vĐồng tin tức tài chính 365

Phát triển điện mặt trời - thừa hệ lụy, thiếu kiểm soát

2021-06-21 10:45

Từ chủ trương phát triển điện từ nguồn năng lượng tự nhiên, việc đầu tư điện mặt trời đã giúp mang lại lợi ích kinh tế cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Điện mặt trời mái nhà thời gian qua được ồ ạt triển khai tại nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực Miền trung - Tây Nguyên và một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, do công tác quản lý, cấp phép và giám sát tùy tiện đã khiến điện mặt trời lại trở thành “món đầu tư” trăm hoa đua nở, gây ra những hệ lụy tiêu cực, tác động xấu tới cả môi trường, đời sống kinh tế và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính sách của Nhà nước.

Núp bóng nông trại xanh

Dù đã được đấu nối và bán điện với giá ưu đãi từ tháng 11.2020, nhưng đến nay bên dưới hệ thống điện mặt trời mái nhà tại thôn Ialok, xã IaMnông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn toàn đất trống và chưa có một dấu hiệu nào của mô hình kinh tế trang trại tổng hợp nhưng cam kết ban đầu của nhà đầu tư.

Bà Trần Thị Khánh Mai, Giám đốc Công ty TNHH năng lượng xanh Nhật Gia Thịnh và Công ty TNHH MTV năng lượng xanh Mai Gia Thịnh cho biết, đã đầu tư 2 MWp trên diện tích trang trại tổng hợp.

Trên thực tế, ngoài việc đầu tư hàng rào để triển khai chăn nuôi heo, thả gà, các loại cây ăn trái, cỏ và hiện tại có trồng nấm, bên trên là cả một khoảng khổng lồ các tấm pin điện mặt trời.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trong tổng số 431 công trình điện mặt trời lắp trên mái các công trình nông nghiệp, thì có tới 302 công trình chưa triển khai mô hình kinh tế trang trại.

Ngoài ra, trong số này cũng còn tới 9 công trình chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cạnh Gia Lai, tỉnh Đắk Lắk cũng có hơn 360 đơn vị đăng ký xây dựng trang trại lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2021, có 193 trang trại đã đấu nối với hệ thống điện, số còn lại đã có thỏa thuận đấu nối với Công ty Điện lực Đắk Lắk.

Riêng tại TP.Buôn Ma Thuột, có 4 trại xây dựng chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất trang trại nhưng chỉ chủ yếu tập trung lắp hệ thống pin ĐMTMN. Tuy nhiên, các trang trại này đều thỏa thuận đấu nối điện lưới với PC Đắk Lắk.

Còn tại huyện Cư Kuin, trong số 20 trang trại lắp đặt ĐMTMN (16 trồng trọt, 3 chăn nuôi và 1 hỗn hợp) chỉ có 4 dự án được xác nhận là trang trại, 1 trang trại không đủ tiêu chí, 15 trang trại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện trang trại.

Đáng chú ý, huyện Buôn Đôn có 29 trang trại (21 trang trại trồng trọt, 4 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại hỗn hợp). Trong đó, 8 trang trại đã làm thủ tục xác nhận trang trại, 21 trang trại mới có chủ trương của UBND huyện cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp khác.

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 4 trang trại chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa triển khai trồng trọt, chăn nuôi theo phương án đã được phê duyệt vẫn đang trong giai đoạn thi công (chủ yếu thi công phần ĐMTMN) nhưng đều được đấu nối với điện lực.

Theo Công ty Điện lực Đắk Nông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 312 dự án điện năng lượng mặt trời với công suất 237 MW. Thời gian qua, việc tiết giảm điện năng lượng mặt trời diễn ra đồng đều, nguyên nhân do tình hình tiêu thụ điện cả nước giảm nhiều" - lãnh đạo Công ty Điện lực Đắk Nông chia sẻ.

Đầu tư xong... ế chỏng chơ

“Miếng bánh” điện mặt trời tưởng “ngon ăn”, bỗng dung “đắng ngắt” và “cháy khét lẹt” do không thể lên lưới hoặc liên tục bị tiết giảm công suất khiến người đầu tư “ế hàng” và thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế.

Nhiều chủ dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời ở huyện Đắk Mil, Cư Jút, Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cũng đang như “ngồi trên lửa” bởi mỗi ngày đều bị cắt giảm công suất phát điện lên lưới điện. Thậm chí, có ngày, tỉ lệ cắt giảm công suất lên đến 100%.

Đơn cử như Công ty TNHH Thịnh Đạt (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) đầu tư công trình điện năng lượng mặt trời với công suất 997 kW với nguồn vốn đầu tư khoảng 19 tỉ đồng, nhưng thời gian qua liên tục bị cắt giảm công suất bán điện.

Ông Nguyễn Tăng Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Đạt cho biết, từ tháng 1.2021 đến nay, công ty liên tục thường xuyên bị cắt giảm công suất bán điện. Thậm chí, có những ngày công ty không bán được kW điện nào. "Thời điểm bị cắt giảm công suất thường là lúc trời nắng, hoạt động sản xuất điện mặt trời lý tưởng, hiệu quả nhất". Không bán được điện, công ty không những không thu được tiền nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng cho khoản vay 12 tỉ đồng để đầu tư. Ông Hưng ước tính, mỗi tháng trung bình công ty thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.

Tương tự như Công ty Thịnh Đạt, ông Lê Ngọc Anh, ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút có 2 dự án điện năng lượng mặt trời với công suất gần 2.000 kW cũng liên tục bị cắt giảm công suất.

Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có công suất 450 MW của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã được yêu cầu giảm phát hơn 360 MW (khoảng 80% công suất thiết kế).

Theo doanh nghiệp này, đây không phải là lần đầu, bởi từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án này thường xuyên bị cắt giảm công suất phát.

Ông Nguyễn Hoàng Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư điện mặt trời (Solarcom) cho hay, với những ngày bị cắt giảm 50% công suất, Solarcom thiệt hại 200-250 triệu đồng, nhưng do nhu cầu tiêu thụ thấp nên việc cắt giảm là khó tránh khỏi.

Dùng không hết phải trả tiền

Theo phản ánh của nhiều hộ dân dùng điện mặt trời mái nhà (tự bắt bằng côngtơ một chiều) sau thời điểm ngày 31.12.2020 - thời điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạm ngừng mua điện mặt trời mái nhà.

Hiện điện mặt trời của họ không những không bán được mà khi dư thừa do vượt công suất, điện mặt trời sẽ nhảy ngược trở lại hệ thống điện lưới và họ phải trả tiền cho số điện dư thừa này.

Lý giải điều này, ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho biết: Tình trạng này xảy ra đối với những khách hàng không thông báo với Điện lực nhưng tự lắp điện năng lượng mặt trời, đấu nối hoà vào lưới Điện lực bằng công tơ một chiều. Điều này dẫn đến, khi công suất điện mặt trời sinh ra lớn hơn công suất tiêu thụ của khách hàng thì sẽ có lượng điện phát ngược lên lưới Điện lực, có khả năng gây quá tải lưới điện trong khu vực và mất an toàn vận hành lưới điện. Đồng thời làm cho côngtơ điện ghi nhận sản lượng điện phát ngược theo chiều xuôi, do côngtơ đo đếm điện hiện hữu của khách hàng là loại côngtơ một chiều xuôi.

Theo ông Nguyễn Trung Hướng, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật năng lượng môi trường Bảo Gia Khang (Gikasun) - doanh nghiệp chuyên lắp điện mặt trời mái nhà tại thành phố Đà Nẵng, các hộ dân làm điện mặt trời sau thời điểm 31.12.2020 đã không lắp được côngtơ 2 chiều của Điện lực, dẫn đến rất khó khăn trong việc ghi nhận chỉ số sử dụng điện. Khi điện năng lượng mặt trời thừa đẩy ra lưới, với côngtơ 1 chiều hiện nay (côngtơ chống trộm), các chỉ số này sẽ bị cộng dồn vào, tức là vẫn được ghi nhận là đang sử dụng điện lưới vào thời điểm đó.

Lúng túng xử lý

Với hàng loạt những tồn tại như vừa nêu, người đầu tư điện mặt trời dù với quy mô nào cũng đang trong tình trạng “đi mắc núi trở mắc sông”.

Giải pháp nào để người dân muốn lắp điện mặt trời sau thời điểm 31.12.2020 không còn bị tình trạng thừa điện đẩy ra lưới nhưng đẩy ra bao nhiêu thì phải trả tiền bấy nhiêu như hiện nay?

Ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng trả lời: "Việc này còn liên quan đến tình trạng mạng tải lưới điện khu vực, các điều kiện về an toàn vận hành, nên tùy từng trường hợp cụ thể, Điện lực mới có thể tư vấn, hỗ trợ...".

Theo ông Nguyễn Trung Hướng, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật năng lượng môi trường Bảo Gia Khang, giải pháp cho tình trạng này là các đơn vị lắp đặt điện năng lượng mặt trời nên tư vấn cho khách lắp đặt một thiết bị chặn lại không cho lên lưới khi điện năng lượng mặt trời sản xuất ra lớn hơn nhu cầu tiêu thụ của tải hiện hữu. Giải pháp nữa cho những hộ dân có điều kiện là lắp một hệ lưu trữ, khi điện năng lượng mặt trời sản xuất ra nhưng chúng ta không xài thì sẽ tự động nạp vào hệ lưu trữ kiểu như bình ắc quy. Tuy nhiên giải pháp này có nhược điểm là chi phí cao, tính hiệu quả không nhiều.

Với sự phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời ở địa phương, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai thì cho rằng, do trước khi ban hành các văn bản về hệ thống điện mặt trời mái nhà, dự thảo văn bản không triển khai việc lấy ý kiến địa phương, các nội dung văn bản đã thoát ly vai trò của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (Sở Công Thương và UBND cấp huyện) do đó, địa phương lúng túng trong khâu quản lý.

Theo Công ty Điện lực Gia Lai, về chức năng và thẩm quyền thì Công ty điện chỉ kiểm tra yêu các cầu kỹ thuật còn việc kiểm tra chấp hành các quy định về xây dựng, đất đai, phát triển nông nghiệp… đúng với đăng ký hay không là trách nhiệm của nhà đầu tư dưới sự kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng và bị yêu cầu xử lý thì Công ty điện Gia Lai sẽ tạm dừng mua bán điện theo yêu cầu.

Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - cho biết: Qua kiểm tra hơn 400 hệ thống điện mặt trời trang trại chỉ có 1/3 hệ thống thực hiện được tiêu chí trang trại. Do đó, nhiều nhà đầu tư mong muốn được gia hạn thêm thời gian để hoàn thành tiêu chí trang trại. Còn đối với những trường hợp chưa đảm bảo việc sử dụng đất, đơn vị đang kiến nghị UBND tỉnh phải sử lý để trả lại nguyên trạng ban đầu.

Tại Đắk Lắk, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh này nhận định rằng, trước thực trạng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chưa tuân thủ các quy định kinh tế trang trại, sử dụng đất… đối với các dự án có lắp đặt ĐMTMN, đơn vị đã có rất nhiều buổi làm việc với Sở NNPTNT để thảo luận phương án phối hợp xử lý. Ngành nông nghiệp tỉnh vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, chế tài xử lý ra làm sao với các trường hợp vi phạm... nên chưa thể giải quyết dứt điểm.

Không thống kê hết được số hộ dân lắp điện mặt trời sau thời điểm 31.12.2020

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Trung, từ năm 2019, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khách hàng, cộng thêm cơ chế khuyến khích điện mặt trời của Chính phủ tại QĐ 11/2017/QĐ-TTg và Thông tư 05/2019/TT-BCT.

Đến ngày 6.4.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2000/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến thời điểm này, trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên có 25.029 khách hàng đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Đây là những khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà được Điện lực tiếp nhận yêu cầu, lắp đặt côngtơ 2 chiều (thay thế công tơ 1 chiều), ghi nhận sản lượng điện phát ngược lên lưới điện và thanh toán tiền mua điện mặt trời theo đúng quy định.

Tuy nhiên, Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, họ không thống kế được số hộ dân ở miền Trung tự bắt điện mặt trời sau thời điểm 31.12.2020 - thời điểm EVN tạm dừng mua bán điện mặt trời theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm: odl.145229-taos-meik-ueiht-yul-eh-auht-iort-tam-neid-neirt-tahp/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phát triển điện mặt trời - thừa hệ lụy, thiếu kiểm soát”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools