Anh Nở bên máy nướng bán tráng đa năng 4M của mình - Ảnh: TRẦN MAI
Câu chuyện của chàng kỹ sư Nguyễn Nở (36 tuổi, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đi từ cuộc phiêu lưu trí tuệ đến những giấc mơ lớn hơn. Anh ấp ủ nhiều sáng tạo sẽ làm trong tương lai, là những máy móc người dân có thể sử dụng mỗi ngày chứ không phải mô hình "trên giấy".
"Những nhà tổ chức cuộc thi sáng tạo phải tính đến vấn đề thương mại và đó là một điểm cộng lớn để chấm giải cho các ý tưởng. Bởi một mô hình không đoạt giải nhưng ứng dụng thực tế, thị trường chấp nhận, có ý nghĩa hơn nghìn lần một ý tưởng hay nhưng xa rời thực tế.
Kỹ sư Nguyễn Nở
Sao bà con cực vậy?
Anh Nở khởi đầu câu chuyện của mình bằng câu nói là "trend" của giới trẻ hiện nay "Làm vì đam mê chứ thu nhập thua cả khi đi làm công ăn lương". Tưởng anh Nở, đùa nhưng hóa ra là thật. Chàng kỹ sư công nghệ nhiệt có 10 năm đầu quân cho một doanh nghiệp lớn của nước ngoài đóng tại Quảng Ngãi. Hưởng chế độ đãi ngộ mơ ước, bất ngờ anh xin nghỉ việc khiến đồng nghiệp, người thân "choáng". Duy chỉ có người vợ hết mực ủng hộ chồng.
"Tôi hay tâm sự với cô ấy: Thấy bà con nướng từng cái bánh tráng rất cực, anh sẽ nghiên cứu một máy nướng bánh tráng. Và cũng chỉ cô ấy biết, nhiều năm ròng rã, ban ngày đi làm công ty, đêm về, tôi mày mò tự nghiên cứu", anh Nở trải lòng.
Người vợ hiểu chồng, động viên: "Không có lương thì về vợ nuôi". Những câu nói đượm tình vợ chồng ấy đủ để anh Nở bắt đầu toàn tâm sáng chế. Khối óc thông minh, trái tim nhiệt huyết, anh Nở tìm hiểu dụng cụ thay thế than củi và phải sang tận Hàn Quốc để nhập bộ phát tia hồng ngoại đủ độ nóng nướng bánh.
Rồi anh tiếp tục sáng chế bộ điều khiển để người nướng có thể chủ động tăng giảm nhiệt độ tùy theo ý mình... Máy nướng bánh tráng đa năng 4M hình thành từ đó.
Anh Nở tâm sự: "Đúng ra tôi bắt đầu nghiên cứu máy nướng bánh tráng từ năm 2014. Mãi đến năm 2017 mới cơ bản hoàn thành. Lúc này tôi quyết định nghỉ việc mang máy mời bà con dùng thử và lắng nghe góp ý của người dùng để dần hoàn thiện máy. Cũng vất vả lắm".
Giải thích lý do sáng chế máy nướng bánh tráng làm khởi đầu, anh Nở bảo rằng không đủ tầm nghiên cứu những mô hình vĩ mô, anh chỉ toàn tâm sáng tạo những gì thuộc về cuộc sống, ai cũng có thể sử dụng được.
"Khi còn nhỏ tôi thấy lưỡi cày đôi, một lần kéo mà được hai đường do chú hàng xóm tạo ra, tôi rất nể phục. Nó giúp người dân đỡ vất vả hơn, công việc làm nhanh hơn. Tôi làm máy nướng bánh tráng đa năng bằng tia hồng ngoại cũng chỉ vì suy nghĩ làm thế nào giảm thời gian, chi phí, nhân công... và thay thế nguồn nhiệt từ than vốn đắt đỏ và ô nhiễm môi trường", anh Nở chia sẻ.
Thước đo lớn nhất là người tiêu dùng đã chấp nhận máy nướng bánh tráng của anh chế tạo. Bởi năng suất vượt trội, trong 1 giờ có thể nướng được 200 cái bánh tráng, chín đều và chỉ cần 1 người đứng máy, chi phí chỉ khoảng 10.000 đồng/200 cái. Trong khi đó nếu nướng thông thường cần 60.000 đồng tiền than và 2 người phải nướng liên tục trong 4 giờ. Máy cũng xóa bỏ khí than ô nhiễm và nguy hiểm đến người dùng khi nướng bằng tia hồng ngoại.
Bây giờ, nhìn xưởng chế tạo hoạt động hết công suất cũng không kịp đáp ứng đơn hàng khắp cả nước. Nhưng hành trình sáng tạo không bao giờ dễ dàng, điều ấy có thể thấy được qua những bản thảo, bản chỉnh sửa, bản hoàn thiện... có trên máy tính lẫn ngoài xưởng. Sáng chế, sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng, để đi đến thành công là cả một hành trình giới thiệu, thuyết phục khách hàng, lắng nghe, cải tiến...
Những dự định to lớn hơn
Anh Nở bảo, bối cảnh xã hội hiện tại, người trẻ khởi nghiệp dễ nhưng khó. Hội nhập giúp chúng ta dễ dàng giới thiệu sản phẩm đi xa, nhưng cũng rất khó nếu không cải tiến sản phẩm của mình, sẽ dần lạc hậu và bị thay thể bởi những sản phẩm tốt hơn.
"Với tôi, đối thủ lớn nhất là người chưa xuất hiện. Bởi tôi không thể biết họ giỏi đến mức nào và khi họ bắt đầu tung sản phẩm cạnh tranh, chắc chắn sản phẩm đó như một bản nâng cấp so với sáng tạo hiện tại của mình. Tôi vẫn luôn nói với anh em làm chung là không bao giờ được ngừng sáng tạo. Dừng lại đồng nghĩa với tự diệt", anh Nở nói.
Khởi đầu từ máy nướng bánh tráng, bây giờ anh Nở đã có cho mình 10 ý tưởng thành hình. Trong đó có những sản phẩm thương mại là máy nướng bánh tráng, nhà sấy, máy sấy thực phẩm mini, máy nướng thịt bằng tia hồng ngoại, máy cắt bánh tráng.
Anh Nở cũng không còn đơn độc nữa, 7 người trẻ cùng chung đam mê sáng chế đang đầu quân cho anh. Họ cũng mang nhiệt huyết của tuổi trẻ vào từng ý tưởng.
Mỗi tháng, được trả lương từ 7-15 triệu đồng/người ở một vùng quê như xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành là số tiền lớn, đủ để các chàng trai trẻ chăm lo cho tổ ấm của mình và tiếp tục biến những bản thảo thành hình.
Những dự tính trong 10 năm tới cũng được vạch ra. Anh Nở bảo không mong trúng số, chỉ mong trời cho mình lóe lên trong đầu một ý tưởng. Anh không mong giàu sang, chỉ mong có được nhiều sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống.
Ý tưởng tâm huyết của anh Nở hiện chưa thể tiết lộ cụ thể. Anh vẫn theo đuổi điều ấy, đó là một sáng chế mà bất kỳ gia đình nào cũng có thể sử dụng và liên quan đến môi trường.
"Tôi có 10 năm cho sáng chế để đời của mình. Nếu thực hiện không được thì đó thật sự là thất bại của đời tôi. Bởi khi tôi quyết định nghỉ việc, mục tiêu sống của tôi cũng thay đổi, không cố kiếm thật nhiều tiền nữa mà là tạo ra thật nhiều sản phẩm mới cho cuộc sống", anh Nở trải lòng.
Những khen thưởng xứng đáng
Những sáng chế của anh Nở đoạt rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ: Giải thưởng Lương Định Của năm 2020; Giải nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi năm 2019; Giải khuyến khích tại hội thi khoa học sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi năm 2019; tham gia hành trình "Tôi yêu tổ quốc tôi" năm 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức. Được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2018.
TTO - Cây dừa nước tưởng chừng không nhiều giá trị cho đến khi Phan Minh Tiến tìm ra cách “bắt” chúng tiết ra mật. Chàng kỹ sư hóa đã làm điều đó thế nào?
Xem thêm: mth.60371101222601202-oat-gnas-gnout-y-nel-eol-gnom-ihc-os-gnurt-gnom-gnohk/nv.ertiout