Thời gian vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, trên tuyến hàng không, khi việc vận chuyển hành khách tạm dừng hoặc kiểm soát rất chặt chẽ thì các đường dây ma túy quốc tế lại lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch qua đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang, cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam rồi đi các nước tiêu thụ. Đáng nói là, việc phát hiện, xử lý hình sự các vụ việc còn gặp rất nhiều khó khăn bởi có đến 80% là hàng “vô chủ”.
“Quái chiêu” của tội phạm ma túy
Đầu tháng 4/2021, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an nắm được nguồn tin về đối tượng tại CHLB Đức đang chuẩn bị gửi hàng chứa ma túy về Việt Nam qua đường hàng không. Trinh sát cũng nắm được, số hàng này sẽ gửi về 2 tỉnh là Phú Thọ và Hải Dương, có kèm hình ảnh thông tin kiện hàng, số điện thoại người nhận
Bí mật xác minh, bởi trinh sát thừa biết rằng cả tên, địa chỉ đều là giả, cuối cùng đã khoanh vùng xác định nổi lên có đối tượng Hoàng Văn Thành (SN 1991, ngụ tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), kẻ có nhiều tiền án, tiền sự, nghiện ngập nhưng lại khá giàu có.
Cùng lúc này, Cục Hải quan TP Hà Nội cũng phát hiện một lô hàng gồm 36 kiện (412 kg), trong đó có 13 kiện nghi chứa ma túy, được gửi từ Amsterdam, Hà Lan về Hà Nội qua đường hàng không quốc tế. Đáng chú ý, trong các địa chỉ người nhận ở Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, có 1 địa chỉ trùng với đối tượng mà Cục C04 đang đấu tranh.
Từ đây, một chuyên án phối hợp được thành lập và từ ngày 9-14/4/2021, Cục C04, Cục Hải quan TP Hà Nội và các đơn vị, địa phương đã triệt phá thành công đường dây ma túy quốc tế từ châu Âu về Việt Nam qua đường hàng không, bắt giữ 16 đối tượng, thu hơn 127 kg ma túy các loại và nhiều vật chứng liên quan, trong đó, riêng tại nhà Hoàng Hữu Thành thu được 8,8 kg và trong 4/5 kiện hàng sau đó gửi cho Thành bị Công an “nhận giùm” có chứa 27 kg ma túy.
Đây là chuyên án có số lượng ma túy tổng hợp thu giữ quả tang lớn nhất từ trước đến nay qua đường hàng không. Tất cả số ma túy này đều được đóng gói trong hộp sữa bột trẻ em hiệu Aptamil, hộp thực phẩm chức năng rồi để lẫn với các hàng hóa khác, đóng thành từng thùng bưu kiện rồi gửi đến các địa chỉ ở nhiều địa phương trong cả nước.
Khoảng 1 tháng sau, qua trao đổi thông tin với cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc), Cục C04 nhận được thông tin về tổ chức tội phạm do một số đối tượng người Việt sống tại Campuchia cấu kết với các đối tượng tại Việt Nam vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về TP. Hồ Chí Minh đi nước ngoài tiêu thụ qua đường bộ, đường hàng không.
Tập trung điều tra, đến 20h ngày 19/5/2021, tại Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, Ban chuyên án đã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 59G-12697 chở 3 thùng mỳ tôm, trong mỗi thùng chứa 10 kg ma túy Ketamine.
Lái xe khai chở số hàng này cho hai người Đài Loan (Trung Quốc) tại địa chỉ 199, đường số 7, quận Bình Tân; còn 2 kẻ này thừa nhận được đối tượng Huang Yen Sheng, quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) thuê vận chuyển ma túy. Từ tài liệu trinh sát, ngay trong đêm, Cục C04 đã khám xét khẩn cấp kho hàng của Công ty TNHH dịch vụ vận chuyển Thế Trường tại ấp 3, xã Tân Kiên, Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, thu giữ 5 máy mô tơ điện, mỗi mô tơ nặng 1 tấn, bên trong chứa tổng cộng 150 kg ketamine đang được làm thủ tục để vận chuyển ra kho hàng tại Hà Nội.
Cùng thời điểm trên, Ban chuyên án tiến hành khám xét kho xưởng rộng 300m2 tại thôn Xuyên Lâm, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội do Huang Yen Sheng thuê để làm kho đông lạnh, cất giấu ma túy lẫn với thịt lợn, nội tạng để xuất khẩu sang Trung Quốc tiêu thụ, thu giữ 900 dạ dày lợn (heo) chứa đầy ma túy bên trong rồi ép chân không, thu giữ tổng cộng 90 kg ketamine.
Còn trong căn biệt thự mà Huang Yen Sheng thuê tại khu Vinhome Riverside Long Biên, Hà Nội, C04 đã thu giữ 5 bộ định vị do các đối tượng dùng để gắn vào ô tô vận chuyển ma túy nhằm theo dõi hành trình lô hàng, tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Các đối tượng khai nhận với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 1/2021 đến nay, đã vận chuyển trót lọt 5 chuyến hàng, trong đó 3 chuyến có chứa ma túy, mỗi chuyến 90 kg ketamine. Đến nay, Cục C04 đã bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 270 kg ketamine, làm rõ chúng đã vận chuyển tổng cộng 540 kg ma túy tổng hợp.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều đường dây ma túy qua đường hàng không từ Châu Âu như Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan…về Việt Nam tiêu thụ mà lực lượng chức năng đã liê tiếp phát hiện, bắt giữ thời gian qua, thu giữ một lượng lớn ma tuý các loại.
Tăng cường hợp tác quốc tế, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng
Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, qua thực tế bắt giữ các vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không có thể thấy thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi hơn. Tội phạm ma túy lợi dụng các công ty vận chuyển quốc tế có mạng lưới bao phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước và có công ty đóng trụ sở ở nước ngoài gửi hàng hóa dưới hình thức hàng hóa thông thường để vận chuyển ma túy từ các nước,đặc biệt là Hà Lan, Đức, Bỉ về Việt Nam rồi đi các nước khác tiêu thụ.
Đối tượng thường ngụy trang, cất giấu ma túy rất tinh vi bằng nhiều hình thức khác nhau như: giấu vào hàng hóa, quà tặng, thuốc tân dược, hộp sữa Ensuare, Aptamil, hộp thực phẩm chức năng Magnesium, dầu gội đầu, sữa tắm, đồ chơi trẻ em…sau đó dập nắp giống của nhà sản xuất. Lượng lớn ma túy về Việt Nam thường giao về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh.
Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài, thường liên hệ mua bán ma túy với các đối tượng trong nước thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram, Viber, Wechat…, 2 bên không biết mặt nhau, trước khi gửi ma túy về, các đối tượng trong nước phải chuyển khoản cho chủ hàng ở nước ngoài. Tên, địa chỉ người gửi, người nhận trên các bưu kiện đều không có thực, số điện thoại sử dụng thường là sim rác, rất khó xác định chủ.
Do vậy, khi bắt giữ không có điều kiện làm rõ toàn bộ đường dây tội phạm, không xác định được đối tượng cầm đầu ở nước ngoài. Đối tượng có thể tra cứu được kiện hàng đi đến đâu, nếu thấy kiện hàng bị dừng bất thường, đối tượng sẵn sàng bỏ, không đến nhận hoặc thuê xe ôm đến nhận thay gói hàng chứa ma túy, bởi vậy mà việc xử lý hình sự các vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, số vụ “vô chủ” vẫn chiếm tỷ lệ lớn, tới trên 80%.
Các đường dây ma túy xuyên quốc gia này cũng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu hàng hoá ngày càng thông thoáng, sử dụng nhiều thủ đoạn cất giấu ma tuý chống lại việc kiểm tra soi chiếu của lực lượng hải quan, lực lượng công an, gây khó khăn cho công tác phát hiện ma tuý.
Nhận định các đường dây ma túy quốc tế vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện để vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, Cục C04 sẽ tăng cường lực lượng, triển khai hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản trên tuyến đường hàng không, đường bưu điện để nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng phạm tội ma túy; phối hợp với các Cảng hàng không, lực lượng Hải quan thành lập các tổ công tác liên ngành, xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm ma túy trên các tuyến địa bàn này.
Hiện nay, thủ tục gửi hàng hóa qua các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh rất đơn giản trong khâu gửi và giao nhận hàng, đảm bảo không sợ thất lạc. Vì vậy, rất dễ bị các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng làm phương thức vận chuyển ma túy để dễ thoát tội, khó chứng minh hành vi phạm tội.
Xem thêm: lmth.158411_gnohk-gnah-gnoud-auq-uhc-ov-yut-am-iouc-iab/na-uv/nv.moc.nagnoc