Ngày 21-6, 11 nước Đông Nam ghi nhận tổng cộng 30.095 ca nhiễm COVID-19 mới và thêm 543 người chết vì đại dịch này.
Indonesia báo cáo số ca nhiễm mới cao nhất kể từ đầu dịch
Indonesia hôm 21-6 đã báo cáo số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, theo kênh tin Channel News Asia.
Chỉ trong vòng 24 giờ, Indonesia đã có thêm 14.536 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên mức 2.004.445. Trước đó, kỷ lục đáng buồn về số ca nhiễm mới tính theo ngày tại Indonesia là 14.518, được công bố hôm 30-1.
Một bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia có bệnh tình nghiêm trọng và cần đến các phương pháp chăm sóc đặc biệt. Ảnh: AFP
Cùng ngày 21-6, Indonesia báo cáo thêm 294 ca tử vong vì COVID-19, đưa tổng số người chết vì đại dịch ở nước này lên mức 54.956.
Thủ đô Jakarta vẫn là tâm dịch với 5.014 ca nhiễm mới và thêm 74 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày 21-6.
Số ca nhiễm COVID-19 đã tăng nhanh trong khoảng một tháng qua do người dân bất chấp các quy định phòng dịch, đi du lịch hoặc về thăm quê trong dịp nghỉ kết thúc tháng lễ ăn chay Ramadan. Các chuyên gia dự đoán xu hướng tăng nhanh số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia có thể còn kéo dài tới đầu tháng 7.
Hệ thống y tế Indonesia đang căng mình khi số bệnh nhân COVID-19 cần được điều trị tăng trở lại. Ở nhiều địa phương, tỉ lệ giường bệnh đã được dùng tới đã là 80-90%. Giới chức Indonesia dự tính bố trí thêm 72.000 giường bệnh dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 và 7.500 giường chăm sóc đặc biệt.
Indonesia đã ban hành quy định hạn chế di chuyển trong 14 ngày, từ nay tới ngày 5-7, tại 29 khu vực báo động đỏ. Ở những vùng này, tất cả học sinh đều phải học trực tuyến. Nhà hàng và trung tâm thương mại chỉ được phục vụ tối đa 25% công suất và phải đóng cửa từ 8 giờ tối hằng ngày trong khi các địa điểm công cộng, điểm du lịch, cơ sở tôn giáo buộc phải đóng cửa. Các doanh nghiệp không thiết yếu vẫn mở cửa với 25% số nhân viên được tới văn phòng làm việc.
Đại diện chính quyền Jakarta cho biết Indonesia đang tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nước này đã hoàn thành mục tiêu triển khai 700.000 mũi vaccine mỗi ngày vào tuần trước và đang tiếp tục hướng tới mức 1 triệu mũi vaccine mỗi ngày vào tháng sau.
Tính tới ngày 21-6, Indonesia đã triển khai gần 35,93 mũi vaccine ngừa COVID-19. Gần 12,4 triệu người Indonesia (gần 4,5% dân số) đã được tiêm đủ hai mũi vaccine và hơn 11,1 triệu người khác (hơn 4% dân số) đã nhận một mũi vaccine.
Các tổ chức quốc tế báo động về dịch COVID-19 ở Myanmar
Ngày 21-6, cơ quan y tế của chính quyền quân sự Myanmar thông báo 595 ca nhiễm COVID-19 mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ vụ chính biến hồi đầu tháng 2.
Một khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Myanmar. Ảnh: REUTERS
Tổng số người nhiễm COVID-19 được phát hiện tại nước này là 148.617, trong đó 3.265 trường hợp đã tử vong (gồm ba ca được báo cáo hôm 21-6).
Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Myanmar đã tăng nhanh trong tháng qua với nhiều trường hợp được phát hiện tại các khu vực giáp biên giới Ấn Độ, khiến giới quan sát lo ngại về một làn sóng COVID-19 mới ở Myanmar. Ngoài ra, nhiều nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu chống COVID-19 đình công để phản đối việc quân đội Myanmar nắm quyền.
Tiến độ xét nghiệm tại nước này đã giảm mạnh, từ khoảng 17.000 mẫu mỗi ngày trong tuần cuối tháng 1 xuống mức chỉ hơn 4.000 mẫu mỗi ngày trong tuần qua.
Trong khi đó, tỉ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính lại cao hơn so với giai đoạn trước chính biến. Theo thông báo ngày 21-6, gần 12% các xét nghiệm COVID-19 ở Myanmar trả về kết quả dương tính, tức xấp xỉ mức “đỉnh” của thông số này được ghi nhận hồi tháng 11 năm ngoái.
Chương trình tiêm chủng cũng bị chậm lại sau chính biến. Một số người từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 để thể hiện sự bất bình trước chính quyền quân sự.
Người chỉ đạo chương trình tiêm chủng của chính quyền dân sự (đã bị phế truất) là bà Htar Htar Lin đã bị bắt hôm 10-6 do liên quan tới Chính phủ đoàn kết dân tộc (NUG) - nhóm các nhà lập pháp dân sự đã bị chính quyền quân sự đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hay Hội Trăng lưỡi liềm đỏ đều cảnh báo về tình trạng dịch COVID-19 đang dần nghiêm trọng ở Myanmar.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Philippines. Ảnh: INQUIRER
Trong cùng ngày 21-6:
Philippines báo cáo thêm 5.249 ca nhiễm COVID-19 và 128 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 1.364.239, bao gồm 23.749 bệnh nhân đã không qua khỏi.
Malaysia ghi nhận 4.611 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên thành 701.019. Trong đó, 4.477 bệnh nhân đã tử vong, gồm 69 trường hợp được báo cáo hôm 21-6.
Thái Lan đã báo cáo tổng cộng 225.365 ca nhiễm COVID-19, tăng 4.059 trường hợp và tổng số ca tử vong là 1.693, tăng 35 trường hợp so với một ngày trước đó.
Singapore có thêm một trường hợp tử vong vì COVID-19 và 16 ca mắc mới. Nước này đã phát hiện tổng cộng 62.430 ca nhiễm, trong đó 35 trường hợp đã tử vong.
Campuchia có tới 735 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 đã được phát hiện tại nước này lên thành 43.446. Thêm 10 trường hợp tử vong được báo cáo trong ngày 21-6 khiến tổng số người Campuchia chết vì COVID-19 lên tới con số 441.
Việt Nam báo cáo thêm 272 ca nhiễm và ba trường hợp tử vong COVID-19. Tính tới ngày 21-6, tổng số ca nhiễm tại Việt Nam là 13.483, trong đó 69 bệnh nhân đã không qua khỏi.
Timor Leste có thêm 21 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số người mắc bệnh lên mức 8.728. Số ca tử vong là 19, không tăng so với báo cáo ngày 20-6.
Lào và Brunei đều không báo cáo ca tử vong mới nên số ca tử vong vì COVID-19 tại mỗi nước vẫn là 3. Lào có 2.054 ca nhiễm COVID-19 (gồm 1 trường hợp được báo cáo ngày 21-6) và Brunei có 255 ca nhiễm COVID-19 (không tăng so với 24 giờ trước đó).