Đây là điểm mới trong Nghị định 55/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 10/7, thay thế Nghị định 155/2016 hiện hành.
Một số hành vi khác gặp trong cuộc sống thường nhật cũng được đề xuất giảm mức phạt. Theo đó, người vứt mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 100.000-150.000 đồng (mức hiện hành từ 500.000 đến một triệu đồng).
Người vứt rác thải, nước sinh hoạt không đúng nơi quy định tại chung cư hoặc nơi công cộng bị phạt 500.000 đến một triệu đồng (hiện hành 3-5 triệu đồng). Mức phạt tăng gấp đôi với hành vi vứt rác trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt (hiện nay 5-7 triệu đồng).
Nghị định 55/2021/NĐ-CP cũng giảm tiền phạt với người điều khiển phương tiện chở nguyên vật liệu, hàng hoá không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường từ 7-10 triệu đồng xuống còn 2-4 triệu đồng.
Về thẩm quyền xử phạt, chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng; trạm trưởng, đội trưởng có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1,5 triệu đồng. Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn, trạm trưởng có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2,5 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị đến 2,5 triệu đồng.
Trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng công an cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 25 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền. Giám đốc công an cấp tỉnh được phạt tiền đến 50 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn. Cục trưởng được phạt đến một tỷ đồng.
Lý giải việc giảm mức phạt, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Nghị định 155 đưa ra mức phạt cao để răn đe, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng. 5 năm qua, nghị định đi vào cuộc sống đã tạo được hiệu ứng tích cực khi lần đầu có chế tài xử phạt với các hành vi vứt rác thải, vệ sinh cá nhân không đúng quy định ở nơi công cộng.
Tuy nhiên, việc thực hiện đã gặp nhiều khó khăn khi mức phạt cao, không phù hợp với đông đảo người dân. Hơn nữa, mức tiền cao sẽ tương ứng với thẩm quyền xử lý nên kéo theo nhiều trình tự, thủ tục phức tạp. Ví dụ, với hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố thẩm quyền xử phạt phải từ trưởng công an cấp huyện hoặc chủ tịch UBND cấp huyện trở lên. Khi áp dụng, việc này khó khăn.
Hơn nữa, pháp luật chưa quy định việc phạt nguội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như xử phạt qua hình ảnh camera, máy ghi hình nên các hành vi mang tính bắt quả tang rất ít.
Nghị định 55/2021vì thế được sửa đổi theo hướng giảm mức tiền phạt để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã, trưởng đồn. Vì giảm mức phạt nên các hành vi vứt đầu, tàn thuốc lá, vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định... có thể áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản. Việc này sẽ đảm bảo tính khả thi với số đông người dân và đơn giản hóa trình tự xử phạt bằng hình thức phạt tại chỗ.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Bộ Công an trình Chính phủ xem xét sửa đổi nghị định 165/2013 để có cơ sở lấy dữ liệu từ camera làm căn cứ phạt nguội vi phạm hành chính.
Xem thêm: lmth.0636824-gnoc-gnoc-ion-yab-ueit-iougn-iov-tahp-cum-maig/ten.sserpxenv