Bây giờ thì Sơn đang ngồi đây, trên chiếc xe lăn bên thềm nhà trông ra sông Ân trước mặt. Bên kia sông Ân là cánh đồng Diệc Mạ đã cày ải nghỉ ngơi sau vụ mùa mệt nhọc, còn sót lại vài đụn rạ mặt ruộng nhà ai chờ khô chưa kịp đốt, trẻ trâu nghịch ngợm châm lửa nướng khoai, khói chùng chình bay lên trong hoàng hôn tối sẫm.
Sông tháng chạp cạn nước, phù sa màu mỡ đôi bờ, người ta tận dụng những doi đất nhô lên, đợi mưa phùn xuống để gieo một vạt mùi, cuối năm ngày hẹp dồn dập nối nhau mà quên mất, cây mùi đã vội lớn lên, già đi và nở hoa trắng xóa.
Nhìn những cây mùi già, Sơn chợt nhớ về những ngày tết cũ. Mỗi cây mùi già là một ngày tết cũ. Những cây mùi già ở trước mặt Sơn nhưng những ngày tết cũ đã ở sau lưng Sơn, bỗng thơm lên nức nở và nhức nhối. Hai đầu gối Sơn đau nhói và đôi mắt cay xè. Sơn nhớ quá những ngày tết cũ của thời thơ bé xa lơ, xa lắc, khi đó bà nội Sơn hãy còn.
Những ngày giáp tết, Sơn lại theo bà ra bờ sông Ân thu hoạch cây mùi già để kịp bán chợ phiên cuối năm. Bà tất tưởi đội cái thúng lau. Sơn lũn cũn đi sau. Ruộng mùi của bà kia rồi. Hoa mùi trắng xóa như mây từ trên trời cao sà xuống thấp với những chùm quả li ti như mắt trẻ trốn trong kẽ lá như làn mi cong vút. Hương mùi bay trong gió. Gió lùa hương mùi vào tóc Sơn. Gió ủ hương mùi vào nếp áo bà. Gió thơm, nắng thơm, cánh đồng thơm, dòng sông cũng thơm. Sơn thấy tâm hồn nhẹ nhõm bay lên cùng gió thoang thoảng trong không gian ngan ngát.
Cây mùi được gieo thành từng luống trên đất mềm nên tay bà dù yếu cũng nhổ được dễ dàng. Sơn nhổ giúp bà, nhưng vì Sơn thấp quá nên thân hình nhỏ bé lẫn vào những luống mùi già, chỉ còn nghe thấy tiếng nói, tiếng cười. Bà đội những cây mùi già như đội mây về làng.
Cây mùi thu hoạch về được bà rũ sạch đất, nhặt bỏ cỏ, loại ra những cây héo úa, buộc thành từng bó nhỏ treo dưới mái hiên, nhờ gió bấc hanh hao mà khô dần và lên hương để bán ở chợ phiên cuối năm. Số tiền dành dụm được bà dùng để sắm sửa vàng hương, trầu cau, măng miến, mứt chè. Đồng tiền mừng tuổi nồng nàn mùi bùn đất, bánh pháo tép đì đẹt nổ, cái áo diềm bâu, cái quần chúc bâu sột soạt chưa phai hồ của Sơn đều góp nhặt từ những cây mùi của bà. Hương mùi trên tay bà thơm cả giấc mơ Sơn lam lũ.
Khi cây giò lụa nghi ngút khói được vớt ra, và nồi bánh chưng vẫn đang lục bục sôi ở bếp kiềng góc sân, thì bà đã đem cái nồi mười ra cầu ao dùng xơ mướp để cọ rửa, và lấy những bó mùi già đã khô trên mái hiên xuống cuộn lại cho vào nồi cùng với những gáo nước mưa tinh khiết. Bà đặt cái nồi lên bếp củi cạnh nồi bánh chưng, thổi cho lửa to lên để nước chóng sôi.
Hương mùi qua kẽ vung nhón gót khẽ khàng từ sân đi lên nhà, ra ngoài ngõ, và tràn khắp mặt ao, đường làng thứ mùi hương của đoàn viên, sum họp, của cội nguồn, xứ sở mà khi đó Sơn chưa thể gọi tên, chỉ sau này khi đi xa Sơn mới thấy đó là mùi hương của ký ức và hoài niệm gọi Sơn trở về với đồng đất, quê nhà, nơi đó có mẹ, có bà suốt đời vào ra, đợi chờ và trông ngóng.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi |
Chẳng biết đã mấy ngày không chạm nước, Sơn ngồi ở thềm nhà nắng mới, trời đã hửng nhưng vẫn còn rét lắm. Sơn gãi cẳng chân, cẳng tay mốc thếch thành từng đường, ghét bám vào mười đầu ngón tay cáu bẩn, co ro lo trận tắm. Bà mở vung nồi nước cây mùi, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, Sơn cởi quần áo bỗng nhiên ấm áp và tỉnh cả người. Rét mướt và run rẩy đều dừng lại sau cánh cửa. Hương mùi ngan ngát thơm nắng ngoài sân. Hương mùi thoang thoảng thơm gió ngang vườn.
Bà bảo Sơn cúi xuống, bà múc từng gáo nước nhỏ tưới lên gội đầu, bà bảo Sơn ngẩng lên rửa mặt, rồi bà múc từng gáo nước nhỏ giội lên người để tắm. Tất cả lấm lem, bụi bặm được kì cọ, rửa trôi theo làn nước cây mùi nâu đặc, sóng sánh. Sơn tắm xong, mái tóc bỗng dưng xanh mướt như cỏ non, khuôn mặt hồng rực như hoa đào và làn da trở nên trắng ngần như đánh phấn.
*
Sơn vẫn nhớ hôm lên đường nhập ngũ. Đó là một sớm mai cuối tháng ba ngoài sân đình đầy hoa xoan, mưa phùn và gió bấc. Khi ấy, Sơn vừa tròn mười tám tuổi, học xong cấp ba trường huyện và thi trượt đại học thì có giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Ông nội và bố Sơn là những người lính. Sơn không thể yếu hèn ngồi ở nhà để nhìn những người bạn cùng trang lứa nô nức tòng quân.
Sơn chưa có người yêu, bà tiễn Sơn lên đường. Sơn mặc bộ quân phục màu xanh lá, vai đeo ba lô, người thẳng mạnh cạnh bà nội vận áo cánh nâu, quần sa tanh đen, lưng đã hơi còng, tay cầm một đùm xôi nếp bọc trong mo cau. Bà đã dậy từ khi gà gáy canh ba để thổi xôi cho Sơn cầm theo ăn đường vì sợ Sơn đói. Sơn thương bà quá.
Tiếng người trên loa phát thanh giục các tân binh chuẩn bị lên xe. Bà trao đùm xôi vào tay Sơn, khẽ bảo “Con đi chân cứng đá mềm... ”, vừa lúc bà móc từ trong túi áo ra một gói nhỏ khâu bằng vải sồi, hình như được khâu từ vải yếm cũ của bà, rồi dúi vào tay Sơn. Một làn hương quen mến không giấu được, len qua khe vải mềm mại, tỏa ra nồng ấm cả sớm mai rét mướt, đến nỗi Sơn không nhìn thấy vẫn dễ dàng nhận ra, đó là làn hương của cây mùi già. Cầm làn hương ấy, Sơn đi.
*
Sơn quen Thúy trong một đêm giao lưu văn nghệ giữa Đoàn cơ sở Lữ đoàn và Đoàn trường Trung cấp. Đơn vị Sơn đóng quân ở phường Thị Cầu gần trường Thúy học. Thúy đang học năm thứ nhất ngành dân ca quan họ, nhà ở thị trấn Lim thơ mộng bên bờ sông Tiêu Tương đã đi vào huyền thoại, gợi nhớ mối tình đầy trắc trở nhưng cũng nhiều cay đắng của chàng Trương Chi với nàng Mị Nương.
Thúy thừa hưởng vẻ đẹp mỏng mày hay hạt và giọng hát lúng liếng lóng lánh của bà nội, trước kia bà là liền chị quan họ nức tiếng một vùng Nội Duệ, Cầu Lim. Bọn quan họ nữ làng bà kết chạ với bọn quan họ nam làng Lũng Giang theo lối chơi “âm dương tương cấu” từ thuở sông Cầu bé bằng sợi chỉ, núi Thiên Thai nhỏ bằng phẩm oản đường.
Lễ nghĩa cao hơn núi, sâu hơn sông gửi vào lời ca “thổ tận can tràng” như con tằm rút ruột nhả tơ, trong những đêm giao duyên thâu đêm suốt sáng. Giọng hát thơm như bông huê nhài, ngọt như mía Lam Điền và nhan sắc đổ miếu Tiêu xiêu đền Ó của bà đã bỏ bùa mê một liền anh quan họ làng kết chạ, đến nỗi liền anh sầu về một tiết tháng tư, con mắt lư đừ cơm chẳng buồn ăn, dù đôi ta như thể đào nguyên thì người ngoan cũng không thể bước qua lời nguyền mà nên duyên chồng vợ, để cái tình quan họ cứ suốt đời day dứt khôn nguôi.
Ôi cái thời má hồng răng đen bà giấu sau vành nón quai thao để sang đò làm dâu nhà người vào một chiều cả gió. Và thanh sắc ấy bà nhường lại cho Thúy. Cổ tay Thúy trắng như ngà. Con mắt Thúy liếc như là dao cau. Miệng cười như thể hoa ngâu. Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Sơn muốn nắm cổ tay Thúy mà hỏi một câu. Sơn muốn là một miếng cau non tiện chũm lòng đào. Sơn muốn là heo may đầu thu. Sơn muốn là mưa rào cuối hạ. Còn giọng hát của Thúy thì vang, rền, nền, nảy. Vang như chuông đánh hôm rằm. Rền như xôi nếp dẻo đằm trên tay. Nền như yếm thắm mới may. Nảy như lộc biếc trong ngày mưa giêng.
Giọng hát Thúy là bèo dạt mây trôi, là hoa thơm bướm lượn, là con nhện giăng mùng, là nguyệt gác mái đình quyện với cung đàn tiếng tơ, tiếng trúc lúc bổng trầm, khoan nhặt, khi năn nỉ, thiết tha, cho cây đa thương quán dốc, cho chim loan phượng nhớ núi Thiên Thai, cho con gái phải lòng con trai, cho con trai tương tư con gái mà hóa Trương Chi, mà thành Mị Nương cứ trăm năm mất nhau, cứ nghìn năm tìm nhau trong những thiên tình sử ướt đầm nước mắt.
Sơn nắm tay Thúy trảy hội Lim vào mười ba tháng giêng. Tay Thúy nõn nà nằm yên trong tay Sơn nóng bỏng. Bốn con mắt soi vào trong nhau thẹn thùng, tình tứ. Sơn mặc áo the đen, quần diềm bâu, đầu đội khăn xếp, tay khoác ô lục soạn, chân đi guốc mộc, bên Thúy mặc yếm thắm, váy sồi thâm, áo cánh lụa mỡ gà, áo mớ ba hồ thủy, áo tứ thân nâu non, thắt lưng hoa lý, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm nón quai thao, chân xỏ hài cong.
Máu đang chảy rần rật, tim đang đập thình thịch sau làn áo mỏng của hai đứa yêu nhau, mặc kệ người chơi đông nghìn nghịt, mặc kệ cây đu chao chấp chới, mặc kệ gió bấc thổi lung lay, mặc kệ mưa phùn bay phơi phới, mặc kệ ai khấn vái lầm rầm, mặc kệ hương trầm thơm ngan ngát, mặc kệ câu hát say liêng biêng, mặc kệ trống chiêng đang giục giã, mặc kệ miếu đền nằm nghiêng ngả.
Sơn và Thúy thấy người nhẹ bẫng như mây bay lên trên những người, những đu, trên gió bấc, mưa phùn, trên khấn vái, hương trầm, trên miếu đền, trống chiêng và trăm nghìn câu quan họ. Hai tà áo the của Sơn là đôi vạt mây nõn và những mớ ba, mớ bảy của Thúy là dải cầu vồng bảy sắc bồng bềnh, phấp phới tự tình với gió xuân hây hẩy. Dưới chân Sơn và Thúy, người chơi hội li ti như đàn kiến đen, kiến lửa.
Thúy sợ hãi nhắm mắt lại. Sơn bảo, em nắm chặt tay anh đừng bao giờ rời nhé, anh sẽ đưa em đi khắp vùng Kinh Bắc, đi về quê anh bên sông Ân và đi cùng trời cuối đất hết cuộc đời này. Thúy mỉm cười khẽ gật đầu. Chúng mình sắp bay qua sông Đuống, sông Cầu, em mở mắt ra ngắm đi. Sông Cầu quê em như dải yếm thắm, và sông Đuống như thắt lưng xanh của chị Hai, chị Ba quan họ, còn cặp lược ngà kia là cầu Hồ và cầu Như Nguyệt đấy.
Anh đúng là nhà thơ có khác, khéo ví von ghê. Lạ quá, mùa này nước sông Cầu thì đỏ, nhưng nước sông Đuống lại xanh anh nhỉ. À, những người thợ nhuộm Đồng Tỉnh, Huê Cầu họ giặt áo vừa nhuộm dưới sông từ thuở trước nên phẩm màu loang ra đến tận bây giờ em ạ. Thật hả anh, Thúy mở to mắt, rồi cười thành tiếng, tiếng cười trong trẻo vỡ ra dưới hàm răng trắng đều, hay là anh đùa em đấy, Thúy buông tay, úp mặt đấm thùm thụp giả vờ mấy cái vào lưng Sơn.
Ấy, kẻo ngã đó em, xa xa kia là núi Thiên Thai nhé. Theo tay Sơn chỉ, Thúy nhìn thấy trái núi nhọn hoắt bằng phẩm oản đường đặt giữa cánh đồng hai xã Song Giang, Đông Cứu tròn xoe như cái mâm gỗ. Anh ơi, anh có nghe thấy tiếng hát quan họ không. Có em à, anh nghe thấy gần và rõ lắm, ai hát mà hay thế không biết. Bà nội em hát đấy, làn điệu Đêm qua nhớ bạn, nón quai thao trăng rằm đang trôi trên ngón tay ngà của Thúy. Ừ, da diết và khắc khoải quá.
Nhưng bà nội em đã mất hơn mười năm, sao hôm nay em lại nghe thấy bà hát, Thúy bỗng kinh ngạc đến tột độ và pha chút sợ hãi. Đó là tiếng hát vọng về từ quá khứ, bà vẫn sống mãi trong ký ức của em, không bao giờ mất đi, cô bé ạ, Sơn khẽ bẹo má Thúy. Cả hai cùng im lặng để lắng nghe tiếng hát đang dâng lên bất tận, vô cùng. Những câu quan họ mềm như gió xõa, mượt như tóc bà nội vừa gội bồ kết.
Sơn và Thúy bay qua đền Đô, sang đền Bà Chúa Kho, về chùa Phật Tích, đến chùa Bút Tháp... như những tò he xanh đỏ nặn bằng bột nếp cái hoa vàng trên tiếng chuông hỷ xả, trên tiếng mõ từ bi, trên những lời kinh, câu kệ tháng giêng nở ra một mùa xuân tinh tấn, an lạc. Ôi, màu gì sáng bừng thế anh, Thúy reo lên mừng rỡ. Màu tranh Đông Hồ vẽ trên giấy điệp, người ta phơi trên đê đấy, Sơn hồ hởi đáp. Còn kia là bãi Trầm Chỉ, người ta đang giăng tơ em trông thấy không, anh sẽ mua tấm lụa đào để em may áo mặc trong ngày mình cưới, Sơn quay sang nhìn Thúy âu yếm, tay nắm chặt hơn.
Thúy cúi xuống chỉ thấy một vùng xanh xanh mía dâu, ngô khoai biêng biếc. Người ta làm gì mà ồn ào, đông đúc thế anh, Thúy lại hỏi. Thúy sinh ra ở miền Kinh Bắc, nhưng vốn văn hóa, phong tục chưa thể bằng Sơn. Đây là chợ Hồ, còn kia là chợ Sủi nhé, người ta họp chợ mà, Sơn cao hứng đọc luôn mấy câu ca dao “Chợ Hồ một tháng sáu phiên/ Gặp cô hàng xén kết duyên Châu Trần”. Em có nhớ cô hàng xén răng đen, khuôn mặt búp sen, cười như mùa thu tỏa nắng không. Sao anh giỏi thế, cái gì anh cũng biết vậy, Thúy giọng khâm phục. Anh đọc trong bài thơ Bên kia sông Đuống của thi sĩ Hoàng Cầm, Sơn tủm tỉm tiết lộ.
Anh sẽ đưa em đi phiên chợ Hồ mùng ba ăn bánh đúc riêu cua, phiên chợ Sủi mùng bảy ăn bánh đa yên ngựa, em có thích không. Thúy nép sát vào Sơn không nói. Lúc gần nhau Sơn cảm tưởng mái tóc Thúy thoang thoảng như ủ hương mùi già tháng chạp. Những hình ảnh về Thúy trong trí nhớ của Sơn là đám mây ngang qua khoảng trời bị cơn gió thổi cho loãng đi, tan đi. Đầu óc Sơn trở nên thanh sạch, nguyên sơ như tuổi nhỏ.
*
Sơn bỗng nhớ Vân, cô bé hàng xóm vẫn chơi đùa với Sơn ngày trước. Nhà Vân cách nhà Sơn một cái giậu mồng tơi tía lá xanh biếc, cuối thu lại đơm quả tím thẫm.
Những lúc không đi đánh khăng, thả diều ngoài đồng Diệc Mạ, tắm sông, câu cá trên sông Ân cùng bọn thằng Thành, thằng Lộc thì Sơn vẫn chơi với Vân vào mỗi buổi trưa, khi Sơn chờ bà ngủ lỏng tay quạt, trườn khẽ qua người bà, rồi trốn ra vườn trèo tót lên chạc ba cây ổi thóc đã nhẵn thín vết mài đũng quần của Sơn.
Ở trên ngọn cây ổi, mùa hè hoa trắng nõn nà đơm vào nắng trưa oi ả, Sơn phóng mắt nhìn ra cánh đồng Diệc Mạ, lúa vụ chiêm đã chín, vàng rực như nong tằm, và sông Ân tháng năm mềm mại chảy quanh cánh đồng như dải lụa bạch. Và kia nữa, doi đất bị những cơn mưa rào mùa hè nhấn chìm, giờ chỉ thấy lấp ló dưới làn nước sông trong vắt, là nơi bà sẽ gieo một vạt mùi tháng chạp, khi ấy Sơn biết là sắp đến tết. Gió nồm mát rượi chở hương lúa chín ngọt lành từ cánh đồng thổi tung từng sợi tóc khiến Sơn thấy khoan khoái, dễ chịu.
Bà kể rằng, cây ổi này được bố Sơn trồng trước khi lên đường nhập ngũ, Sơn đã lớn lên cùng cây ổi, và tuổi Sơn được tính bằng những mùa thu khi heo may chạm ngõ thắp chùm ổi chín như chùm trăng tỏ để gọi đàn chào mào đuôi đỏ, bụng bạc rủ nhau bay về hót ríu ran trong khu vườn bà nội. Sơn thích trèo lên cây ổi, nhưng lại sợ mấy con sâu mèo lông xù vằn vện trông thật gớm ghiếc. Có lần, Sơn chẳng may chạm phải chúng mà ngứa ngáy và phồng rộp cả tay, bà phải lấy vôi bôi vào mới khỏi. Bà dặn đừng trèo lên cây ổi nữa, nhưng rồi Sơn lại quên ngay.
Đang suy nghĩ miên man, Sơn chợt nghe thấy tiếng Vân gọi bên kia giậu mồng tơi, tiếng gọi khẽ và yếu ớt. “Anh Sơn ơi, xuống đây chơi với em”. Sơn chau mày đắn đo giây lát, rồi vội tụt xuống gốc khoanh tay hỏi trống không “Chơi đồ hàng hả, thôi được rồi”. Vân thích lắm, niềm vui ngập tràn nắng tươi trong đôi mắt hạt nhãn. Hàng quà của Vân là những lá, quả, mực mồng tơi đựng trong vỏ sò, vỏ ngao đặt trên lá chuối. Sơn đón lấy cái ngao, rồi rút tiền trong túi ra trả, tiền là những chiếc lá ổi.
Chơi đồ hàng chán, Sơn rủ Vân ra ao câu cá. Sơn và Vân ngồi trên bậc đá xanh, chân buông thõng xuống mặt ao phẳng lặng. Mặt ao như chiếc gương khổng lồ cho chị mây áo trắng ghé vào soi bóng. Lũy tre rì rào ru măng ngủ. Một chú bói cá xanh biếc từ lũy tre sà xuống mặt ao rồi bay vút lên trời. Sơn thả cần trúc, mồi câu là những con sâu mai béo múp. Suốt cả trưa hè đẹp như ca dao, Sơn và Vân chơi cùng nhau trong khu vườn tuổi thơ đầy gió, thoảng mơ hồ một tiếng gà trưa.
Thế mà có lần, Vân khóc nhè rồi dỗi không thèm chơi với Sơn vì Sơn trót buột miệng nói: “Ngăm ngăm da trâu, nhìn lâu mới thấy đẹp”. Tại Sơn thấy hôm trước chú Trại dẫn cô Ngần về ra mắt, mẹ chê tên Ngần mà lại đen, nên bà có đọc hai câu như vậy có ý bênh vực cô Ngần. Sơn nhớ rồi đọc lại chứ không có ý chê Vân.
Rồi lại có lần, Sơn và Vân chơi trò cô dâu, chú rể. Cô dâu đội vương miện tết bằng dây hoa mơ lông, còn chú rể cài bông dành dành trước ngực. Đúng lúc đang rước dâu đám cưới thì thằng Thành và thằng Lộc đến rủ Sơn đi câu cá, thấy vậy thằng Thành gân cổ gào lên: “Chông vợ hài là hai vợ chồng” làm cho cô dâu, chú rể ngượng chín cả mặt. Chú rể bỏ ra cánh đồng Diệc Mạ chơi đánh trận giả cùng chúng bạn, còn cô dâu chạy ù vào sân đuổi gà ăn thóc kẻo mẹ mắng. Ôi đám cưới tuổi thơ nghèo lam lũ, đã về đâu trong tan tác hoàng hôn?
*
Đó là một ngày định mệnh. Đầu Sơn muốn quên đi thì lòng càng muốn nhớ. Khi mở mắt, Sơn thấy mình đang nằm trong một căn phòng trắng, dưới một tấm chăn trắng, trên một chiếc đệm trắng. Sơn khẽ liếc nhìn ra ngoài cửa sổ với chấn song trắng và mảnh kính trong, nơi những ánh sáng trắng được chiếu vào từ một khu vườn ngoài kia, cả khu vườn cũng bừng lên màu trắng đến rợn ngợp.
Sơn không biết là sớm hay chiều, yên tĩnh quá, Sơn nghe rõ tiếng kim giây lạch tạch đang đếm nhịp đồng hồ, tiếng giọt thuốc thánh thót đang rơi xuống từ chai truyền và tiếng quả tim thoi thóp đang đập trong lồng ngực. Không gian trắng và thời gian cũng trắng. Rồi Sơn nghe thấy tiếng Thúy nói, đúng là tiếng Thúy thật, thảng thốt và pha chút mừng rỡ: “Anh Sơn tỉnh rồi”.
Rồi Sơn bỗng thấy, mình cùng đồng đội đi gỡ mìn, những quả mìn còn sót lại, ngủ quên trên trận địa sau chiến tranh trong một buổi chiều nắng thì vàng và đất đồi lại đỏ, vàng như thuốc kí ninh trị bệnh sốt rét và đỏ như máu bầm trên áo của người lính bị thương. Một tiếng nổ chát chúa và khô giòn vang lên không báo trước. Mùi thuốc nổ khét lẹt và khói xám bay mù mịt giữa hoàng hôn. Sơn đau nhói và ngất đi.
Thúy ngồi xuống bên cạnh Sơn, trên mép giường rẻ quạt, trong ngôi nhà ba gian giữa thôn Duy Hòa trông ra sông Ân và cánh đồng Diệc Mạ trước mặt. Thúy đặt tay lên trán Sơn, trán Sơn vẫn hơi nóng. Thúy vắt khăn mặt trong chậu nước ấm đặt lên. Mặt Sơn u ẩn, nhất là trong đôi mắt hoang hoải, Thúy tránh nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt nâu trầm thăm thẳm bóng chiều. Thúy sợ sẽ không cầm được lòng, nỗi buồn lại chảy ra thành nước mắt. Nước mắt chảy ra rồi mà nỗi buồn còn ở lại trong lòng.
Thúy không khóc mà nước mắt ướt đầm trên má. Sơn đã quay sang từ bao giờ, đưa tay lên lau nước mắt đang bò trên má Thúy. Tay Sơn cảm thấy nước mắt Thúy nóng hổi, nhưng chính giọt nước mắt ấy rớt xuống chân thì Sơn không cảm nhận được nữa rồi. Sơn đã vĩnh viễn mất đi đôi chân lành lặn, gắn đời mình lên chiếc xe lăn và bỏ lại những ước mơ còn dang dở.
“Anh không xứng đáng với em nữa. Sẽ có một người tốt hơn yêu thương em. Thúy ơi, em hãy về đi” - Sơn lấy hết can đảm ra để nói những lời ấy, trong lúc Thúy đang cầm chiếc khăn mặt vừa nhúng ướt chưa kịp vắt, nước chảy tong tong như nước mắt. Lời nói của Sơn như xát muối vào gan ruột Thúy, nhưng Thúy có biết khi nói ra những lời ấy, Sơn đau đớn đến thế nào không. Thúy đánh rơi chiếc khăn xuống chậu, bưng mặt khóc tức tưởi: “Anh Sơn, sao anh nỡ đối xử với em như thế”, rồi chạy ào ra ngoài, bỏ lại Sơn và ngôi nhà ba gian, bỏ lại sông Ân và cánh đồng Diệc Mạ ở phía sau lưng Thúy. Trời đang nắng nhưng lòng Thúy đang mưa.
Có lần Thúy đến, nhưng chỗ Thúy vẫn ngồi trên mép giường, thay bằng một người khác. Đó là Vân. Vân đang bón cháo và quạt cho Sơn. Mùi cháo no ấm đi khắp ba gian nhà. Tóc Sơn theo gió bay lên phơi phới. Thúy quay ra, chân giẫm lên những chiếc lá mít khô vàng như mảnh nắng rụng đầy trên sân gạch. Những mảnh nắng vỡ ra lách tách dưới gót giày của Thúy. Thúy treo túi quà ngoài cánh cổng rồi vội vã bước đi, trong lòng có cảm giác mơ hồ không rõ rệt.
Năm sau, Sơn biết tin Thúy lấy chồng, nghe đâu chồng Thúy là một doanh nhân thành đạt đất Kinh Bắc. Năm sau nữa, Sơn và Vân làm đám cưới, đúng vào cuối tháng Chạp, khi hoa mùi đã trắng xóa trên cánh đồng Diệc Mạ bên dòng sông Ân trước khi bà nội Sơn mất mấy tháng. Thúy là diễn viên của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, cô đã trở thành một nghệ sĩ ưu tú. Sơn ngày càng làm thơ nhiều hơn, thi sĩ đa mang với những câu thơ trắc ẩn phận người.
Đêm qua Sơn mơ thấy bà nội. Bà nhổ những cây mùi để nấu một nồi nước tất niên. Bà bảo những cây mùi già nở rộ giữa sương móc là một vị thuốc quý. Bà múc nước mùi pha vào chậu đồng. Hơi nước bốc lên như sương và làn hương tỏa ra như khói trong giấc mơ khiến Sơn thấy dễ chịu quá. Kì lạ thay, khi Sơn vừa nhấc chân đặt vào chậu để ngâm, nước rất ấm, điều mà lâu rồi Sơn mới cảm nhận được. Rồi những ngón chân của Sơn bắt đầu cựa quậy, và từ đó mọc lên một cái mầm, hai cái mầm... Những cái mầm non tơ, xanh biếc và lớn rất nhanh.
Sơn vịn vào giường từ từ đứng dậy, ra khỏi chậu nước và run rẩy bước đi trên nền nhà mát lịm, mỗi bước đi để lại một dấu chân ướt. Sơn nghe thấy tiếng Thúy nói, tiếng trong và mau lắm. Sơn đuổi theo, nhưng không nhìn thấy bóng người, chỉ thấy một màn mưa bụi mênh mông, mù mịt trải dài ra tít tắp cuối trời. Sơn bỗng tỉnh giấc, mồ hôi ướt đầm và đôi chân nóng rát. “Anh mơ thấy ai mà cứ gọi tên thế?” - Vân khẽ hỏi. Sơn không nói gì quàng tay sang ôm Vân, hơi thở bắt đầu đều rồi chìm dần vào giấc ngủ. Bây giờ đã cuối tháng Chạp, và ngoài kia hương mùi đang bay trong gió...
Truyện ngắn của Hoàng Anh TuấnXem thêm: /642646-oig-gnort-yab-ium-gnouH/neyurT/nv.moc.dnac.acnv