Tây Nguyên đang vào vụ mùa xuống giống trồng cây hồ tiêu, một loại nông sản chủ lực. Hiệp hội Hồ tiêu địa phương này đang đề xuất nhiều giải pháp để có sản phẩm hồ tiêu sạch, đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường Châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (AVFTA).
Nông dân trồng lại hồ tiêu
Những ngày này, đi dọc Quốc lộ 14, dễ dàng thấy cảnh thương lái bày bán cột trồng tiêu, giống tiêu khắp nơi. Anh Nguyễn Văn Lành - người dân huyện Chư Sê cho biết: “Từ tháng 4-6 năm nay, giá tiêu tăng liên tục, hiện giá 70.000/kg đã thôi thúc người nông dân gây dựng lại cây hồ tiêu. Vụ mùa thu hoạch năm nay hầu như các chủ vườn tiêu đều có lời. Nay người dân muốn đầu tư trồng lại vườn tiêu sau nhiều năm bỏ bê, treo bảng bán đất đai vì tiêu rớt giá”.
Chị Hồ Thị Tình (huyện Chư Sê) cho hay, điều đáng buồn hiện nay là thực trạng một diện tích lớn đất đai trồng tiêu đang bị ô nhiễm. Đất nhiễm độc sau thời gian dài người dân dùng thuốc sâu, phân bón không hợp lý. Và tình trạng sâu bệnh hại, nhiễm nấm… khiến hồ tiêu bị chết.
“Không trồng lại cây tiêu thì đất bỏ hoang hóa, nông dân chỉ biết đi làm thuê miền Nam. Giá tiêu tăng trở lại sẽ khiến người dân nỗ lực trồng lại tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ hơn” - chị Tình chia sẻ.
Hiện một số hộ dân ở “thủ phủ” tiêu Chư Sê đã thử nghiệm mô hình xen canh, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, không dùng phân bón đất. Bởi thực tế, lượng lớn sản phẩm hồ tiêu thời gian qua chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do AVFTA, bởi còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, nông dân trồng hồ tiêu cần theo hướng sản xuất bền vững hữu cơ để phát triển lâu dài. Không nên sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để nguồn đất đai có cơ chế tự làm sạch, giải trừ các chất độc hại, gây bệnh.
Kỳ vọng vào chu kỳ tăng giá
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho rằng, có thể khẳng định trong vài ba tháng tới cho đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá cả sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg. Hiệp hội và người dân kỳ vọng vào chu kỳ tăng giá lần này.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá. Chu kỳ gần nhất năm 2001 - 2006 là chu kỳ giá xuống, chạm đáy vào năm 2006. Từ đó, giá bắt đầu đi lên cho đến năm 2015, giá đạt đỉnh là trên 200.000 đồng/kg hồ tiêu.
Từ năm 2016 giá tiêu bắt đầu đi xuống cho đến năm 2020 thì giá chạm đáy, đỉnh điểm là vào tháng 4.2020 giá tiêu chỉ còn 34.000 đồng/kg. Từ tháng 4.2021 đến nay giá tiêu bắt đầu chu kỳ tăng giá, hiện tại lên 70.000 đồng/kg, dự báo tiêu tiếp tục tăng lên 100.000/kg đến cuối năm, giá sẽ tăng theo chu kỳ.
Khi người dân đang vào vụ mùa, đi tìm mua trụ gỗ, trụ bêtông và giống để bắt đầu trồng mới diện tích hồ tiêu, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành, việc cần thiết phải có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới về các khâu chế biến lưu thông tiêu thụ. Các thông tin chính thống giúp việc hình thành chiến lược phát triển phù hợp.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển các ngành hàng nông sản nói chung, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã kiểu mới theo luật hợp tác xã năm 2012 và kết nối với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị. Có làm được việc này thì ngành nông sản mới sản xuất, chế biến xuất khẩu được tốt và bền vững.
“Riêng đối với việc sản xuất hồ tiêu của từng hộ gia đình thì cần có đủ 2 điều kiện cơ bản là kiến thức về trồng hồ tiêu và nắm bắt thị trường. Người dân cần chọn giống tiêu tốt, nên trồng xen canh hơn là trồng thuần. Nên trồng tiêu trên cây trụ sống, để cỏ trong vườn tiêu, không nên làm sạch cỏ. Chăm bón vườn tiêu theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững và ít bị sâu bệnh hại. Người dân không nên dùng các cột tiêu cũ đã bị nhiễm nấm bệnh, nếu dùng thì nhất thiết phải vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ mới trồng”, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai chia sẻ.
Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết thúc năm 2017, toàn quốc có diện tích hồ tiêu 153.000ha (lấy số tròn). Từ năm 2017-2020, số diện tích trồng mới không đáng kể vì giá xuống rất thấp, người trồng tiêu bị lỗ nặng. 5 tháng đầu năm năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 121.000 tấn, so với cùng kỳ năm 2020 lượng xuất khẩu giảm 17,1%.
Xem thêm: odl.338229-ua-uahc-gnas-taux-ueit-oh-aum-ib-nauhc/et-hnik/nv.gnodoal