- Tiếng hát then vọng núi rừng Việt Bắc
- Người dân chen chân xem hát Then ở Hà Giang
- Những khoảnh khắc thăng hoa của nghệ nhân hát Then
Khi đó tôi vô cùng ngạc nhiên, cũng có phần thích thú và tò mò nữa. Tại sao ở cái nơi ho một tiếng, lập tức có bốn năm tiếng ho từ những vách núi kia dội lại. Xa xôi hẻo lánh đến thế lại có một nhạc viện đàng hoàng, mang tên một người khổng lồ trên toàn thế giới. Một thị xã trập trùng núi đá vôi thở lẫn với người hàng ngàn đời nay bỗng dưng nổi tiếng. Một phố thị bình lặng như giếng trời, ấy thế cũng có khá nhiều anh trung tuổi, đến các cụ già hưu trí cũng biết Trai cốp xki.
Ông - một nhà soạn nhạc lừng danh người Nga, ở thời kỳ Lãng mạn. Ông đã để lại những bản giao hưởng cổ điển bất hủ. Điển hình nhất là nhạc vũ kịch “Hồ thiên nga” và bản giao hưởng “Romeo và Juliet”. Âm nhạc của ông mang một vẻ đẹp sang trọng của giới quý tộc Nga, vang vọng đến mọi thời đại, mọi quốc gia và mọi dân tộc. Vậy, ông nhạc sĩ thiên tài ấy có liên quan gì tới chị Hoàng Quỳnh Nha, một cô gái người Tày quê ở tận Bản Bó xã Phù Ngọc gần chợ Nà Giàng xa xanh này. Mãi về sau tôi mới vỡ lẽ. A! Trai cốp cô Nha là như vậy.
Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Quỳnh Nha dạy hát Then cho thiếu nhi. |
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, Ty Văn hoá Thông tin Cao Bằng có thành lập một trường sơ cấp Văn hóa Nghệ thuật. Nơi dành riêng cho các cháu là con em các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… có năng khiếu nghệ thuật đến học. Trường do NSUT Hoàng Quỳnh Nha làm Hiệu trưởng.
Chị vừa đảm nhiệm vai trò chính trong Ban Giám hiệu, vừa trực tiếp giảng dạy bộ môn đàn và hát dân ca Tày - Nùng. Học trò của chị gồm đủ các thành phần, nào là học sinh các cấp II, III thậm chí có cả các anh bộ đội từ các đội Tuyên văn trong Quân đoàn 26 cử đến học tập. Đây là một ngôi trường Văn hóa Nghệ thuật đầu tiên của tỉnh, nhằm phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng và đào tạo các con em sau này làm công tác tuyên truyền văn hoá nghệ thuật. Vì học trò quá yêu mến cô giáo của mình, nên họ đặt một cái tên vui vui như vậy.
Chị Hoàng Quỳnh Nha là một nghệ sĩ hát dân ca Tày Nùng nổi tiếng không chỉ ở Cao Bằng, mà còn lan ra các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang lân cận. Ở chị thừa hưởng sắc đẹp nền nã từ người mẹ và sở hữu một giọng hát truyền cảm ngọt ngào sâu lắng của cha. Chị làm thổn thức hàng vạn con tim người nghe.
Chị đúng là chim sơn ca của núi rừng Cao Bằng thời bấy giờ. Khi chim sơn ca xuất hiện nơi chợ búa, làm người bán thịt bán rau lỏng đôi tay đếm tiền. Và người mua cũng mỏi mềm đôi tay cầm gói. Nhiều cẳng chân đang đi bỗng khựng lại. Người người trong chợ xúm đến trầm trồ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chị. Chim sơn ca xuất hiện ở nơi đồng ruộng, những người nông dân chân lấm tay bùn cũng họ trâu đang cày đứng lại, kiếm cớ vui vui chào hỏi: “Sơn ca ơi đêm nay có biểu diễn đâu không em?”. “Có đấy anh à. Tại đình chợ Co Xàu anh nhé. Nhớ nấu cơm sơm sớm vào”.
Ngày ấy tôi là một cậu học trò lớp Một trường huyện. Tranh thủ lúc nghỉ học, tôi lẵng nhẵng theo sau chị như theo một bức hình. Bức hình vẽ chân dung một cô gái với những đường nét thanh tú, cân đối, màu sắc hài hòa. Bức hình có lúm đồng tiền vừa đi vừa thơm. Một mùi thơm của nắng sớm lọt qua rừng hoa tiếm biếc. Bức hình vừa đi vừa cười chào tất cả mọi người. Tôi cứ lặng lẽ bước theo chân của chị. Tôi không biết mình đang đi đâu và để làm gì. Vừa đi vừa run như cún con. Cún con khe khẽ liếm chiếc bóng chị trên đường và cất tiếng rên thinh thích.
Không thể ngờ rằng mấy chục năm sau, tôi được làm việc cùng với chị trong một đơn vị sự nghiệp quản lý văn hoá. Trong mắt tôi, lúc nào chị Hoàng Quỳnh Nha vẫn luôn là một cô gái Tày thuần khiết. Từ giọng nói, điệu cười, bước chân, đưa tay…tất cả đều tự nhiên, thanh thoát, uyển chuyển, nhẹ nhàng.
Đặc biệt ở chị có lối sống chân thành, không bao giờ nói dối. Chị thân thiện đối với tất cả bè bạn, mọi lứa tuổi. Tôi nghĩ, chắc chả bao giờ chị giận ai dù chỉ một thoáng, càng không bao giờ nói lời lép, lời giả, lời chua cay cho dù với bất cứ ai. Còn với tôi khi đó, chị là một người chị gái quán xuyến lo toan mọi công việc của cơ quan như chính trong một gia đình.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đàn Tính - hát Then. |
Chị Hoàng Quỳnh Nha sinh ra trong một gia đình có người cha là tào Sìu. Ông nổi tiếng nhất vùng Nà Giàng, Háng Tháng, Háng Slôc là người giỏi chữ Hán và nôm Tày. Ngoài ra ông còn có pháp thuật cao tay, trị được tất cả các loại ma quỷ trên rừng dưới bể, kể cả những đám ma gà đang sống lẫn sống chung với dân làng.
Chị tiếp xúc với không gian khói hương ngay từ ngày còn trong bụng mẹ. Tất cả các ngón đàn điệu hát tàng bốc đường bộ, tàng nặm đường thủy, nài sli của người Giang, hà lều của người Nùng, nàng ới, lượn then của người Tày… chị đều thuộc làu làu. Hễ ở đâu có đám lẩu pụt mừng thôi nôi đứa trẻ, hay lẩu tào cấp sắc, thể nào chị cũng đốt đuốc xuyên rừng đến nghe.
Hình ảnh một cô bé tóc đuôi gà, má đỏ bồ quân, mắt sáng như sao ngồi sát ngay bên bà bụt. Cô bé chăm chú nhìn tay bà cầm quạt, còn tay kia xóc nhạc. Giọng hát khàn khàn của bà bụt rót vào tai cô bé ngon như cốm ép, không sót một chữ nào.
“Roong roong mạ te cai nỏ
Đếch ké
Mò vài
Pết cáy khoái phiến tàng phiến lỏ
Sle binh mạ khửn tàng
Khử mường bân páo xình Ngọc Hoàng a nỏ
Rú rú…..rừ rừ ….
Roong roong ngựa lên đường
Nào người già người trẻ
Nào trâu bò
Nào dê lợn
Nào gà vịt
Mau mau tránh đường
Để binh mã lên kịp tấu trình
Ngọc Hoàng thượng đế ngài đang chờ
Rú rú…rừ rừ”.
Bóng bà bụt lắc lư lảo đảo trong ánh đèn dầu trông như ma quái. Lúc thì bà nghiêng bên này, khi thì ngả sang bên kia. Người bà chênh vênh lung lay như cây bị đốn sắp đổ, nhưng không bao giờ đổ. Miệng bà vừa hát vừa lúp lắp nhai trầu. Tiếng hát bà có mùi thơm nồng của vôi, thở ra có mùi thơm cay của trầu lá. Chỗ bà ngồi trở thành tâm điểm của đêm hát. Lâu lâu bà dừng, ngồi kháo chuyện với mọi người và nhổ một tiếng bẹt vào ống nứa.
Kháo xong, bà phắc một tiếng, xoạt một cái, chiếc quạt mở ra, chùm nhạc trong tay roong roong nào ngựa ơi ta lại lên đường. Tiếng bà rú rít xầm xập như trời đổ mưa. Khi khoan thai như đàn nai sải vó. Lúc nhịp nhàng như ánh trăng rơi rơi lấp lánh trên sông. Lúc thủ thỉ như chuyện tình hai người ngồi bên đống lửa. Cô bé há hốc mồm ngồi nghe mà quên cả đói quên cả khát quên cả cơn buồn ngủ.
Chị là người Tày đầu tiên được Nhà nước phong Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993. Niềm vinh dự lớn lao này không chỉ riêng cá nhân chị. Mà còn là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Tôi nhớ khi đó chị được cơ quan tài trợ cho làm lại bộ răng để xuống nhận bằng. Tôi nhìn thấy chị vui như áo mới bước vào phòng ông Giám đốc sở. “Chài ơi! (Anh ơi!)”. “Cái gì thế?”. “Hất đảy dá, khẻo à. Tọ cải lai (Làm được rồi. Răng mà. Nhưng hơi to một chút)”.
Năm 1960, chị Quỳnh Nha được tuyển vào Đoàn Văn công Cao Bằng, lần lượt là diễn viên, Đoàn phó Văn công tỉnh, giảng viên, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật tỉnh… Nhìn lại con đường lao động nghệ thuật của mình, dù ở cương vị nào chị cũng dốc lòng vì công việc. Chị kể những chuyến đi biểu diễn từ tỉnh xuống huyện, rồi từ huyện xuống xã. Có lúc phải đi bộ cả ngày đường, phồng rộp cả đôi bàn chân. Còn phông màn trống kèn đèn măng xông …thì chất lên lưng ngựa.
Chị vừa kể vừa mếu, thương bà con gian khổ thiếu thốn ở vùng sâu vùng xa. Nhưng bù lại anh chị em diễn viên được bà con trong bản ùa ra tiếp đón thân tình. Họ lôi kéo các chị về từng nhà như người thân, hỏi xem có mệt không? Có cần ăn chút gì không? Có cần nằm nghỉ không? Tình cảm giữa bà con miền núi với nhau không thể lấy gì đong đếm. Nhiều hôm chị mang thùng ra mỏ gánh nước thì bị chủ nhà “mắng”: “Người múa mềm như lạt, hát ngọt như mac kham pha đường. Ai cho cô làm việc này. Thôi để đấy”. “Ở nhà em vẫn…”. “Ở nhà khác, ở đây khác. Ở đây cô là người nhà trời, khách quý của bản”.
Khi biết tôi sắp xuống Hà Nội công tác. Chị rón rén: “Em cho chị gửi một ít bánh khảo biếu anh Nông Quốc Chấn. À quên. Cái này là để em và chú lái xe. Vừa đi vừa nhấm nháp để chống buồn ngủ”. “Gì thế chị?”. “Bí mật. Qua khỏi Đèo Giàng mới được mở”. “Chị làm em “đồ” hộp quá!”.
Tôi về ở trọ Thủ đô, còn chị vẫn mãi là cô gái Tày, mãi đẹp, mãi xinh trong mắt bao người dân bản…
A ĐủXem thêm: /459026-uahk-taux-gnah-gnoul-tahc-gnab-teiV-gnud-ueit-iougn-cuhp-hnihC/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv