Tại tập 8 của Shark Tank Việt Nam mùa 4, dù thất bại trong việc gọi vốn nhưng Luminus Smoothies lại là dự án khiến dư luận xôn xao, bàn tán nhiều nhất. Trên Fanpage chính thức của Shark Tank Việt Nam, bài đăng về Luminus Smoothies cũng thu hút lượng tương tác vượt trội. Đáng nói là, hầu hết các bình luận đều bày tỏ thái độ khó chịu với sự ngây ngô, thiếu hiểu biết và mù mờ về mô hình kinh doanh cũng như quy trình gọi vốn của nữ founder. Không chỉ vậy, các “cá mập” cũng thể hiện sự "bất lực" trong suốt thời gian của founder Ngọc Nguyễn.
Điều gì khiến Luminus nhận nhiều phản hồi tiêu cực như vậy?
Đứng trước các shark, founder kiêm CEO Ngọc Nguyễn giới thiệu thương hiệu đồ uống của mình là “100% trái cây tự nhiên, không dùng thêm chất bảo quản và đường sữa, giữ được độ ngọt tự nhiên của trái cây”.
CEO Ngọc Nguyễn muốn kêu gọi đến 4,5 tỷ đồng cho 20% cổ phần, tương ứng mức định giá 22,5 tỷ đồng.
Chưa cần trình bày quá nhiều, nữ founder của Luminus sớm nhận về vô vàn câu hỏi chất vấn từ các Shark như năng suất lao động, khả năng quản trị khi nhân rộng, sản phẩm không có điểm khác biệt, mô hình kinh doanh không rõ ràng, dễ sao chép,...
Shark Liên cho rằng sản phẩm không có gì đặc biệt, vẫn chỉ ép nước trái cây bằng máy ép thủ công, cửa hàng thông thường nào cũng có, thậm chí gia đình cũng làm được. Chưa nói đến nguồn gốc xuất xứ và tính đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các loại trái cây. Vị shark nữ nhanh chóng quyết định không đầu tư.
Shark Phú nhận định: “Đây là mô hình kinh doanh, chính vì thế mà anh quan tâm đến năng suất lao động của nó và tính quy mô. Nếu chúng ta cứ làm theo kiểu truyền thông như vậy thì thứ nhất là duy trì ổn định chất lượng sẽ rất khó, để quản lý khi nhận rộng là cả một vấn đề".
Trong khi đó, công thức theo tỷ lệ riêng theo cách nói của nữ CEO, cũng bị Shark Hưng cho là “không có gì đặc biệt, search trên mạng cũng có”, “bạn tối ưu hóa công dụng một cái, ngày mai có trên mạng luôn”.
Bị "cá mập" chất vấn có lẽ cũng là chuyện dễ hiểu nhưng đáng nói là nữ founder tỏ ra ấp úng trước những lời nhận xét của “cá mập”, trả lời mù mờ, vòng vo không đúng trọng tâm vấn đề.
- Shark Phú: Ví dụ trưởng quầy của em, em mở thêm cửa hàng thứ 100 ở tận đâu đó, họ tự mua hoa quả vào, họ tự bán, tự thu tiền thì làm sao em biết?
- CEO Nguyễn Ngọc: Ờ… cái đó thì đương nhiên mình phải có người quản lý rồi.
- Shark Phú: Chính người quản lý làm việc đấy thì sao em biết?
- CEO Nguyễn Ngọc: Hiện tại em muốn mở trong Tp. HCM để dễ kiểm soát.
- Shark Phú: Thì đấy là anh nói câu chuyện nếu mở rộng ra là em sẽ khó khăn.
...
- Shark Hưng: Bây giờ cuộc đời nói chuyện với nhau bằng kết quả, em bảo tự tin nhân rộng, thế thì 4 năm rồi, trước mùa dịch kinh doanh thế nào?
- CEO Nguyễn Ngọc: Từ năm ngoái đến giờ kinh doanh… tốt ạ.
- Shark Hưng: Tốt là bao nhiêu?
- CEO Nguyễn Ngọc: Tăng trưởng từ 12% lên 15%.
- Shark Hưng: Tức là tăng trưởng doanh thu từ 100.000 doanh thu lên 115.000 đồng doanh thu đúng không?
- CEO Nguyễn Ngọc: Dạ.
- Shark Hưng hỏi lại: Dạ là đúng không?
Thậm chí bị cô bị Shark Bình nhận xét là “chưa thẩm được câu hỏi”, chưa hiểu về vấn đề vĩ mô mà các “cá mập” đang nói. Do đó, hội đồng thẩm định đầu tư khuyên nữ CEO không nên nhân rộng mà tiếp tục kinh doanh như hiện tại.
Dù 2 lần cố gắng “kì kèo” để thêm thời gian chia sẻ nhưng với cách thể hiện mù mờ, ậm ừ, founder Luminus vẫn nhận về cái lắc đầu tư tất cả “cá mập”. Trong những phút cuối, người xem còn có thể nhận thấy rõ sự ngơ ngác từ phía founder, bên cạnh đó là thái độ có phần khó chịu, mệt mỏi của hội đồng thẩm định đầu tư, thậm chí Shark Hưng đã đứng dậy "đuổi khéo" và không muốn nói thêm nữa.
Nhưng tại sao startup quá "non xanh" như vậy vẫn được lên sóng Shark Tank Việt Nam?
Trong số các bình luận của khán giả về màn gọi vốn của startup Luminus, không ít người đồng tình với Shark Phú rằng nữ CEO đang làm mất thời gian của các Shark, của chính mình và của chương trình.
Thực tế, các yêu cầu trong quá trình tuyển chọn startup lên sóng Shark Tank Việt Nam - theo như ban tổ chức, cũng không hề đơn giản. Ngay trong bản đăng ký, startup đã phải trả lời một loạt câu hỏi về số lượng nhân sự, gọi vốn bao nhiêu, tiền đầu tư sử dụng vào công việc gì, các chỉ số tài chính về doanh thu, lợi nhuận cùng một bản trình bày ngắn gọn (Pitch Deck).
Chưa kể, sau khi qua vòng đăng ký đầu tiên, ở vòng Audition, các startup phải đối diện với một hội đồng thẩm định dày dạn kinh nghiệm. Được biết, vòng tuyển chọn Shark Tank Việt Nam mùa 4 quy tụ những chuyên gia, doanh nhân có tiếng trong nhiều lĩnh vực như ông Lâm Minh Chánh, Trần Bằng Việt, Nguyễn Tuấn Việt,... Tại đây, các startup sẽ tiếp tục phải trả lời một loạt câu hỏi liên quan đến sản phẩm, mô hình kinh doanh, khả năng cạnh tranh,...
Với quy trình tuyển chọn khắt khe như vậy, tại sao một startup không có gì nổi bật, mô hình kinh doanh không rõ ràng, khả năng mở rộng và cạnh tranh thấp như Luminus vẫn có thể vượt qua vòng “gửi xe” để có mặt trên sóng Shark Tank Việt Nam? Chưa kể, chương trình đã qua đến mùa thứ 4, chẳng phải kinh nghiệm đã đủ dày dạn để quyết định trao cơ hội gặp “cá mập” cho một startup nào thực sự xứng đáng và tiềm năng?
Trong khi đó, một vài ý kiến của khán giả cho rằng Luminus có thể chỉ là “chiêu trò” của ban tổ chức Shark Tank “duyệt” nhằm… câu view, tăng tương tác và thu hút người xem.
- “Case này lên để tăng tương tác chắc luôn”.
- “Các shark khá là khó chịu”.
- “Mùa 4 rồi mà, vẫn còn những startup như thế này”.
- “Mình không hiểu tại sao chị này lại qua được vòng loại và được lên sóng nữa?”
Hoàng Thùy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị