UBND tỉnh Thái Nguyên vừa quyết định phê duyệt chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay đến 2030, Thái Nguyên cần gần 122.00 tỷ đồng và khoảng 16.000ha đất để phát triển các loại hình nhà ở.
TĂNG TỶ TRỌNG NHÀ Ở CHUNG CƯ
Quan điểm chung của tỉnh là phát triển đa dạng các loại hình nhà ở gắn liền với phát triển đô thị, đảm bảo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, chú trọng kết nối liên kết vùng, nhằm tăng cường thu hút đầu tư; Tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, nhà cho thuê trong tổng số nguồn cung nhà ở mới hàng năm; Xây dựng các dự án nhà ở, khu đô thị chất lượng cao tại các địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhằm tạo động lực phát triển, kết nối giữa khu vực trung tâm và các vùng lân cận.
Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng và phát triển nhà ở tại khu vực đô thị, các khu công nghiệp, các vùng sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp hàng hoá chủ lực và các khu chức năng gắn với việc phát triển nông thôn mới.
Trên cơ sở này và tuỳ theo đặc trưng của từng địa phương, UBND tỉnh đã định hưỡng rõ từng khu vực cụ thể sẽ phát triển mô hình nhà ở ra sao cho phù hợp. Cụ thể, khu vực thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình sẽ trở thành vùng đô thị hoá, công nghiệp và dịch vụ. Tại đây sẽ phát triển nhà ở, nâng cấp cải tạo các khu nhà hiện có kết hợp với chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc, tiết kiệm năng lượng….
Các khu vực đô thị, dự án nhà ở sẽ được xây bám dọc theo tuyến đường giao thông quan trọng (hình thành trong giai đoạn 2021 – 2030) và sẽ phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh nguồn cung chung cư. Đặc biệt, tại khu vực này sẽ hạn chế phân lô bán nền tại các dự án.
Với các huyện Phú Lương, Định Hoá, Đại Từ thì được quy hoạch để trở thành vùng công nghiệp (chế biến chè, khai khoáng…), dịch vụ du lịch và nông nghiệp. Do đó, định hướng phát triển nhà ở nơi đây sẽ theo mô hình khu dân cư đô thị tập trung, tránh tình trạng nhà ở và không gian đô thị chỉ bán dọc theo các trục giao thông, đặc biệt là tỉnh lộ, huyện lộ; Phát triển nhà ở theo hướng giữ mật độ xây dựng thấp, tạo môi trường và cảnh quan trong khu vực; Phát triển nhà ở thương mại, nghỉ dưỡng gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực án toàn khu Việt Bắc, khu di tích hướng tới phong cách kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, với sản xuất nông nghiệp.
Còn tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, sẽ phát triển nhà ở khu vực đô thị theo mô hình khu đô thị tập trung, tránh tình trạng nhà ở và không gian đô thị chỉ phát triển bán dọc các trục giao thông; Phát triển nhà ở theo hướng giữ mật độ xây dựng thấp; Quy hoạch phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân, người lao động làm việc tại các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản, người lao động làm việc trên địa bàn trong giai đoạn tới.
SẼ RÀ SOÁT, SẮP XẾP, BỐ TRÍ LẠI QUỸ NHÀ, ĐẤT
Chương trình nhà ở của Thái Nguyên cũng đề ra mục tiêu: phấn đấu đến 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 29,5m2 sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị là 35 m2 sàn/người, khu vực nông thôn là 25,8 m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm 6.562.256m2, tương ứng với tổng số căn hộ hoàn thành là 51.495 căn. Nguồn vốn để phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 là 46.605 tỷ đồng, bao gồm: vốn doanh nghiệp là 20.163 tỷ đồng; vốn của người dân là 26.442 tỷ đồng. Nhu cầu diện tích đất là 7.426,2ha, trong đó quỹ đất dành cho nhà ở thương mại là 6.266,2ha.
Đến 2030, diện tích nhà ở bình quân đạt 34,3m2 sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm là 8.788.743m2, tương đương 18.566 căn. Nhu cầu vốn là 75.343 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp 18.350 tỷ đồng; vốn người dân 56.993 tỷ đồng); nhu cầu diện tích đất là 8.386,5ha. Riêng diện tích đất dành cho phát triển nhà ở thương mại chiếm 7.009,2ha.
Lãnh đạo Thái Nguyên cho biết, sẽ đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để các cấp, các ngành chỉ đạo điều hành đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của địa phương; Tổ chức thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất không phù hợp với quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đối với một số địa phương có nhu cầu nhà ở tăng mạnh như Thành phố Thái Nguyên, Sông Công, thị xã Phổ Yên sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tăng diện tích đất ở để phù hợp với nhu cầu xây dựng nhà trong các khu đô thị, các điểm dân cư đã được phê duyệt.
Xây dựng, rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị thuộc các khu vực đô thị từ loại III trở lên hoặc các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp để phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Xác định rõ vị trí ưu tiên sử dụng quỹ đất sạch do địa phương đang quản lý để thực hiện các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách.
Đồng thời tập trung khai thác có hiệu quả nguồn lực về đất đai để huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở; Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa hình để quy hoạch phát triển nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới với các loại hình nhà ở phù hợp; Kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với khai thác tiềm năng đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi, vừa tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, vừa đầu tư xây dựng được hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tại khu vực.
Tỉnh cũng sẽ quy định cụ thể những khu vực đô thị nông thôn được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt…
Phan Nam
VnEconomy
Xem thêm: nhc.72853336112601202-iht-od-cuv-uhk-iat-nen-nab-ol-nahp-ehc-nah-neyugn-iaht/nv.zibefac