Không thể phủ nhận báo chí, truyền thông luôn đồng hành và giữ vai trò quan trọng với cuộc sống con người. Chính vì thế, ngày càng có nhiều nhân vật nhà báo xuất hiện trong các bộ phim truyền hình, điện ảnh. Tùy theo câu chuyện phim mà thời lượng dành cho nhân vật nhà báo xuất hiện nhiều hay ít.
Tuy nhiên, có một số bộ phim đã lấy nghề báo là đối tượng khai thác chính và có sức hấp dẫn không nhỏ. Với đặc trưng công việc là luôn tiếp cận nguồn thông tin mới, phản ánh những vấn đề nóng và không kém phần phức tạp, nghề báo luôn được coi là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng đầy thách thức với các nhà làm phim. Không có một sự am hiểu nhất định và chính xác về đặc trưng nghề nghiệp, có lẽ không phải nhà làm phim nào cũng sẵn sàng bắt tay vào làm phim về đề tài này.
Nhân vật nữ nhà báo tài giỏi, võ nghệ cao cường trong phim “Kẻ săn tin”. |
Dịch COVID - 19 với những diễn biến phức tạp gần 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống phim ảnh Việt cũng như quốc tế. Gần đây nhất, nghệ sĩ Minh Hằng đã tiến hành ra mắt dự án phim về nghề báo khá rầm rộ là "Kẻ săn tin" trong đó, cô vừa là nhà sản xuất vừa đảm nhiệm nhân vật chính.
Chia sẻ về lý do lấy nghề báo làm đề tài chính trong bộ phim của mình, Minh Hằng cho biết: "Càng đi sâu vào tìm hiểu, tôi thấy nghề phóng viên rất nguy hiểm, phải gan dạ và luôn đấu tranh vì lẽ phải. Những nữ phóng viên với nhiệm vụ đi điều tra tin tức thì sẽ có rất nhiều ý tưởng và nội dung".
Tuy nhiên Minh Hằng cũng cho rằng cô không làm phim về nghề báo theo cách cứng nhắc mà lồng ghép vào đó khá nhiều yếu tố giải trí lẫn hài hước. Điều đó giúp khán giả hiểu thêm được nghề báo nhưng cũng chính là thời gian thư giãn rất tốt.
"Kẻ săn tin" là câu chuyện về cô phóng viên Khánh Hạ xinh đẹp, bản lĩnh và võ nghệ cao cường. Với công việc viết bài xoay quanh mảng hôn nhân - gia đình nhưng với bản tính xông xáo, luôn hứng thú với những thông tin nóng nên cô đã phải đối đầu với những thế lực ngầm. Bộ phim dài 6 tập được phát sóng vào thứ sáu hằng tuần trên kênh YouTube của Minh Hằng.
Không thể phủ nhận, phim về nghề báo có khả năng thu hút khán giả nhưng không dễ làm nên hơn chục năm qua, số lượng phim khai thác đề tài này tạo được dấu ấn trong lòng công chúng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Được sản xuất cách đây 15 năm, bộ phim truyền hình "Nghề báo" của đạo diễn Phi Tiến Sơn được nhắc tới là bộ phim mở đầu cho mảng đề tài này.
Ở thời điểm ra đời, bộ phim đã tạo nên cơn sốt trong làng phim truyền hình Việt. Mạnh dạn đi vào đề tài khó, ê kíp làm phim còn phản ánh chân thực một số góc khuất của nghề. Trong đó, những nhà báo đã lao vào những vấn đề nóng bỏng như hối lộ, tham nhũng... nhưng bản thân họ cũng ở trong mối quan hệ đa chiều, phức tạp. Thông qua nhân vật đại diện là phóng viên phụ trách mảng kinh tế Thủy Bình, bộ phim cho công chúng hiểu thêm những áp lực và hy sinh thầm lặng của người làm báo.
Sau "Nghề báo", bộ phim truyền hình "Đèn vàng" của đạo diễn Mai Hồng Phong cũng đề cập đến những vấn đề bức thiết của đời sống thông qua góc độ báo chí. Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên kỳ cựu như nghệ sĩ Mạnh Cường, Lê Vy, Thu Quế, Đức Khuê... Những nhà báo trong "Đèn vàng" đều mang trong mình khát vọng qua công việc giúp xã hội giảm bớt tiêu cực nhưng họ cũng chứa đựng mâu thuẫn nội tâm rất phức tạp. Bản thân mỗi nhà báo trong đó, nếu không tỉnh táo, bản lĩnh thì có thể dễ vô tình đi ngược lại với khát vọng trong nghề nghiệp của mình.
Cũng khai thác đề tài nghề báo nhưng "Phóng viên thử việc" có phần nhẹ nhàng, trẻ trung hơn khi xoay quanh câu chuyện những nhà báo trẻ đang loay hoay trên con đường khẳng định bản thân. Cơ hội nghề nghiệp đi liền với những cạm bẫy, mưu mô đòi hỏi những nhà báo trẻ phải tỉnh táo, bản lĩnh và giữ được trong mình tình yêu trong sáng với nghề. Bên cạnh câu chuyện nghề nghiệp, những câu chuyện về tình yêu, lý tưởng của những bạn trẻ cũng được phim truyền tải khá hấp dẫn.
Hay, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn, "Đàn trời" khai thác cuộc chiến chống tham nhũng ở một vùng nông thôn miền núi của các nhà báo ở đài Phát thanh - Truyền hình. Nghề báo trong phim được coi như một điểm nhấn để phản ánh bức tranh xã hội, đời sống với đầy đủ những mặt sáng tối.
Gần đây nhất, được phát sóng vào năm 2020 là bộ phim của đạo diễn Vũ Trường Khoa và Lê Mạnh có tên gọi "Những nhân viên gương mẫu". Lấy bối cảnh chính là tòa soạn tạp chí "Tinh hoa" đang trong giai đoạn chuyển mình, "Những nhân viên gương mẫu" phản ánh khá chân thực đời sống những người làm báo. Bên cạnh những nhà báo nhiệt tình, hết lòng vì công việc thì cũng vẫn còn những người lợi dụng công việc, quan hệ để mang lại lợi ích cho riêng mình. Ngoài những bộ phim kể trên thì nghề báo còn được phản ánh trong những phim "Nguyệt thực", "Những phóng viên vui nhộn"...
Cùng với những nghề nghiệp như công an, bác sĩ, luật sư và gần đây là giới giải trí thì nghề báo được đánh giá là một trong những nghề nghiệp có nhiều chất liệu để khai thác đưa vào các tác phẩm phim truyền hình, phim nhựa. Có thể nói, hơn 15 năm, nhưng số lượng phim về nghề báo tạo được dấu ấn trong lòng khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay cho thấy đây là đề tài không hề "dễ nhằn".
Với các nghệ sĩ đảm nhiệm vai nhà báo, họ đều cho rằng đây thực sự là một thách thức không nhỏ. Đảm nhiệm vai nhà báo Thúy Bình trong phim "Nghề báo", diễn viên Hồng Ánh cho biết cô dành rất nhiều tâm sức cho nhân vật. Dù là diễn viên có nhiều kinh nghiệm cả ở phim truyện nhựa lẫn phim truyền hình nhưng để có thể khắc họa rõ nét chân dung một nhà báo giỏi giang, kỹ năng giao tiếp cũng như ứng xử tình huống nhanh nhạy khiến cô phải mất thời gian nghiên cứu không ít.
Một cảnh trong phim “Những nhân viên gương mẫu”. |
Dù vai nhà báo Hoàng Ngân trong phim "Sinh tử" của diễn viên Thanh Hương chỉ là vai diễn phụ nhưng với cô không hề dễ dàng. Đảm nhiệm vai nhà báo phụ trách mảng nội chính chuyên viết bài chống tham nhũng với ngôn ngữ thoại sắc bén, đậm tính chuyên môn nên Thanh Hương xác định sẽ bị khán giả soi.
Diễn viên Kiều Thanh khi vào vai nhà báo Sương trong bộ phim "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng hay Hà Châu trong bộ phim "Khi đàn chim trở về". Và sau này là vai nhà báo trong các phim "Nhật ký chiến trường", "Tình biển" và "Những phóng viên vui nhộn" đã trưởng thành qua từng vai diễn. Chị cho biết vai nhà báo khiến chị nhiều hứng thú vì tính cách nhân vật luôn đa dạng, tươi mới.
Là một nghề nghiệp có tính đặc thù cao nên khó khăn đến ngay từ khâu kịch bản. Nếu như đề tài về tình yêu, hôn nhân, gia đình có thể dễ dàng kêu gọi được đội ngũ viết kịch bản tham gia tuy nhiên, với đề tài báo chí không phải nhà biên kịch nào cũng sẵn sàng.
Các ý kiến cho rằng, nghề báo cũng như một số công việc đặc thù khác như công an, luật sư, bác sĩ... đều có yêu cầu về nghiệp vụ riêng. Nếu không am hiểu khó có thể viết đúng, viết hay. Nhân vật được viết bởi người không am hiểu đặc trưng nghề nghiệp dễ rơi vào tình trạng lơ ngơ, kém chân thực không đúng chất ngành, nghề. Chính vì vậy lâu nay, trên lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình Việt, kịch bản phim về nghề báo đa phần đều được biết bởi những người làm việc trong lĩnh vực này hoặc có nhiều trải nghiệm sâu sắc với nghề.
Với đặc thù công việc, nghề báo vẫn là mảnh đất màu mỡ để các nhà biên kịch, các nhà làm phim khai thác và kỳ vọng tạo nên được những tác phẩm xuất sắc. Nhìn ra thế giới, có những bộ phim về nghề báo đã từng đoạt giải thưởng danh giá như Pulitzer và Oscar không chỉ mang đến cho những người yêu điện ảnh những tác phẩm xuất sắc mà còn là nguồn tư liệu quý cho những sinh viên ngành báo như "Nightclawer", "Spotlight", "All the President'men", The Post... Điều đó thực sự là căn cứ để khán giả Việt hy vọng và chờ đợi.
Khánh ThảoXem thêm: /871226-aohk-oaig-hcas-pat-neib-ceiv-ev-y-poG/aoh-nav-gnos-iod/nv.moc.dnac.acnv