Theo tạp chí Fortune, lượng phát thải toàn cầu được dự kiến tăng 10% trong vòng tám năm tới, thúc đẩy sự gia tăng của hạn hán, lũ lụt, nắng nóng gay gắt trên diện rộng và nhiều tác động tiêu cực do thiên tai.
Công cụ hiệu quả
Trong bối cảnh thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu, AI lần đầu tiên được nhấn mạnh là một trong những giải pháp quan trọng và đầy tiềm năng để giải quyết các vấn đề khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh COP28 về biến đổi khí hậu vào tháng 11-2023.
Báo cáo về AI xuất bản vào tháng 11-2023 của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy thông qua việc tăng cường các ứng dụng và công nghệ đã được chứng minh là hiệu quả, công nghệ này có thể giúp giảm thiểu 5-10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2030 - tương đương với tổng lượng khí thải hằng năm của Liên minh châu Âu.
Trong lĩnh vực dự báo và phòng ngừa thiên tai, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết các công nghệ dựa trên AI mang lại những khả năng chưa từng có trước đây cho việc xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, trích xuất các thông tin có ích và cải thiện các mô hình dự đoán.
Theo báo Indian Express, tại COP28, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Tập đoàn máy tính IBM đã giới thiệu công cụ AI watsonx.ai. Công cụ này cho phép người dùng giám sát Trái đất từ không gian, đo lường những thay đổi môi trường đang xảy ra và đưa ra dự báo.
Với kho dữ liệu từ NASA và công nghệ AI của IBM, watsonx.ai giúp các nhà khoa học ước tính mức độ kể cả trong quá khứ và tương lai của cháy rừng, lũ lụt cũng như nhiệt độ tại các đô thị.
Ước tính từ NASA cho biết đến năm 2024 các nhà khoa học sẽ có thể làm việc với 250.000 terabyte các bộ dữ liệu khí hậu.
Cũng theo báo cáo của BCG, 87% giám đốc điều hành (CEO) thuộc khu vực tư nhân và khu vực công tin tưởng AI là một công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đối với ngành vận tải, AI mang lại lợi ích khi giảm thiểu mức năng lượng cần tiêu thụ thông qua việc định hướng và xác định các tuyến đường tối ưu nhất.
Trong nông nghiệp, AI giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước ngọt bị lãng phí khi nông dân nhờ ứng dụng công nghệ này có thể tối ưu hóa việc tưới tiêu cho cây trồng, việc thu hoạch cũng mang lại năng suất cao hơn. Ở Ấn Độ, với sự hỗ trợ của AI, vụ đậu phộng của nông dân đã tăng 30% năng suất.
Chính sách rất quan trọng
Theo nhận định của tạp chí Fortune, cần có sự hợp tác của con người và nhiều thành phần trong xã hội để AI có thể được ứng dụng hiệu quả vào công tác đối phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh các quan chức chính phủ, doanh nhân, chuyên gia công nghệ..., trọng tâm của "buổi đầu của công nghệ AI" hiện nay nằm trong tay của các nhà hoạch định chính sách.
Trong thời gian gần đây, các nhà lập pháp ở Mỹ và nhiều quốc gia khác đang nỗ lực xây dựng các quy định cho việc phát triển AI an toàn.
Tuy nhiên, giáo sư Fengqi You của trường kỹ thuật Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng tiềm năng của AI trong việc chống biến đổi khí hậu và tác động của chính công nghệ này lên môi trường cũng cần được xem xét khi xây dựng các chính sách.
Theo tạp chí Fortune, các chính sách phải cho phép sự đổi mới và ứng dụng AI trong lĩnh vực khí hậu. Các nguồn lực cho công tác này cũng cần được phân bổ hiệu quả, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên mà công nghệ AI có thể thúc đẩy hành động và mang lại hiệu quả ngay lập tức.
Các nhà hoạch định chính sách cũng cần thúc đẩy việc ứng dụng AI cho công tác giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành công nghiệp có mức phát thải cao như hàng không, sản xuất, sản xuất điện năng, xây dựng...
Dù vậy, hệ thống AI cần nhiều năng lượng hơn các hình thức tính toán khác, do đó cuộc chạy đua phát triển các hệ thống AI phức tạp hiện nay của nhiều ông lớn công nghệ đang ngày càng làm nhu cầu năng lượng tăng thêm. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10-2023 ước tính ngành công nghiệp AI tính đến năm 2027 có thể tiêu thụ lượng điện tương đương với nhu cầu của một quốc gia có quy mô như Hà Lan.
Dưới điều kiện đó, chính sách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo việc sử dụng năng lượng không phát thải để vận hành các tài nguyên cho việc phát triển AI.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia công nghệ cũng lưu ý việc công nghệ AI phải được cung cấp với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận đối với các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là các nước ở nhóm Global South, đang phải đối diện trực tiếp với khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Singapore, Philippines dùng AI chống thiên tai
Khả năng dự đoán các kiểu thời tiết là yếu tố then chốt trong việc hiểu biết và chống biến đổi khí hậu, như việc đường đi của bão có thể được dự đoán trước ba ngày với độ chính xác cao hơn so với dự báo bão trước 24 giờ của 40 năm trước.
Nhờ tiến bộ trên, chính quyền các quốc gia và các cộng đồng có thể soạn thảo những chiến lược thích ứng và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.
Trong trường hợp của Singapore, chính quyền đảo quốc này đã ứng dụng AI trong việc dự đoán lũ lụt và kiểm tra khả năng chống chịu lũ của cơ sở hạ tầng. Cùng lúc đó, Philippines cũng đang nỗ lực dùng AI để giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro do thiên tai.
Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã khiến 43,1 triệu trẻ em phải rời bỏ quê hương trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2021.