Tuyến metro số 1 hiện đã đạt 97,04%, TP.HCM phấn đấu khai thác thương mại vào tháng 7-2024. Nhưng trước khi đưa vào vận hành, metro số 1 cần được tổ chức tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống, vấn đề này đã được quy định tại Luật Đường sắt 2017.
Về quy trình đánh giá, thông tư 15 của Bộ Giao thông vận tải quy định ban hành ngày 17-8-2021 cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc này.
Theo đó, đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị là việc đánh giá độc lập về an toàn hệ thống đối với các hạng mục công việc thực hiện và xác nhận đảm bảo an toàn vận hành.
Tổ chức đánh giá là tổ chức độc lập có năng lực phù hợp được công nhận bởi các tổ chức chuyên môn quốc tế, cung cấp dịch vụ đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống cho đường sắt đô thị. Trước đây, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, an toàn hệ thống do liên danh tư vấn đến từ Pháp đánh giá.
Với tuyến metro số 1, Liên danh Bureau Veritas Vietnam - Bureau Veritas Exploitation - Bureau Veritas Quality Services - Shanghai Project Management - TEDI (gọi tắt là liên danh BVT) được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM lựa chọn là tổ chức chứng nhận an toàn độc lập.
Liên danh gồm có các chuyên gia đến từ Pháp, Nhật Bản và một số nước châu Âu khác. Trong đó, Bureau Veritas là một tập đoàn lớn với gần 200 năm trong lĩnh vực tư vấn kỹ thuật trên toàn thế giới.
Ông Takebayashi - phó giám đốc dự án - đánh giá an toàn tuyến metro số 1 thuộc liên danh BVT cho biết với các dự án đường sắt, công tác thử nghiệm, đánh giá an toàn là rất quan trọng.
Bởi hệ thống đường sắt đô thị có công nghệ tương đối cao, các hệ thống liên thông với nhau, việc điều khiển chủ yếu là tự động, lại chuyên chở một lượng khách rất lớn. Đối với các quốc gia khác, từ khi hoàn thành công tác thi công, rồi tiến hành các thử nghiệm, đánh giá sẽ mất tối thiểu 6 tháng.
Metro số 1 là dự án metro đi ngầm đầu tiên ở Việt Nam. Vì thế, công tác thử nghiệm, đánh giá công tác xử lý sự cố, cứu nạn cứu hộ trong hầm ngầm sẽ rất phức tạp.
Liên danh BVT sẽ luôn theo sát tiến độ dự án và đưa ra các đánh giá an toàn độc lập, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho chủ đầu tư sớm đưa tuyến metro số 1 vào vận hành.
"Ngay khi tổ chức chứng nhận an toàn độc lập hoàn thành hồ sơ đánh giá tuyến metro số 1, chủ đầu tư lập và hoàn thiện hồ sơ thẩm định an toàn hệ thống nộp đến Cục Đường sắt Việt Nam. Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ tiến hành thẩm định. Khi kết quả thẩm định đạt yêu cầu, Cục Đường sắt Việt Nam cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống", ông Takebayashi nói.
Công ty vận hành metro số 1 TP.HCM được tháo gỡ khó khăn khi được chấp thuận bổ sung vốn điều lệ.