Liên quan đến việc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen gửi thư đến Thủ tướng xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 Nanocovax, sáng 23-6 PLO đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) về vấn đề này.
Theo ông Quang, Bộ Y tế rất mong muốn Việt Nam sớm có một loại vaccine do mình tự sản xuất để chủ động trong công tác chống dịch COVID-19. Thời gian qua, Bộ Y tế luôn theo sát quá trình nghiên cứu vaccine Nanocovax, tạo điều kiện hết sức có thể trong việc rút ngắn thủ tục. Đến nay, Nanocovax được triển khai nhanh hơn vaccine bình thường vì Bộ Y tế đã tạo điều kiện cho đơn vị này rút ngắn hơn 7-8 tháng nghiên cứu.
Nanocovax chỉ mới tiêm cho hơn 1.000 người giai đoạn 3, với kết quả vaccine này sinh miễn dịch tốt không ai phủ nhận. Tuy nhiên chỉ dựa vào đó mà xin cấp phép khẩn cấp là chưa đủ cơ sở khoa học. Ngoài tính sinh miễn dịch, vaccine này phải chứng mình được sẽ giảm được tỉ lệ mắc COVID-19, hoặc mắc rồi có giảm nhẹ tình trạng bệnh và yêu cầu này chưa có kết quả.
“Cái khó của cơ quan quản lý (Bộ Y tế) là phải chịu trách nhiệm trước dân về sự an toàn, mạnh khỏe và có hiệu lực của vaccine. Do đó, việc vừa mới thử nghiệm mũi 1 của giai đoạn 3 mà đã xin cấp phép là rất nóng vội. Nói Bộ Y tế không tại điều kiện cho doanh nghiệp là không đúng" - ông quang khẳng định.
Cũng theo ông Quang, Bộ Y tế luôn và vẫn tiếp tục đồng hành cùng Nanogen nghiên cứu, thử nghiệm vaccine. Sớm nhất là đến cuối tháng 7-2021 mới có các dữ liệu ban đầu, từ kết quả này mới tiếp tục xem xét hoặc triển khai tiếp các bước cuối, hoặc dừng lại bổ sung. Trên cơ sở đó mới đủ tiêu chuẩn đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ ra sao.
GS Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học - đơn vị tham gia quá trình phê duyệt sản xuất vaccine, thì cho rằng trước khi quyết định cấp phép khẩn cấp vaccine, Bộ Y tế có thể phải ban hành một thông tư riêng về phê duyệt có điều kiện với vaccine nội.
"Ngay như Nanocovax của Nanogen đã qua hai giai đoạn thử nghiệm với khoảng 1.000 tình nguyện viên, đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho kết quả tích cực, 100% tình nguyện viên sinh miễn dịch, thì cũng chưa kết luận được gì. Thế giới chưa bao giờ có trường hợp kết luận khi mới thử nghiệm trên một nhóm nhỏ như vậy” - GS Dũng nhấn mạnh.