Vì vậy, các chính sách được đưa ra không chỉ nhằm giải quyết vấn đề cho những người đang hút thuốc mà còn ngăn chặn một thế hệ hút mới. Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện sự nhập nhằng giữa tài trợ nhân đạo và tác động chính sách của các tổ chức phản đối thuốc lá về các giải pháp giảm thiểu tác hại thông qua những sản phẩm thuốc lá không khói. Điều này đã và đang ảnh hưởng uy tín của các chính phủ và vi phạm vào nhân quyền tại một số quốc gia.
Từ chối cung ứng vắc-xin và “đóng băng” máy thở vì… liên quan thuốc lá
Chính phủ Philippines của Tổng thống Rodrigo Duterte đang bị tổn hại uy tín và chỉ trích dữ dội. Các cơ quan giám sát chính phủ quốc tế cũng đã lên tiếng phản đối chính sách “ngoại giao bằng đô-la” của các quỹ tài trợ Michael Bloomberg, nhận định rằng các hoạt động này thậm chí có thể được xem là bất hợp pháp theo các điều luật tương tự của Hoa Kỳ - nơi tổ chức này đăng ký hoạt động. Đó là những điều luật ngăn cản các doanh nghiệp Hoa Kỳ hối lộ các cơ quan chính phủ nước ngoài để mua sản phẩm của họ.
Nguyên nhân là ngay sau khi nhận được một "khoản tài trợ lớn" từ Quỹ chống thuốc lá của Michael Bloomberg (theo thông tin từ tạp chí The Manila Standard), Bộ Y tế và Ủy ban Công vụ Philippines đã ban hành thông tư nhằm phân rõ đường biên đối với các công ty thuốc lá. Chưa biết những thông tư này sẽ đóng góp gì cho cộng đồng nhưng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chính phủ vì những hành động vi phạm nhân quyền.
Cụ thể, Bộ Y tế Philippines đã “đắp chiếu” 370 máy thở trong kho kể từ năm 2020 tới nay, đến mức bị hư hỏng. Lý do là vì loạt thiết bị này… được hỗ trợ bởi các công ty thuốc lá. Một hành động được cho không thể phi lý hơn.
Bộ Y tế Philippines cho biết, Thông tư Liên ngành số 2010-01 giữa Bộ này và Ủy ban Công vụ có quy định cấm bất kỳ hoạt động kết nối nào giữa chính phủ với ngành công nghiệp thuốc lá, bao gồm cả việc nhận các khoản tài trợ, kể cả những chiếc máy thở trong tình trạng dịch bệnh khẩn cấp. Những chiếc máy thở này lẽ ra đã có thể cứu được rất nhiều sinh mạng tại Cagayan De Oro – một trong những khu vực có số trường hợp mắc bệnh COVID-19 cao nhất Philipines thời gian qua.
Bên cạnh việc thể hiện sự tách bạch của chính phủ với các công ty thuốc lá, thông tư này còn cho thấy mặt trái chính là bảo vệ cho sự vi phạm đạo đức nghiêm trọng khi Bộ Y tế Philippines đã viện vào đó để từ chối các doanh nghiệp thuốc lá được tiếp cận với vắc-xin phòng ngừa COVID-19 do chính phủ nhập khẩu để triển khai chương trình tiêm chủng dành cho nhân viên.
Đại diện HealthBridge Canada phát biểu trong một hội thảo về phòng chống thuốc lá
Tại các nước khác, các quỹ của Michael Bloomberg cũng cho thấy những dấu hiệu can thiệp vào chính sách nhằm đưa ra các quyết định cấm đoán cực đoan đối với các sản phẩm thuốc lá không khói. Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan đã, đang nhận tài trợ từ Quỹ Bloomberg và đổi lại là những lệnh cấm các sản phẩm thay thế không khói thuốc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chấm dứt quan hệ hợp tác với Quỹ Bloomberg sau khi các cơ quan tình báo trong nước bày tỏ quan ngại về sự chi phối của Quỹ Bloomberg lên chính sách quốc gia.
Hiện nay, các tổ chức từ thiện thuộc Quỹ Bloomberg hoạt động thông qua mạng lưới chân rết rộng khắp trên thế giới, như: HealthBridge Canada, Campaign for Tobacco-Free Kids (CTFK), Vital Strategies, The Union, SEATCA…, và đặc biệt có ảnh hưởng tại các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi từ Đông Nam Á đến châu Phi và Mỹ Latinh.
Phủ nhận cả những sản phẩm thuốc lá đã có trong luật
Việt Nam cũng là một trong những nước có nhận sự tài trợ từ các tổ chức thuộc quỹ từ thiện tư nhân Bloomberg. Những tổ chức này đã và đang tích cực tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm không khói (còn gọi là thuốc lá thế hệ mới) trong đó có thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử. Không chỉ dừng lại đó, những tổ chức này cũng đang đề xuất cấm các sản phẩm thuốc lá không khói nói chung, kể cả những sản phẩm đã nằm trong Luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Những đề xuất cấm đoán này cũng đồng thời đang đi ngược lại với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Hậu quả để lại là tình trạng thất thu thuế trong nhiều năm qua, nhất là trong thời gian gần đây cả nước phải chịu tác động kinh tế nặng nề do dịch bệnh. Mặt khác, tình trạng buôn lậu tăng cao kéo theo gánh nặng cho các cơ quan ban ngành khi phải gồng mình vừa chống dịch, vừa chống buôn lậu.
Các tổ chức chống thuốc lá vẫn luôn khẳng định các công ty thuốc lá đang nhắm vào giới trẻ trong khi thực tế chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào được phép thương mại thuốc lá thế hệ mới. Việc thiếu cơ chế quản lý mới chính là nhân tố khiến cho các nguồn hàng lậu dễ dàng qua mặt cơ quan quản lý và công khai tấn công vào học đường.
Đại diện HealthBridge Canada trong một hội thảo về thuốc lá thế hệ mới (ảnh: Internet)
Theo định nghĩa trong Luật phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành, thuốc lá làm nóng hiện đang nằm trong luật và do đó đủ cơ sở pháp lý để áp dụng ngay cho bất kỳ sản phẩm thuốc lá đã đăng ký có mặt trên thị trường. Vì vậy, sẽ rất khó chấp nhận khi đã để cho sản phẩm thuốc lá này “trôi nổi” trong gần bốn năm qua, vừa gây thiệt hại đáng kể ngân sách do thất thu thuế, vừa gây ra những bất cập khác trong quản lý thị trường và xã hội. (tổng hợp)