Thành tựu chinh phục vũ trụ của nhân loại thời gian gần đây đã và đang ghi dấu những cái tên đầy mới mẻ. Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới thành công đưa tàu thám hiểm đổ bộ xuống bề mặt mặt trăng.
Không chỉ Ấn Độ, những quốc gia Vùng Vịnh cũng không muốn chậm chân trong cuộc đua chinh phục không gian. Một chiến lược phát triển kinh tế trên vũ trụ thậm chí còn đang được phát triển mạnh mẽ tại Vùng Vịnh.
Kinh tế vũ trụ là một khái niệm khá mới mẻ tại Vùng Vịnh, nhưng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều quốc gia Vùng Vịnh nay thậm chí đang xác định khai thác những tiềm năng kinh tế từ vũ trụ là trụ cột cho sự phát triển kỷ nguyên hậu dầu mỏ.
Như tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, chiến lược kinh tế trên vũ trụ của nước này nay đã đề ra 10 lĩnh vực cụ thể có tiềm năng lớn để tập trung đầu tư. Trải rộng từ khai thác dịch vụ trên trạm vũ trụ, du lịch vũ trụ, khai khoáng trên vũ trụ cho tới cả việc phát triển công nghiệp tái chế trên vũ trụ.
Trong một thời gian dài, chinh phục vũ trụ gần như là câu chuyện riêng của một số nhỏ quốc gia, nhưng thực tế ấy nay đang ngày càng bị xóa nhòa. Thời gian gần đây, người ta đã thấy những bước tiến từ tàu thăm dò sao Hỏa, hy vọng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất lập những bản đồ rõ nét về sao Hỏa, hay sau đó, xa hơn là một dự án của nước này có tên sao Hỏa 2117, thiết lập những khu định cư đầu tiên của con người trên sao Hỏa.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc Vùng Vịnh vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tới khả năng hợp tác với các quốc gia Vùng Vịnh trong các lĩnh vực phát triển vệ tinh viễn thám, phát triển cơ sở hạ tầng hàng không vũ trụ, hay đào tạo phi hành gia. Bắc Kinh được cho cũng đang có ý định hợp tác với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất để phát triển trạm vũ trụ Thiên Công.
Các số liệu cho thấy, hiện lĩnh vực kinh tế vũ trụ có giá trị khoảng gần 550 tỷ USD, nhưng dự báo sẽ tăng lên 800 tỷ USD chỉ trong vòng 5 năm tới.
Xem thêm: nhc.356308161019032881-urt-uv-nert-et-hnik-coul-neihc-neirt-tahp-hniv-gnuv/nv.fefac