, trao nhau một bữa ấm lòng. Và hơn lúc nào hết, lúc này lại rất cần đến giải pháp mới của chính quyền để bảo vệ họ và thực hiện lời hứa "Không để ai bị tụt lại phía sau".
TTO - Ngày 18-6, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn gửi Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM để lập danh sách chuẩn bị tiêm vắc xin.
Xem thêm: mth.23455257012601202-eht-uey-iougn-gnouht/nv.ertiout