vĐồng tin tức tài chính 365

TP.Hồ Chí Minh: Giải tán chợ tự phát, hàng tại siêu thị bán chạy

2021-06-22 07:57

Trước tình hình COVID-19 vẫn phức tạp, UBND TPHCM có chỉ thị cấm các chợ tự phát ven đường, nhất là ở gần những khu công nghiệp tập trung đông công nhân được xem tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch. Những công nhân, người lao động trước đây có thói quen mua hàng tại chợ tự phát gần công ty, nhà trọ nay đã chuyển sang đi các cửa hàng thực phẩm, siêu thị.

Công nhân đến cửa hàng mua đồ thay vì đi chợ tự phát

Chị Nguyễn Đỗ Hồng Thanh - công nhân Công ty Cổ phần in số 7 (Khu Công nghiệp Tân Tạo), hiện đang ở trọ tại Phường An Lạc A, quận Bình Tân, cho biết, hiện công ty vẫn tổ chức làm việc bình thường và áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ cũng như an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân chị và mọi người trong gia đình đều tuân thủ nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế cũng như quy định của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay Bình Tân là quận có nhiều ca mắc COVID-19, nên cũng rất lo lắng. Khi thành phố yêu cầu tạm dừng các hoạt động của chợ tự phát, chị đã đến các cửa hàng bán thực phẩm, rau xanh… mua đồ ăn cho gia đình để dành vài ngày chứ không tích trữ vì hàng hóa luôn đầy đủ. “Khi hết, tôi lại ra các cửa hàng này mua và cũng phải thực hiện nghiêm phòng dịch, chứ không đến chợ vì xa và ngại không biết ai thế nào” - chị Thanh nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhà ở phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM, nhân viên Công ty may Phương Đông, cũng biết trước đây chị cũng hay ra chợ Thạch Đà ở gần nhà mua thực phẩm về cho gia đình hoặc tiện thì mua tại các điểm bán hàng tự phát gần nhà. Trước khi chợ tự phát phải ngừng hoạt động, chị cũng tranh thủ mua một ít thực phẩm, rau xanh dành mấy ngày để bớt phải đi lại. Còn lại chị cũng đến các cửa hàng bán thực phẩm, rau xanh để mua đồ ăn cho gia đình sinh hoạt vì “vừa sạch sẽ lại không lo trả giá”.

Chị Nguyễn Thu Hương, CN bộ phận Plan 2, Công ty Việt Nam Samho thì tạm thời phải cách ly tại phòng trọ (đường 458, ấp Thạnh An xã Trung An, huyện Củ Chi) 14 ngày do công ty có 3 trường hợp F0. Khi chưa phải cách ly, hằng ngày chị cũng tranh thủ mua hàng tại các điểm chợ tự phát hay xe bán hàng hoặc mấy cửa hàng gần nhà. Những ngày phải cách ly chị cũng không được ra khỏi nhà, mọi đồ ăn thức uống phải nhờ người đi chợ giùm hoặc có khi cũng được địa phương tặng cho ít rau, củ để nấu ăn cho cả gia đình. Chị Hương cho biết, những người mua giùm đồ ăn cũng phải chạy đến chợ vì các điểm chợ tự phát đã đóng cửa theo chỉ đạo của thành phố để chống dịch.

“Thôi thì những lúc khó khăn thế này mình cũng phải chịu khó chia sẻ cùng mọi người và chính quyền để dịch nhanh chóng được dập tắt còn đi làm kiếm tiền nuôi con” - chị Hương nói.

Tiêu thụ thực phẩm tại siêu thị tăng mạnh, nhưng vẫn dồi dào

Hai ngày qua, các siêu thị tại TPHCM như MM Mega Market, Big C, LOTTE Mart, Co.opmart… ghi nhận sức mua tăng khoảng 25%-30% so với những ngày trước đó. Theo đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), bên cạnh lượng người tới mua trực tiếp tại siêu thị tăng thì lượng đặt hàng qua điện thoại, đặt hàng online tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Cũng theo đại diện Saigon Co.op, khu vực TPHCM đơn vị có gần 200 siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers, Finelife vẫn ngày đêm hoạt động để đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. “Saigon Co.op đã chủ động bổ sung lượng rau củ quả tăng 30%-40% ngày thường, tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu tại kho trung tâm lẫn kho siêu thị và đẩy mạnh giảm giá khuyến mãi nhiều mặt hàng thực phẩm trong các ngày tới” - đại diện Saigon Co.op thông tin.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thương - phụ trách hệ thống Bách Hóa Xanh, cho biết hai ngày qua lượng khách đến hệ thống Bách Hóa Xanh tăng gấp đôi so với những ngày trước đó.

“Chúng tôi cũng dự báo tiêu thụ hàng thiết yếu sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới, nhất là sau khi chợ tự phát bị ngừng hoàn toàn, để chủ động nguồn hàng” - bà Thương chia sẻ.

Không chỉ đến siêu thị, cửa hàng, người tiêu dùng cũng tăng mua thực phẩm tại các chợ truyền thống sau khi thành phố giải tán các chợ tự phát. Ban quản lý một số chợ loại 1, loại 2 cho hay sức mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá tăng 15%-20% so với những ngày trước đó.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, sau khi thành phố dừng hoạt động các chợ tự phát, người dân chuyển sang đi chợ truyền thống, các cửa hàng thực phẩm, siêu thị nhiều hơn. Số liệu từ các chợ, siêu thị cho thấy nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại chợ, siêu thị, cửa hàng… rất dồi dào, chủng loại hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn triển khai chương trình bán hàng lưu động đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các khu vực có điểm bán lẻ tạm dừng hoạt động do có ca nghi mắc COVID-19 đến mua sắm.

Cũng theo ông Phương, Sở Công Thương TPHCM đã đề nghị các doanh nghiệp các siêu thị đồng loạt triển khai thêm các dịch vụ bán hàng trực tuyến trên các ứng dụng, nhận đặt hàng qua điện thoại để giúp người tiêu dùng mua các mặt hàng thiết yếu mà không cần phải đến siêu thị.

“Chưa bao giờ các mặt hàng thiết yếu lại dồi dào, phong phú, giá cả ổn định như thời điểm này. Các doanh nghiệp tại TPHCM có khả năng cung ứng đầy đủ, liên tục hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của khách hàng đến hết năm 2021” - ông Phương nói.

Xem thêm: odl.058229-yahc-nab-iht-ueis-iat-gnah-tahp-ut-ohc-nat-iaig-hnim-ihc-ohpt/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“TP.Hồ Chí Minh: Giải tán chợ tự phát, hàng tại siêu thị bán chạy”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools