Người dân thực hiện 5K khi ra ngoài đường - Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Đã một năm rưỡi qua, nhân loại đã quen với làm từ xa, học trực tuyến. Những kế hoạch, dự án luôn phải có cả phần phương án dự phòng khi dịch bùng phát.
Trong những lần họp với đồng nghiệp quốc tế, hỏi thăm nhau xem tình hình mỗi thành phố, quốc gia đang thế nào, họ cũng như mình đã tự hay bị giam lỏng bao lâu rồi. Và động viên nhau. Những đợt giãn cách nhiều lần liên tiếp, các con số thống kê ca nhiễm ngày mấy lần.
Lo chứ nhưng ai cũng phải mưu sinh. Kiệt sức về việc phải kiên nhẫn chờ đợi, túng bấn về tài chính và chưa rõ một tương lai khi nào an toàn khiến nhiều người "bung mình" ra đường nhiều hơn so với đợt giãn cách đầu tiên.
Những nơi đã có vắc xin hay những ai đã hoàn thành 2 liều tiêm vắc xin thì được tận hưởng niềm hạnh phúc lớn lao khi mang trong mình đôi cánh tự do hơn. Nhưng những người có cảm giác tự do ấy chỉ mới là một phần rất rất nhỏ của hơn 7 tỉ người đang phải oằn mình hứng chịu sự biến đổi khôn lường của các chủng virus COVID mới.
Hỏi thăm bạn bè ở các nước, tôi được biết mỗi chính phủ có một cách thức đối phó với lần bùng phát mạnh nhất này khác nhau.
Việc chế tài về quy cách tuân thủ biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hay làm việc tại nhà... đều được tiến hành. Thực tế, những nơi triển khai triệt để về giãn cách xã hội thì khả năng dập được dịch nhanh hơn, chấp nhận thiệt hại kinh tế trước mắt cùng những lo lắng tương lai.
Các thành phố lớn ở Đài Loan, nơi đã phòng dịch rất tốt những đợt đầu, nay thực hiện quy định lượt đi chợ dựa trên số chẵn - lẻ. Đà Nẵng cũng áp dụng tương tự: phát phiếu đi chợ cho người dân để hạn chế việc lây nhiễm chéo trong cộng đồng vì tụ tập đông người.
Lần này khi dịch bùng phát ở TP.HCM, đeo khẩu trang giờ đây đã giống như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, ai cũng phải tuân thủ, nhưng cũng có không ít người đeo kiểu đối phó.
Nếu như những đợt trước người ta cổ động nhau với vũ điệu rửa tay thì giờ đây bình sát khuẩn ở khắp mọi nơi, nhưng nếu bảo vệ không gí vòi xịt vào tận tay, nhiều người cũng bỏ qua việc sát khuẩn đôi bàn tay mình. Người ta cũng không tất bật lau chùi những chỗ bị nhiều người cầm nắm như cần gạt cửa lùa, bảng điều khiển thang máy như năm 2020.
Rồi việc giao dịch bằng tiền mặt, các bưu phẩm được chuyển phát, hàng hóa ở siêu thị, cửa hiệu... chẳng mấy người dùng găng tay khi chạm vào các bề mặt này, cũng không khử khuẩn trước khi mang vào nhà hoặc vứt hẳn bao bì ra ngoài.
Chúng ta đã sống chung với đại dịch hơn một năm rưỡi nhưng không vì thế mà ta mạnh hơn trước virus biến chủng.
Nhiều người bắt đầu nói kiểu buông xuôi rằng "trời kêu ai nấy dạ" hoặc có bệnh Nhà nước lo! Và đang nóng lên những ngày qua là chuyện tiêm vắc xin. Cả thế giới còn thiếu vắc xin, Việt Nam không ngoại lệ.
Những vùng có dịch bùng phát đang được ưu tiên vắc xin nhưng nhìn rộng ra cả nước, đến những người nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa, cơ hội được tiêm ngừa còn nhiều tháng nữa (nếu có đủ thuốc ngừa).
Giữa những ngày ca bệnh tăng nhanh này, vắc xin là niềm hy vọng cho tương lai, không phải là giải pháp hiệu quả tức thì. Nhưng những tổn hại kinh tế, thu nhập của từng nhà sẽ còn dai dẳng. Câu chuyện Ấn Độ vẫn chưa qua lâu.
Những con số ca nhiễm không triệu chứng, không rõ nguồn lây vẫn còn đó, đang tăng hằng ngày. Và 5K vẫn là phương thuốc hiệu quả tức thì để cùng hy vọng vài tuần tới, mọi người có thể ra đi học, đi làm và tiếp tục chờ vắc xin.
TTO - Hiện mỗi ngày, TP.HCM đều phát hiện những ca nhiễm mới thông qua sàng lọc. Những người chúng ta tiếp xúc hằng ngày có thể trở thành F0 hoặc chính chúng ta trở thành F0 gây lây nhiễm cho người xung quanh.
Xem thêm: mth.91471511222601202-hnim-taos-meik-ut/nv.ertiout